Hiện nay, người dân đang hàng ngày mong mỏi, thành phố có quyết sách nhanh chóng phù hợp với tình hình thực tế “ích nước, lợi nhà” khi đưa ra giải pháp xử lý ô nhiễm bãi rác “nhức nhối” tồn tại hàng thập kỷ đã qua.
Xây Nhà máy xử lý ở vị trí hiện tại đã quy hoạch có khả thi?
Đã nhiều năm trôi qua, người dân phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu luôn sống trong thấp thỏm, mong chờ quyết sách của TP. Đà Nẵng để giải quyết ô nhiễm môi trường tại bãi rác Khánh Sơn, ảnh hưởng đến đời sống của hàng nghìn hộ dân. Hiện nay, người dân “nửa mừng, nửa lo” bởi bãi rác quá tải này đã có được phương án xử lý, nhưng lại lo tránh được ô nhiễm từ bãi chôn lấp, lại chịu ảnh hưởng từ các Nhà máy xử lý rác thải (do nằm trong bán kính bị ảnh hưởng do không đủ khoảng cách theo quy định).
Bởi TP. Đà Nẵng đầu tư xây dựng hai Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt có công suất 1.000 tấn/ngày đêm và 650 tấn/ngày đêm nhằm giải bài toán về xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị lâu dài của thành phố. Trong đó, Dự án Khu liên hợp xử lý chất thải rắn thành phố tích hợp với dự án đốt rác sinh hoạt phát điện Đà Nẵng do Công ty Cổ phần Môi trường Việt Nam liên doanh với Công ty Everbright International (Hồng Kông) lập Đề án với công suất đốt rác 650 tấn/ngày.
Khi được hỏi ý kiến, người dân phường Hòa Khánh Nam đều bày tỏ sự không đồng tình với việc tiếp tục xây dựng Khu liên hiệp xử lý chất thải rắn trên bãi rác Khánh Sơn. Người dân cho rằng nếu sử dụng công nghệ tiên tiến, không gây mùi hôi thì lãnh đạo TP. Đà Nẵng nên tính toán chọn nơi khác đặt khu xử lý thay vì vẫn để ở Khánh Sơn.
Người dân phường Hòa Khánh Nam cho hay, đã gần 30 năm nay, người dân sống ở khu vực bãi rác đã chịu quá nhiều thiệt thòi. Trong đó, ô nhiễm, bụi bặm, mùi hôi… làm đảo lộn cuộc sống, bệnh tật bủa vây. Trước đây, Công ty CP Môi trường Việt Nam cũng đã xây dựng nhà máy xử lý rác ở Khánh Sơn, tuy nhiên, mỗi khi nhà máy "khởi động" lên thì người dân lại "chịu không nổi".
Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại vị trí hiện tại (không đảm bảo khoảng cách theo quy định, cách khu dân cư 500m). TP. Đà Nẵng xây dựng Nhà máy xử lý rác, cần phải sớm di dời, đền bù, giải tỏa cho những hộ dân quanh nhà máy (khoảng trên 1.000 hộ dân), thời gian giải tỏa là bao lâu yêu cầu cụ thể rõ ràng...
Nếu nhà máy xây dựng xong mà dân chưa được di dời thì sẽ phải chịu ảnh hưởng trực tiếp từ hoạt động xử lý rác của các nhà máy này. Môi trường sẽ ảnh hưởng nhiều hơn khi chưa xây dựng Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt, vậy giải pháp của TP. Đà Nẵng đưa ra hóa lại làm cho dân khổ hơn vì ô nhiễm.
Trước ý kiến của người dân, TP. Đà Nẵng đã quyết định di chuyển Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt 1.000 tấn/ngày đêm vào chân núi để đảm bảo khoảng cách an toàn đối với người dân phường Hòa Khánh Nam. Đây là động thái tích cực của chính quyền địa phương, nhưng với người dân vẫn còn đó nỗi niềm trăn trở và mong muốn chính đáng cho môi trường sống và lợi ích thiết thực cho cộng đồng, xã hội…
Nhưng hiện nay vẫn hiện hữu, Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt 650 tấn/ngày đêm (có yếu tố nước ngoài) xây dựng tại vị trí đã quy hoạch cũng đều không khả thi. Với khoảng cách 200m đến khu vực kho của quân đội, vậy có đúng theo quy định không…? Nhiều người dân đã kiến nghị nên dịch chuyển vị trí hai nhà máy về phía cuối bãi rác và đưa bãi chôn lấp cũ vào xử lý, để lấy đất cấp lại cho dân phát triển kinh tế, tránh lãng phí quỹ đất của thành phố.
Giải pháp được người dân mong đợi
Nếu thực hiện phương án di dời 2 Nhà máy, thì vẫn hiện hữu 1 bãi rác khổng lồ tồn tại nhiều thập kỷ đã qua, bao giờ bãi rác mới được xử lý triệt để đảm bảo môi trường sống cho người dân. Vậy nên, TP. Đà Nẵng cần có cách làm khoa học để giải phóng hoàn toàn bãi rác, có như thế, người dân ở khu vực bãi rác mới không bị ảnh hưởng và thành phố cũng có thể tiết kiệm được hàng trăm hecta đất cho mục tiêu kinh tế, xã hội khác – đây là giải pháp được người dân mong đợi nhất vì “ích nước, lợi nhà”.
Trước mong mỏi của người dân, nhiều Nhà đầu tư trong nước đã đề xuất ý tưởng táo bạo, thiết thực: Xử lý bãi rác cũ thành khu đô thị sinh thái xanh đã được thực hiện ở nhiều tỉnh, thành phố và mang lại hiệu quả không thể phủ nhận, được người dân đánh giá trên cả niềm mong đợi. Thành phố không mất quỹ đất, tiết kiệm được nhiều tỷ đồng chi phí, người dân không lo mất chỗ ở và được sống trong môi trường trong lành như một giấc mơ - Giải pháp được lãnh đạo TP. Đà Nẵng đặc biệt quan tâm: Nhằm xử lý triệt để bãi rác Khánh Sơn trở thành quỹ đất sạch, trên nền bãi rác cũ đã được xử lý, sẽ xây dựng Khu đô thị sinh thái đáng sống cho thành phố.
Trước yêu cầu bức thiết về việc xử lý bãi rác Khánh Sơn, TP. Đà Nẵng cần có các biện pháp căn cơ, bền vững, lâu dài, để vừa đảm giữ gìn môi trường, giữ vững tài nguyên đất, nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân, vừa tạo nên một không gian đô thị sinh thái mới, trở thành khu vực sống lý tưởng cho người dân thành phố.
Trao đổi với phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường, ông Nguyễn Nhường, Phó Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu cho biết: Quận đã họp dân thông báo chủ trương, đồng thời lập phương án hỗ trợ khó khăn một cách toàn diện cho nhân dân khu vực lân cận trong phạm vi ảnh hưởng (bán kính 500m tới 1.000m) và đang triển khai từng bước. Tuy nhiên, cái khó ở đây là theo Luật quy hoạch quy định thì trong phạm vi bán kính ảnh hưởng quy hoạch rất hạn chế quyền lợi người dân về đất đai, nhà cửa... Ban đầu, người dân kiên quyết không đồng thuận mà lý do chủ yếu là môi trường: mùi hôi, nước ngầm… nhưng đến nay “cơ bản” dân “buộc phải” đồng thuận vì không còn cách nào khác. Người dân đang lo ngại về công nghệ có đảm bảo giảm thiểu nhất ảnh hưởng môi trường như chính quyền thành phố cam kết hay không?”
Ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, TP. Đà Nẵng xác nhận: “Đà Nẵng ghi nhận đề xuất đột phá của nhiều nhà đầu tư trong nước với ý tưởng biến bãi rác Khánh Sơn thành Khu đô thị xanh sinh thái. Đây là việc làm hết sức thiết thực và ý nghĩa đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP. Đà Nẵng nhưng để thực hiện và triển khai cần có lộ trình cụ thể và lâu dài,,,”
Người dân quận Liên Chiểu đang mong chờ quyết sách đúng đắn của TP. Đà Nẵng để không phải sống chung với rác trong nhiều thập kỷ qua. Điều mọi người hy vọng được sống trong môi trường sinh thái trong lành. Còn nếu Thành phố vẫn quyết định xây Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại vị trí hiện tại, thì phải di dời cho người dân đến nơi ở mới đảm bảo khoảng cách theo quy định để ổn định cuộc sống, trước khi xây dựng hai nhà máy trên. Người dân quanh khu vực bãi rác Khánh Sơn mong sớm nhận được những quyết sách mang tính chiến lược và tầm nhìn dài hạn cho một thành phố “đáng sống”.