Xây dựng quy hoạch sử dụng không gian biển theo kịch bản BĐKH

26/12/2017 14:58

(TN&MT) - Lần đầu tiên ở Việt Nam, các nhà khoa học thuộc Hội địa chất Biển Việt Nam đã đề xuất phương pháp nghiên cứu đánh giá tác động BĐKH NBD tới môi trường tự nhiên, kinh tế xã hội vùng ven biển, đầm phá và biển ven bờ trong mối quan hệ chặt chẽ với sự biến động đường bờ trong đề tài “Nghiên cứu đánh giá tác động biến đổi khí hậu đến quy hoạch sử dụng không gian của một số đầm phá ven biển miền Trung Việt Nam và đề xuất giải pháp ứng phó”.

Đề tài thuộc Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ Chương trình mục tiêu Quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2011 – 2015, nhằm xây dựng cơ sở đưa các yếu tố tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng vào quy hoạch sử dụng không gian biển, ven biển và đầm phá ven biển miền Trung Việt Nam phục vụ phát triển bền vững.

Đầm phá Tam Giang
Đầm phá Tam Giang

Hệ sinh thái (HST) đầm phá ven biển của Việt Nam chủ yếu phân bố ở khu vực miền Trung, với hệ thống các đầm phá lớn nhỏ, chạy dọc ven biển. Tất cả các đầm phá này của Việt Nam đều thuộc loại lagoon ven bờ nên được hiểu là một phần của biển ven bờ, được tạo ra nhờ một dạng tích tụ thường là cát, có sự phát triển phức tạp bởi tương tác giữa các quá trình biển (sóng, thuỷ triều và dòng chẩy) và lục địa (sông, vận động kiến tạo khu vực…). Tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) với các biểu hiện như bão, lũ lụt, nước dâng, sóng lớn… lên HST đầm phá thường rất phức tạp và khó nhận diện.

Trên cơ sở tổng hợp số liệu và khảo sát thực địa bổ sung tại 12 vùng đầm phá từ Tam Giang-Cầu Hai (Thừa Thiên Huế) đến đầm Nại (Ninh Thuận), các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu các yếu tố bị tác động bởi BĐKH NBD khu vực ven biển miền Trung Việt Nam, bao gồm: Biến động đường bờ biển khu vực đầm phá miền Trung và khu kinh tế mở Nhơn Hội theo kịch bản B1, B2 năm 2050, 2100; Tài nguyên nước (dòng chảy, chất lượng môi trường nước); hiện trạng các dạng tài nguyên: khoáng sản, tài nguyên sinh vật, hiện trạng môi trường nước, trầm tích; Ảnh hưởng của các hoạt động kinh tế - xã hội: cơ cấu dân cư, cơ sở hạ tầng, thực trạng các hoạt động kinh tế-xã hội của hệ thống đầm phá ven biển từ Thừa Thiên Huế đến Bình Thuận và đặc biệt là khu kinh tế mở Nhơn Hội, tỉnh Bình Định. Bên cạnh đó, còn có các dạng tai biến địa chất, tai biến khí hậu, những hiện tượng khí hậu cực đoan, những biểu hiện của biến đổi khí hậu đã, đang và sẽ xảy ra, tác động trực tiếp tới mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội và sự phát triển ở dải đầm phá ven biển.

Trên cơ sở này, đề tài đã định hướng quy hoạch không gian vùng đầm phá ven biển từ Thừa Thiên Huế đến Bình Thuận theo kịch bản BĐKH NBD, mục tiêu là bảo vệ các hệ sinh thái đầm-vịnh, HST cửa sông, đầm lầy, bãi cỏ, lạch triều; bảo vệ phục hồi phát triển bền vững và đảm bảo sinh kế cho cộng đồng. Đối với vùng biển ven bờ đã đề xuất quy hoạch các khu dự trữ sinh quyển, vườn Quốc gia, khu bảo tồn: Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, Hải Vân - Sơn Trà, Hòn Mun; Vườn Quốc Gia Bạch Mã, Núi Chúa (Ninh Thuận); Quy hoạch sử dụng không gian ở đảo Tam Hải (Núi Thành- tỉnh Quảng Nam); Khu bảo tồn Rạn Trào (Khánh Hòa). Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền (Thừa Thiên Huế), Sơn Trà (Đà Nẵng), Hòn Cau (Bình Thuận).
 

khu du lịch ven biển
Khu du lịch ven biển


Riêng khu kinh tế mở Nhơn Hội đã được đề xuất quy hoạch tổng hợp theo môi trường, các dạng tai biến tự nhiên, theo tài nguyên khoáng sản và theo tài nguyên sinh vật. Đối với mỗi vùng quy hoạch đều được phân chia ra vùng quy hoạch lõi, vùng đệm và vùng quy hoạch phát triển, bao gồm: Quy hoạch phục hồi sinh thái và khai thác sử dụng hợp lý nguồn lợi khu Cồn Chim; Vùng quy hoạch phục hồi và khai thác sử dụng hợp lý tài nguyên ven bờ Tây đầm Thị Nại; Vùng quy hoạch phục hồi tài nguyên san hô vùng biển-đảo ven bờ bán đảo Phương Mai (Bình Định); Vùng quy hoạch phát triển, bảo vệ rừng ngập mặn, rừng phòng hộ; Vùng quy hoạch khai thác khoáng sản; Vùng quy hoạch sử dụng cho các hoạt động kinh tế - xã hội khác.

Kết quả nghiên cứu cũng đã đề xuất hàng loạt giải pháp ứng phó với BĐKH và NBD, chú trọng phát triển bền vững các hoạt động của ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp, giao thông vận tải, xây dựng, du lịch, y tế giáo dục, dân cư và sức khỏe cộng đồng. Trong đó, có tính đến vấn đề thích ứng và bảo vệ tài nguyên nước, tài nguyên đất, các HST và ĐDSH; các giải pháp vệ sinh môi trường phòng tránh ô nhiễm đất, nước; di dân, tái định cư, di dời cơ sở hạ tầng…

Qua nghiên cứu và đánh giá, đề tài đã xây dựng các bản đồ về điều kiện tự nhiên, tài nguyên, môi trường và tai biến thiên nhiên, hiện trạng kinh tế - xã hội, định hướng quy hoạch và quy hoạch toàn vùng biển – đầm phá ven biển từ Thừa Thiên Huế đến Bình Thuận tỷ lệ 1:100.000 và khu kinh tế mở Nhơn Hội 1:25.000 trên cơ sở tổng hợp tài liệu và điều tra bổ sung.

Vấn đề quy hoạch sử dụng không gian các khu kinh tế trọng điểm được xem xét lồng ghép, tích hợp với các yếu tố biến đổi khí hậu là một mô hình quy hoạch sử dụng khôn ngoan, hợp lý lãnh thổ, vùng biển cần được tiếp tục phát triển, hoàn thiện và ứng dụng rộng rãi hơn. Chính vì vậy, các nhà khoa học cũng kiến nghị tiếp tục đầu tư, ứng dụng cho một số khu kinh tế đang là những tụ điểm “phát triển nóng” ở dải ven biển Việt Nam như: khu kinh tế Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh), vùng biển vịnh Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa) và khu kinh tế huyện đảo Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang).

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng quy hoạch sử dụng không gian biển theo kịch bản BĐKH
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO