Xây dựng Quy hoạch sử dụng đất quốc gia bằng phương pháp hiện đại, đạt chất lượng tốt

Thanh Tùng| 02/11/2021 13:05

(TN&MT) - Tại các phiên thảo luận về Tờ trình của Chính phủ về Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2021-2025 nhiều đại biểu đã đánh giá cao kết quả thực hiện quy hoạch sử dụng đất quốc gia và nhận định bản Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2021 - 2025 đạt chất lương tốt.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội điều hành thảo luận trực tuyến về Dự kiến Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025)

Nguồn lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Đánh giá kết quả thực hiện Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2011-2020, Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2011-2015 và 2016-2020) quốc gia, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh khẳng định, thời gian qua, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã phát huy vai trò quan trọng trong việc tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai; nguồn thu từ đất đai đóng góp quan trọng cho ngân sách nhà nước; phân bổ nguồn lực đất đai đã bước đầu đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng kết cấu hạ tầng, tạo việc làm mới, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho Nhân dân, bảo đảm quốc phòng, an ninh; diện tích đất trồng lúa được bảo vệ, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, có dự trữ chiến lược và xuất khẩu; độ che phủ rừng được nâng từ 39,1% năm 2010 lên 42,01% năm 2020 góp phần bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường sinh thái, giảm nhẹ thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đại biểu Nguyễn Văn Thuận, Đoàn ĐBQH Ninh Thuận cho rằng, báo cáo kết quả quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo Nghị quyết số 134 của Quốc hội giai đoạn (2016-2020) đã tạo hành lang pháp lý và thống nhất về quản lý đất đai. Theo đó, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã trở thành một trong những căn cứ pháp lý quan trọng để thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Điều tiết sử dụng đất thông qua công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, công tác quản lý đất đai theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ngày càng đi vào chiều sâu và thực chất, đồng thời cho phép chuyển mục đích đã cơ bản bám sát, tuân thủ theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, từng bước khắc phục tình trạng giao đất, cho thuê đất trái thẩm quyền của không đúng đối tượng.

Đại biểu Nguyễn Văn Thuận phát biểu tại phiên thảo luận

Cùng với đó, theo đại biểu Nguyễn Văn Thuận nhấn mạnh, quy hoạch kế hoạch sử dụng đất đã phân bổ nguồn lực đất đai cơ bản đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh. Việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã góp phần khôi phục, bảo vệ và phát triển rừng, phát triển công nghiệp, dịch vụ, xây dựng kết cấu hạ tầng, chỉnh trang và phát triển đô thị, từng bước đáp ứng được nhu cầu của giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa hiện đại của đất nước.

Đồng tình với nhiều nội dung trong Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, đại biểu Mai Thị Phương Hoa, Đoàn ĐBQH Nam Định cho rằng, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã phát huy vai trò quan trọng trong việc tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai. Phân bổ nguồn lực đất đai đã bước đầu đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng kết cấu hạ tầng, tạo việc làm mới, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho nhân dân và bảo đảm quốc phòng, an ninh. Trong đó, đáng lưu ý là diện tích đất trồng lúa được bảo vệ, góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, có dự trữ chiến lược và xuất khẩu.

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa nhấn mạnh, theo báo cáo Chính phủ thì đến thời điểm ngày 31/12/2020 cả nước có 3,92 triệu hecta đất trồng lúa, cao hơn mức 3,5 triệu hecta theo Kết luận số 81 của Bộ Chính trị. Đáng lưu ý là thời kỳ 2011-2020 vùng trung du và miền núi phía Bắc, Tây Nguyên diện tích đất trồng lúa tăng 69,7 nghìn ha do phát triển và cải tạo hệ thống thủy lợi. “Tôi đánh giá cao nỗ lực và cố gắng của Chính phủ và các địa phương trong công tác này”, đại biểu Hoa nói.

Quy hoạch được xây dựng bằng các phương pháp mới

Thảo luận nội dung Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2021 - 2025, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế. Chủ tịch Quốc hội cho rằng, đây là bản Quy hoạch đạt chất lượng tốt, được xây dựng bằng các phương pháp mới, hiện đại, được giới chuyên gia đánh giá cao. Quy hoạch đã bám sát các nguyên tắc này trên cơ sở áp dụng phương pháp quy hoạch vừa động vừa tĩnh; đồng thời bám sát hơn các dữ liệu cập nhật về tác động của biến đổi khí hậu, tác động của đại dịch Covid - 19…

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi thảo luận tổ

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quy hoạch đã xác định các nguyên tắc như 3 ranh giới và 4 khu vực. Cụ thể, 3 ranh giới gồm: ranh giới nghiêm ngặt bảo tồn đất rừng đặc dụng và đất rừng phòng hộ, đất trồng lúa, hồ ao, di tích lịch sử…; ranh giới hạn chế phát triển như diện tích rừng tự nhiên, hành lang bảo vệ nguồn nước, đập ngập nước; ranh giới khuyến khích phát triển để chuyển đổi mục đích sử dụng cho phát triển kinh tế - xã hội, huy động nguồn lực theo cơ chế thị trường. 4 khu vực gồm: khu vực bảo tồn, bảo vệ nghiêm ngặt; khu vực ổn định, hạn chế chuyển đổi sử dụng mục đích sử dụng; khu vực cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất nhưng có điều kiện, có kiểm soát; khu vực được phép chuyển đổi sử dụng đất.

Phát biểu thảo luận, đại biểu Nguyễn Quốc Luận, Đoàn ĐBQH Yên Bái bày tỏ sự đồng tình cao với quan điểm, mục tiêu, nguyên tắc, phương án quy hoạch sử dụng đất và nguồn lực thực hiện nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Đại biểu cho rằng các mục tiêu, nguyên tắc phương án này đã được nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng trên cơ sở xem xét, chọn lọc, kế thừa kết quả của giai đoạn trước, đồng thời bổ sung thêm nhiều nội dung cho phù hợp với bối cảnh đặc điểm tình hình mới, kết hợp với việc sử dụng các công nghệ hiện đại như viễn thám, hệ thống thông tin địa lý để xác định phân vùng không gian, xử lý phân tích số liệu, xác định chỉ tiêu sử dụng đất sẽ đảm bảo tính chính xác cao, khả thi hơn trong quá trình thực hiện. Các nhóm nhiệm vụ, giải pháp được nghiên cứu, xây dựng một cách căn cơ, bài bản, phù hợp khả thi. Đặc biệt là đã đánh giá được tác động của các phương án phân bổ và tổ chức không gian sử dụng đất đến kinh tế - xã hội, môi trường và đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Đại biểu Phạm Văn Thịnh, đoàn ĐBQH Bắc Giang nhấn mạnh, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã lấy ý kiến góp ý, phản biện rộng rãi của các ngành, các địa phương, các nhà khoa học, nhà quản lý và tiếp thu với tinh thần cầu thị, trách nhiệm. Nội dung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã bám sát các quan điểm của Đảng, chủ trương của Quốc hội đối với công tác quản lý tài nguyên đất đai, đáp ứng được nhu cầu sử dụng đất đối với các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng trong thời gian tới. Đồng thời đại biều Phạm văn Thịnh đánh giá cao sự chuẩn bị công phu, khoa học, toàn diện của Chính phủ đối với hồ sơ trình quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2021-2025 và hoàn toàn đồng tình với các nội dung liên quan đến quan điểm, mục tiêu, tầm nhìn, phương án quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất do Chính phủ trình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng Quy hoạch sử dụng đất quốc gia bằng phương pháp hiện đại, đạt chất lượng tốt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO