Trong nước

Xây dựng văn hoá trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, động lực phát triển đất nước

Thanh Tùng - Khương Trung 19/06/2024 - 17:20

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, sáng 19/6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035.

6.jpg
Quang cảnh phiên thảo luận

Xác định rõ lĩnh vực tập trung nguồn lực đầu tư

Phát biểu thảo luận, các đại biểu Quốc hội cho rằng, Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035, được Chính phủ xây dựng bao gồm các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nhằm phát triển văn hóa Việt Nam trong giai đoạn 2025 - 2035 trên phạm vi cả nước, phù hợp với quy định về chương trình mục tiêu quốc gia. Việc đầu tư Chương trình ở thời điểm hiện nay đáp ứng đầy đủ căn cứ chính trị, pháp lý, khoa học và thực tiễn; tiếp tục khẳng định các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hoá đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển bền vững đất nước;... Đồng thời, góp phần tăng cường nguồn lực đầu tư, đáp ứng yêu cầu bức thiết về phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

an.jpg
Đại biểu Lê Thị Song An - Đoàn ĐBQH tỉnh Long An phát biểu thảo luận

Tham gia phát biểu thảo luận, đại biểu Lê Thị Song An - Đoàn ĐBQH tỉnh Long An cho rằng, phát triển công nghiệp văn hoá có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển văn hóa đề ra trong các chủ trương, nghị quyết của Đảng, Nhà nước. Ngày nay, công nghiệp văn hóa là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của kinh tế tri thức, góp phần quảng bá, bảo vệ và phát triển bản sắc dân tộc. Công nghiệp văn hóa hiện đang là “con gà đẻ trứng vàng” của nhiều nền kinh tế thế giới.

Qua nghiên cứu, Chương trình đặt mục tiêu đến năm 2030, phấn đấu các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp vào 7% GDP của cả nước; đến năm 2035, phấn đấu các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 8% vào GDP của cả nước và có mức tăng trưởng trung bình hàng năm đạt 7%. Đây được xem là mục tiêu đầy triển vọng. Chiến lược Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 cũng nêu rõ quan điểm: các ngành công nghiệp văn hóa là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân, và xác định rõ 12 lĩnh vực được xếp vào ngành công nghiệp văn hóa.

Từ phân tích nêu trên, đại biểu đề nghị, Chương trình cần phải xác định rõ trong 12 lĩnh vực này thì lĩnh vực nào cần phải tập trung nguồn lực đầu tư, lĩnh vực nào cần phải xây dựng các cơ chế, chính sách kêu gọi xã hội hóa để huy động được các nguồn lực thực hiện, tránh dàn trãi, đầu tư không hiệu quả. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành như: Luật Di sản văn hóa; Nghị định 31/2021/NĐ-CP về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư và Quyết định 1466/QĐ-TTg ngày 10/10/2008 của Thủ tướng chính phủ về danh mục thực hiện xã hội hóa,…nhằm tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến việc kêu gọi xã hội hóa đầu tư vào lĩnh vực văn hóa trong thời gian qua.

8.jpg
Các đại biểu tham dự phiên thảo luận

Về xây dựng các thiết chế văn hóa cơ sở, đặc biệt là việc đầu tư các thiết chế văn hóa tại các khu công nghiệp, đại biểu Lê Thị Song An cho rằng, việc đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa tại các khu công nghiệp là mục tiêu chiến lược, lâu dài của Đảng, Nhà nước, bởi không chỉ góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân lao động mà còn tạo điều kiện thuận lợi để họ yên tâm làm việc, gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.

Tuy nhiên, trên thực tế, việc xây dựng các thiết chế văn hóa tại các khu công nghiệp hiện nay còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế như: Việc đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa cho người lao động tại các khu công nghiệp vẫn còn ít, chưa đáp ứng được nhu cầu của người lao động. Điều này, cũng xuất phát từ nhiều nguyên nhân, chủ yếu là do các doanh nghiệp phần lớn vẫn quan tâm đến sản xuất, hiệu quả kinh doanh mà chưa chú trọng nhiều đến nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người lao động; một số doanh nghiệp thiếu quỹ đất; hoặc vừa và nhỏ nên tiềm lực tài chính còn yếu dẫn đến chưa có vốn để đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa,...

Ngoài ra, cũng do người lao động thường xuyên phải làm việc tăng ca, nên ít có thời gian thư giãn, giải trí,... Vì thế, để từng bước khắc phục “lỗ hổng” trong việc xây dựng thiết chế văn hóa, tạo sân chơi dành cho người lao động, đại biểu đề nghị cần bổ sung và quy định thật cụ thể cơ chế, chính sách trong việc xây dựng các thiết chế văn hóa tại các khu công nghiệp, nhất là sự phối hợp giữa các cấp ngành và các doanh nghiệp trong việc đầu tư, quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao trong khu công nghiệp; nâng cao chất lượng các hoạt động, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí của người lao động, góp phần vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Thiết kế rõ hơn chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực văn hóa

Phát biểu thảo luận, đại biểu Hoàng Đức Thắng – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị cho rằng, Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035 được xây dựng công phu, khá đầy đủ, toàn diện, có tầm nhìn dài hạn và đã làm rõ mục tiêu trong từng giai đoạn cụ thể.

thang.jpg
Đại biểu Hoàng Đức Thắng – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị phát biểu thảo luận

Nhấn mạnh mục tiêu Chương trình hướng đến nhiều người dân, cộng đồng dân cư và các tổ chức thiết chế văn hóa trên phạm vi không gian rộng lớn, đại biểu Hoàng Đức Thắng cho rằng, sự tham gia của người dân và cộng đồng dân cư là cơ sở bảo đảm sự thành công của Chương trình nói riêng cũng như sự nghiệp văn hóa nói chung, với tư cách người dân là chủ thể sáng tạo, làm nên văn hóa và cũng là người thụ hưởng giá trị văn hóa mang lại.

Do đó, đại biểu đề nghị rà soát, bổ sung các chính sách khuyến khích sự tham gia của đông đảo người dân, cộng đồng dân cư vào hoạt động văn hóa, sáng tạo văn hóa, thực hành văn hóa, lan tỏa, lưu truyền và phát triển giá trị văn hóa. Cùng với đó, cần phát huy vai trò của doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế trong sự nghiệp phát triển văn hóa. "Nếu Nhân dân là chủ thể sáng tạo nên văn hóa thì cộng đồng doanh nghiệp và tổ chức kinh tế là bệ đỡ, kiến tạo cho những sản phẩm văn hóa được thăng hoa. Tuy nhiên, vị trí, vai trò của doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế chưa được khẳng định rõ nét trong Chương trình", đại biểu Hoàng Đức Thắng nhấn mạnh.

Lưu ý vấn đề này, đại biểu Hoàng Đức Thắng đề nghị, cần thiết kế chính sách rõ nét hơn, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực văn hóa thông qua các chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho doanh nghiệp. Điều này không chỉ tăng cường nguồn lực xã hội cho hoạt động văn hóa mà còn tạo ra sự gắn kết giữa phát triển văn hóa với phát triển kinh tế. Kinh tế phát triển nhất thiết phải có văn hóa, văn hóa phát triển nhất thiết phải có nguồn lực kinh tế hỗ trợ.

Ở một nội dung khác, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh – Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng lưu ý, mục tiêu số 2 của Chương trình yêu cầu: 100% đơn vị hành chính cấp tỉnh có đủ 3 loại hình thiết chế văn hóa; việc xác lập mục tiêu này đối với tất cả các vùng, miền, địa phương là chưa hợp lý. Theo đại biểu, cần xem xét, thiết kế chỉ tiêu phù hợp với đặc điểm của từng địa bàn cụ thể, theo hướng mỗi vùng, khu vực có đặc trưng riêng, cần có sự lựa chọn cốt lõi làm nền tảng để phát huy và bảo tồn giá trị văn hóa của vùng đó, bảo đảm tính đa dạng về văn hóa và tính khả thi.

Tại mục tiêu số 4, ít nhất 95% di tích quốc gia quốc gia đặc biệt và 70% di tích quốc gia được tu bổ, tôn tạo. Tính đến năm 2020, nước ta có trên 40.000 di tích đã được kiểm kê theo Luật Di sản văn hóa, trong đó có 112 di tích quốc gia đặc biệt, khoảng 4.000 di tích quốc gia và nhiều di tích đang bị xuống cấp có nguy cơ hư hỏng, xuống cấp. Nhiều di tích đã được quan tâm tu bổ, nhưng một lượng lớn lại bị sửa chữa sai quy cách. Việc tu bổ, tôn tạo di tích là công việc phức tạp, cần nhiều thời gian để thực hiện, chi phí đầu tư lớn. Nêu thực tế này, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh đề nghị cần làm rõ cơ sở, căn cứ xác định và làm rõ tính khả thi của mục tiêu, đồng thời có giải pháp phù hợp để thực hiện thành công.

ry.jpg
Đại biểu Trần Thị Hoa Ry – Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu phát biểu thảo luận

Đại biểu Trần Thị Hoa Ry – Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu đánh giá cao sự đầu tư, nghiên cứu, xây dựng Chương trình của Chính phủ với 07 nhóm mục tiêu tổng quát, 9 mục tiêu cụ thể, 10 nội dung thành phần, 135 chỉ tiêu, 42 nhiệm vụ cụ thể và 186 hoạt động chi tiết thực hiện trong hai giai đoạn 2025 - 2030 và giai đoạn 2030 - 2035. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cần rà soát, giảm thiểu sự trùng lặp về nội dung trong các chương trình đang triển khai thực hiện. Mặt khác, tập trung nguồn lực đầu tư trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo tính độc lập tương đối của Chương trình nhưng cũng phải tranh thủ nguồn lực phù hợp từ các chương trình khác.

Đại biểu Nguyễn Hữu Toàn – Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu cũng thống nhất với các mục tiêu chung như Chính phủ trình đã đặt đúng tầm quốc gia, tuy nhiên, khi nghiên cứu các mục tiêu cụ thể, đại biểu cho rằng, giữa mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể chưa ăn nhập với nhau. Đại biểu lấy ví dụ mục tiêu tổng quát nêu: “Tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện trong phát triển văn hóa và xây dựng, hoàn thiện, chuẩn mực đạo đức, bản sắc, bản lĩnh, hệ giá trị con người, gia đình Việt Nam”, nhưng với 9 nhóm mục tiêu cụ thể như đến năm 2030 phấn đấu hoàn thành 100% xây dựng, ban hành các bộ quy tắc ứng xử phù hợp với địa phương; hay mục tiêu cụ thể phấn đấu đến năm 2030 ít nhất 95% di tích quốc gia đặc biệt và 70% di tích quốc gia được tu bổ, tôn tạo... lại không ăn nhập với mục tiêu tổng quát. Đại biểu bày tỏ lo ngại nếu không cẩn thận sẽ không giữ được văn hóa như khi chưa đầu tư, do đó cần nhấn mạnh đến quan điểm bảo tồn, phát huy giá trị, bởi có những di tích tuy nhỏ nhưng là di sản, nếu xây dựng lớn hơn thì không còn là di tích, di sản nữa.

“Đề nghị cần xây dựng chương trình về văn hóa quốc gia, lựa chọn những vấn đề lớn, cần sự tham gia của Nhà nước và nâng tầm văn hóa, duy trì và phát triển văn hóa, đây mới là mục tiêu quan trọng, không nên đưa các mục tiêu như có bao nhiêu phim tham gia liên hoan phim quốc tế, mà cần xây dựng những cơ chế, chính sách pháp lý để tháo gỡ khó khăn tạo điều kiện cho văn hóa phát triển”, đại biểu Nguyễn Hữu Toàn nêu ý kiến.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng văn hoá trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, động lực phát triển đất nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO