Đô thị hóa là quá trình tất yếu đang diễn ra mạnh mẽ tại Việt Nam, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân. Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, tính đến nay, Việt Nam có 835 đô thị bao gồm: 2 đô thị loại đặc biệt là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, 20 đô thị loại I, 30 đô thị loại II, 45 đô thị loại III, 86 đô thị loại IV, 652 đô thị loại V. Tốc độ đô thị hóa tại Việt Nam được đánh giá là nhanh, đứng đầu khu vực Đông Nam Á với tỷ lệ đô thị hóa ước đạt 38,4% năm 2018 và dự kiến sẽ đạt tỷ lệ 40% năm 2019.
Sức hấp dẫn của các cơ hội và tiện ích ở các đô thị lớn đã không ngừng lôi cuốn lượng lớn cư dân nông thôn và các đô thị nhỏ di cư đến, khiến cho mật độ dân cư của các đô thị tăng lên. Và chúng ta cũng thấy xuất hiện ngày càng nhiều các xóm liều đô thị như một hiện tượng song hành của sự bùng nổ dòng chảy lao động tự do từ nông thôn về thành phố kiếm việc làm. Các xóm này có thể được tìm thấy ở nhiều nơi trong thành phố, nổi bật là ở các xóm ven sông, gầm cầu, "bãi rác" bỏ hoang. Và các xóm liều mới sẽ lại mọc lên nếu thiếu một chính sách toàn diện ở tầm vĩ mô đối với vấn đề di chuyển lao động nông thôn - đô thị.
Cần nhìn nhận thực tế, diện tích nhà ở bình quân đầu người tại các đô thị nước ta còn quá thấp (5,4m2/người). Chất lượng nhà ở không bảo đảm, các điều kiện về hạ tầng, môi trường hạn chế. Nhà "ổ chuột" còn chiếm tỷ trọng đáng kể tại các đô thị. Cung cầu mất cân đối nghiêm trọng, cộng với những tác động của chính sách không hợp lý,... làm cho giá nhà ở quá cao so với thu nhập của nhân dân đô thị. Từ khi xóa bỏ bao cấp, số lượng và chất lượng nhà ở do dân tự đầu tư tăng lên đáng kể. Tuy vậy, xây dựng nhà ở tự phát đã làm cho chính quyền các đô thị không kiểm soát được việc xây dựng theo quy hoạch, đã làm ảnh hưởng đến kiến trúc cảnh quan đô thị, môi trường sống.
Câu chuyện căn hộ chung cư 25m2 được nêu tại Dự thảo Quy chuẩn Kỹ thuật Quốc gia về chung cư đang được Bộ Xây dựng đăng tải để lấy ý kiến, đã được đem ra bàn luận khá nhiều. Trong đó, không ít ý kiến lo ngại việc phá vỡ quy hoạch, tạo ra các khu “ổ chuột” trên cao.
Những người phản đối hình thành các căn hộ diện tích 25m2 vì cho rằng, khi lượng căn hộ thương mại diện tích nhỏ tăng lên, dẫn đến tình trạng dân số tăng nhanh, từ đó, kéo theo các áp lực lớn về hạ tầng, giao thông.
Trong khi, một số thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM đang thực hiện các kế hoạch giãn dân ra khu vực ngoại vi nên không muốn phát triển các loại nhà ở thương mại diện tích nhỏ trong nội đô.
Đến thời điểm này, vấn đề xây dựng căn hộ 25m2 tiếp tục nhận được những luồng ý kiến trái chiều. Những lo ngại này hoàn toàn không phải vô lý, bởi trên thực tế, không chỉ những nhà tập thể cũ, mà cả chung cư mới xây dựng gần 10 năm trở lại đây đã xuất hiện các “chuồng cọp” trên cao, cơi nới phá quy hoạch.