Xu hướng phục hồi xanh và thu hút nguồn lực để phát triển năng lượng sạch

Khánh Ly| 24/11/2020 12:03

(TN&MT) - Năm 2020, do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 nên Hội nghị thượng đỉnh các nước tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP 26) phải dời sang năm 2021. Tuyên bố sứ mệnh của COP 26 khẳng định, điều này càng thúc đẩy Hội nghị phải đoàn kết thế giới trên lộ trình hướng đến một nền kinh tế không các-bon song song với việc phục hồi xanh sau đại dịch.

Cơ hội phục hồi xanh

Nhìn nhận từ thực tế trên thế giới, cuộc khủng hoảng Covid-19 đầy rẫy khó khăn đã “cuốn trôi” nhanh hơn những mô hình cũ, không còn phù hợp và đây chính là lúc Chính phủ các quốc gia cần đẩy nhanh tái cấu trúc kinh tế, thúc đẩy những cải cách cơ bản của nền kinh tế.

Nhiều quốc gia đi theo một lộ trình “truyền thống” là điều chỉnh các chính sách tài khóa và tiền tệ bằng cách bơm tiền vào nền kinh tế. Một số khác lại đẩy mạnh các sáng kiến kích thích kinh tế theo hướng phục hồi xanh, huy động ngân sách cho giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ môi trường - điều mà trong điều kiện chưa có dịch bệnh khó có thể đáp ứng được. Điển hình là Chính phủ Đức đã công bố một gói kích thích khổng lồ, với 40 tỷ Euro (gần 1/3 tổng giá trị gói) sẽ dành cho các khoản chi liên quan đến khí hậu. Trong khi đó, Chính phủ Tây Ban Nha đã đưa mục tiêu phi các-bon hóa hoàn toàn nền kinh tế đến năm 2050 vào Dự thảo Luật Biến đổi khí hậu và Chuyển dịch năng lượng. Các Kế hoạch không phát thải của Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc mới công bố và sáng kiến Thỏa thuận Xanh của EU cho thấy, việc kết nối các quốc gia có thể tạo nguồn động lực để nâng các mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính trong tương lai.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân:

Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) vừa được thông qua có rất nhiều điểm mới, phù hợp với tiến trình phát triển, hội nhập của đất nước, với chủ trương không hy sinh môi trường để đổi lấy tăng trưởng kinh tế. Bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu phải gắn bó hài hòa với phát triển kinh tế và được đặt ở vị trí trung tâm của các quyết định phát triển; không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế, thực hiện sàng lọc, lựa chọn đầu tư phát triển dựa trên các tiêu chí về môi trường.

Việt Nam là một trong số ít các quốc gia vẫn có tăng trưởng dương trong đại dịch Covid-19, dù khiêm tốn, tuy vậy, sản xuất kinh doanh vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Đây là nền tảng để nắm bắt cơ hội tăng cường khả năng tự phục hồi của nền kinh tế thông qua việc đầu tư nhiều hơn vào phục hồi xanh, đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam ngày càng chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu. Quan điểm này được nhiều đối tác quốc tế và các tổ chức phi Chính phủ tại Việt Nam ủng hộ.

Theo ngài Guido Hildner - Đại sứ CHLB Đức tại Việt Nam, cuộc khủng hoảng Covid-19 đang mở ra cho Việt Nam nhiều cơ hội hợp tác cùng các quốc gia phát triển để tái thiết lại nền kinh tế. Nếu sử dụng một cách hợp lý, kinh tế Việt Nam sẽ có bước tiến lớn và phát triển nhanh. Riêng với Đức, Việt Nam đang có nhiều dự án liên quan đến phát triển hệ thống năng lượng bền vững, năng lượng tái tạo và biến đổi khí hậu giúp thắt chặt mối quan hệ này.

Theo ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT), NDC cập nhật của Việt Nam đã nâng mức đóng góp do quốc gia tự thực hiện lên 9% và sẽ đạt 27% nếu có hỗ trợ quốc tế, tương đương lượng phát thải giảm được là 83,9 triệu tấn và 250,8 triệu tấn các-bon đến năm 2030. Chính vì vậy, cần tiếp tục thực hiện, triển khai các vấn đề về ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý bảo vệ tài nguyên môi trường đặt ra trong bối cảnh môi trường và rà soát, cập nhập Chiến lược quốc gia ứng phó biến đổi khí hậu đến 2030 và tầm nhìn 2050.

Đặc biệt, từ năm 2021 trở đi, Việt Nam có trách nhiệm thực hiện các cam kết quốc tế nêu trong Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cập nhật và các quy định khác áp dụng đối với Việt Nam do Thoả thuận Paris quy định.

Tận dụng hỗ trợ quốc tế thực thi Thỏa thuận Paris

Tại Hội thảo “5 năm Thoả thuận Paris - Tiếp nối và thực hiện cam kết cùng các Chương trình quốc gia về biến đổi khí hậu”, TS. Ursula Fuentes Hutfilter, Cố vấn cao cấp của Climate Analytics Australia chia sẻ, nếu tất cả các cam kết giảm phát thải trong NDC các quốc gia đều đạt được thì vẫn chưa đủ cho mục tiêu hạn chế nhiệt độ Trái đất nóng lên không quá 1,5 độ C theo Thỏa thuận Paris. Để “có cửa” đạt được mục tiêu cuối cùng này, sản xuất điện than phải giảm dần đến năm 2030 và tất cả các nhà máy điện than phải đóng cửa muộn nhất vào năm 2040. Riêng ngành điện cần hoàn toàn không phát thải các-bon vào năm 2050.

Phát triển năng lượng tái tạo hình thành nền kinh tế bền vững. 

Chính vì vậy, thời gian tới sẽ là cuộc đua đầu tư vào những lĩnh vực có khả năng giảm phát thải lớn với Thỏa thuận Paris, bao gồm: sản xuất điện, giao thông vận tải, công nghiệp và năng lượng trong tòa nhà. Các đòn bẩy chính thúc đẩy quá trình này sẽ tập trung vào những ngành sử dụng năng lượng cuối cùng và kết hợp nhiều giải pháp, hướng đi mới trong phát triển công nghệ, vật liệu mới thân thiện môi trường, nhiên liệu mới không các-bon và điện khí hóa ngành với năng lượng từ các nguồn không phát thải khí nhà kính.

Về những lĩnh vực mà Việt Nam có thể chú trọng trong thời gian tới, theo đại diện Đại sứ quán Anh tại Việt Nam, đó là khuyến khích chuyển dịch năng lượng, tạo điều kiện chuyển đổi sang các nguồn điện sạch hơn và loại bỏ than; thúc đẩy các tiêu chuẩn tiết kiệm và hiệu quả năng lượng. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần giới thiệu các thực hành tốt và tạo điều kiện tiếp cận tài chính cho giải pháp thích ứng và phục hồi với tác động của biến đổi khí hậu; chú trọng các giải pháp dựa vào thiên nhiên và tạo điều kiện tiếp cận nguồn tài chính khí hậu bền vững, tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế.

Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, ông Jacques Morisset:

Nhìn chung, Việt Nam vẫn là một nền kinh tế sôi động sau cuộc khủng hoảng Covid-19 và kiểm soát đại dịch tốt, từ đó có thể phát triển nhanh hơn các quốc gia khác. Mặc dù triển vọng trong ngắn hạn vẫn tích cực nhưng cần theo dõi chặt chẽ các rủi ro tài khóa, tài chính và xã hội tiềm ẩn trong bối cảnh toàn cầu và trong nước có nhiều yếu tố bất định.

Thách thức tiếp theo của Việt Nam là duy trì và nâng cao lợi thế cạnh tranh bằng cách nắm bắt cơ hội mới về thương mại, kinh tế số và phục hồi xanh. Đặc biệt, Việt Nam nên ưu tiên đầu tư vào năng lượng sạch hoặc hỗ trợ có điều kiện cho các doanh nghiệp, nhất là trong lĩnh vực sử dụng nhiều các-bon nhằm giảm lượng khí thải. Bên cạnh đó, giá các tài nguyên không thể tái tạo hoặc gây ô nhiễm môi trường cần được điều chính lại nhằm khuyến khích các hành vi có trách nhiệm đối với môi trường.

Đồng thời, Việt Nam cần cấp tài trợ không hoàn lại, cho vay và miễn giảm thuế cho các hình thức giao thông và di chuyển bền vững, nền kinh tế tuần hoàn, nghiên cứu năng lượng sạch. Các ngân hàng cần giảm đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch và tăng đầu tư vào các hoạt động giảm thiểu, thích ứng với biến đổi khí hậu, cùng với hỗ trợ hoặc ưu đãi tài chính cho các hộ gia đình và doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả năng lượng và lắp đặt năng lượng tái tạo…

Giám đốc quốc gia Viện Friedrich Naumann Foundation (FNF), Ông Andreas Stoffers:

Một quốc gia thịnh vượng về kinh tế có nhiều khả năng quan tâm đến việc bảo vệ môi trường hơn bởi vì quốc gia đó có đủ khả năng tài chính để làm điều này. Khi đó, bảo vệ môi trường trở thành động lực chính của nền kinh tế.

Việt Nam cần mở rộng chương trình về các vấn đề môi trường khác. Ví dụ, tìm kiếm một giải pháp khu vực để đắp đập thượng nguồn sông Mekong ở Lào, hay đầu tư cho “cuộc chiến” chống ô nhiễm không khí ở các thành phố, phát triển các giải pháp quản lý chất thải hợp lý và bảo vệ nguồn nước. Chính sách kinh tế tuần hoàn cũng sẽ đóng một vai trò quan trọng. Mục tiêu chính là phát triển các giải pháp kết hợp mang lại nhiều lợi ích cùng lúc.

Việt Nam vẫn còn có thể làm được nhiều điều để trở thành điểm đến hấp dẫn và là mục tiêu FDI cho các nhà đầu tư nước ngoài phát triển sản xuất năng lượng bền vững. Bên cạnh đó, tất cả người dân cần có ý thức và thay đổi thói quen để bảo vệ môi trường. Nếu người Việt muốn có một môi trường trong sạch cho chính họ và cho con cái thì phải cân nhắc kỹ càng yếu tố bảo vệ môi trường khi đưa ra các quyết định tiêu dùng. Bao gồm tiết kiệm năng lượng, lựa chọn phương tiện giao thông hay hàng hóa hàng ngày.

Để tận dụng được tiềm năng phục hồi xanh cả về kinh tế và xã hội, Nhóm công tác các tổ chức phi Chính phủ về biến đổi khí hậu (CCWG) đã đưa ra một số khuyến nghị, trong đó nhấn mạnh, Việt Nam cần gắn kết các gói hỗ trợ phục hồi với các chiến lược trên, cả trong ngắn hạn và dài hạn. Điều này nhằm thay đổi trọng tâm mô hình kinh tế từ phụ thuộc vào tăng trưởng GDP sang một mô hình ưu tiên sức khỏe, việc làm và thu nhập của người lao động; đặc biệt là các nhóm dễ bị tổn thương như trẻ em, phụ nữ, người già, người khuyết tật cũng như giảm thiểu nguy cơ đói nghèo.

Bên cạnh đó, cần xây dựng cơ chế khuyến khích nhằm đẩy mạnh việc phi các-bon hóa ngành năng lượng, thúc đẩy quá trình chuyển dịch hướng đến năng lượng sạch và năng lượng tái tạo, từ đó, hình thành nền kinh tế bền vững và có khả năng phục hồi cao hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xu hướng phục hồi xanh và thu hút nguồn lực để phát triển năng lượng sạch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO