Xây dựng thương hiệu, hình ảnh Đắk Lắk lên tầm cao mới

13/03/2017 00:00

(TN&MT) - Sau mỗi lần tổ chức lễ hội "Thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột"  hình ảnh tỉnh Đắk Lắk lại được nâng lên tầm cao mới, được quảng bá rộng rãi đến...

 

(TN&MT) - Sau mỗi lần tổ chức lễ hội “Thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột",  hình ảnh tỉnh Đắk Lắk lại được nâng lên tầm cao mới, được quảng bá rộng rãi đến đông đảo bạn bè trong nước và quốc tế. Đó là khẳng định của đồng chí Nguyễn Hải Ninh - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắc lắk tại diễn văn bế mạc Lễ hội Cà - phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6 và Liên hoan Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên năm 2017 diễn ra vào tối 13/3/2017.

Lễ bế mạc với chủ đề “Buôn Ma Thuột hẹn ngày gặp lại” được tổ chức long trọng tại Quảng trường 10/3 thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Đến dự có đại diện các bộ, ngành Trung ương, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên và lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên cùng đông đảo người dân tỉnh Đắk Lắk và khu vực Tây Nguyên.

Lễ hội lần này đã thu hút khoảng 25.000 lượt du khách, trong đó có 3.000 du khách quốc tế đến dự thăm quan mua sắm và tìm kiếm cơ hội đầu tư. Với chủ trương xã hội hóa, Lễ hội đã nhận được sự ủng hộ, đồng hành tham gia của nhiều doanh nghiệp. Kinh phí được Ban tổ chức sử dụng tiết kiệm, không dùng ngân sách địa phương.

12 hoạt động chính của Lễ hội đều có ý tưởng độc đáo, tạo được dấu ấn đặc sắc. Trong đó, phải kể đến đêm Khai mạc với nhiều đại cảnh hoàng tráng, rực rỡ sắc màu; Hội chợ triển lãm chuyên ngành cà phê được Cục Xúc tiến thương mại đánh giá là một trong những hội chợ chuyên ngành lớn nhất của cả nước, thu hút sự tham gia của 235 đơn vị với 734 gian hàng, trong đó có 58 gian hàng của 12 doanh nghiệp nước ngoài. Hội chợ thu hút 350.000 lượt khách đến tham quan mua sắm (bình quân 60.000 lượt khách/ngày). Có hàng trăm biên bản ghi nhớ hợp tác của các doanh nghiệp tham gia hội chợ và trên 30 biên bản ghi nhớ hợp tác giữa các doanh nghiệp trong ngành cà phê được ký kết.

Tại hội chợ diễn ra cuộc thi Đệ nhất pha chế cà phê tại Việt Nam lần thứ 4-2017 có 100 thí sinh trong và ngoài nước tham gia; có 6 sản phẩm cà phê nhân và 14 sản phẩm cà phê bột được trao giải “Cúp vàng cà phê chất lượng vì sức khỏe cộng đồng”.

Trong khuôn khổ Hội nghị xúc tiến đầu tư vùng Tây Nguyên lần thứ 4, đã có 25 dự án của các tỉnh Tây Nguyên được trao Quyết định chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Biên bản ghi nhớ với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 88.222 tỷ đồng; các ngân hàng đã cam kết cấp tín dụng cho 36 dự án với tổng số vốn là gần 30.000 tỷ đồng.

Hội thảo chuyên ngành cà phê đã thu hút 200 đại biểu tham dự, với nhiều tham luận có giá trị, thảo luận về các giải pháp phát triển ngành hàng cà phê Việt Nam thích ứng biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế. Tại Hội thảo “Phát triển nông nghiệp Tây Nguyên: Góc nhìn từ các nông dân tỷ phú”, những người nông dân đã có cơ hội bày tỏ ý kiến, đóng góp vào việc xây dựng chính sách từ khía cạnh thực tiễn. Hội thi Nhà nông đua tài có chủ đề “Nông dân sản xuất cà phê đảm bảo chất lượng và thân thiện môi trường”; chương trình Đêm hội vào mùa với chủ đề “Cho Tây Nguyên thêm xanh” đã vinh danh 30 nông dân tiêu biểu và 10 nhà khoa học, quản lý, với sự tham gia của 1.200 nông dân thuộc 10 tỉnh trồng cà phê trên cả nước. Lễ hội đường phố, Lễ hội đua Voi và thuyền độc mộc vừa mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống, vừa tạo không khí sôi động, hấp dẫn.

Liên hoan Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên với 6 hoạt động chính, đã thu hút gần 600 nghệ nhân, nghệ sỹ trong và ngoài nước tham gia, mang lại nhiều sản phẩm nghệ thuật có giá trị cao về văn hóa, góp phần nâng cao nhận thức về bảo tồn và phát huy giá trị “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong bối cảnh hội nhập quốc tế; chương trình du lịch Hành trình di sản đã thu hút 500 lượt khách tham gia, trong đó có 300 lượt khách quốc tế; trưng bày chuyên đề Lịch sử Cồng chiêng Tây Nguyên và Đồn điền Cà phê CADA đã thu hút số lượng lớn du khách thăm quan với 394.780 lượt. Chương trình thưởng thức Cà phê miễn phí đã nhận được sự ủng hộ của 32 doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá nhân, thu hút hàng ngàn lượt người dân và du khách cùng thưởng thức.

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6 với nhiều chương trình văn hóa nghệ thuật đặc sắc đã thật sự trở thành ngày hội lớn của đồng bào các dân tộc tỉnh Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung. Bên cạnh việc tiếp tục quảng bá, xúc tiến thương mại, nâng cao giá trị của thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột nói riêng và cà phê Việt Nam nói chung. Lễ hội còn góp phần định vị thương hiệu địa phương, xây dựng hình ảnh mới về một Đắk Lắk với khát vọng vươn lên, dựa trên nền tảng văn hóa truyền thống, sự đoàn kết, thống nhất trong đa dạng, cũng như định hình thế mạnh về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, về môi trường sinh thái, du lịch, năng lượng tái tạo…

Tại Lễ bế mạc, Ban Tổ chức đã trao Bằng khen của Bộ Văn hóa –Thể thao và Du lịch, Bằng khen của UBND tỉnh Đắk Lắk cho các đoàn nghệ thuật và các đơn vị, doanh nghiệp có nhiều thành tích góp phần vào thành công của Lễ hội. Chương trình nghệ thuật đặc sắc với chủ đề “Buôn Ma Thuột hẹn ngày gặp lại” đã để lại ấn tượng sâu sắc cho du khách./.

Đình Thắng

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng thương hiệu, hình ảnh Đắk Lắk lên tầm cao mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO