Khoáng sản

Xây dựng Quy hoạch Điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản: Một hành trình ý nghĩa

Mai Đan 07/09/2023 - 10:35

(TN&MT) - Trong suốt chiều dài lịch sử phát triển của đất nước nói chung và ngành địa chất Việt Nam nói riêng, dấu chân người địa chất đã hằn in lên mọi hành trình chinh phục lòng đất mà họ đã đi qua. Trong hành trình đó, họ đã nỗ lực không ngừng nghỉ để xây dựng Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản, góp phần hoạch định cho công tác quản lý, khai thác khoáng sản phục vụ mục tiêu phát triển đất nước.

Điều tra địa chất phải đi trước một bước

Hiện thực hóa Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị, Quy hoạch Điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã thể hiện rõ quan điểm về tầm quan trọng và mức độ ưu tiên đối với lĩnh vực địa chất, khoáng sản.

11thay1.jpg
Cục Địa chất Việt Nam phối hợp với Sở TN&MT tỉnh Quảng Bình khảo sát tiềm năng đá mỹ nghệ để xây dựng quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản

Cụ thể, điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản phải đi trước một bước và phải được tiến hành trên toàn bộ phần đất liền và vùng biển, thềm lục địa Việt Nam. Điều tra, đánh giá đầy đủ các điều kiện địa chất, tiềm năng tài nguyên khoáng sản và các tài nguyên địa chất khác. Thông tin, dữ liệu, kết quả điều tra địa chất, khoáng sản phải được quản lý tập trung, thống nhất, cung cấp kịp thời, hiệu quả cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh.

Trọng tâm là tập trung điều tra, đánh giá các khoáng sản chiến lược, quan trọng, điều tra tai biến địa chất phục vụ ứng phó biến đổi khí hậu, điều tra địa chất đô thị, địa chất môi trường, di sản địa chất; thống kê, kiểm kê, hạch toán đầy đủ giá trị tài nguyên khoáng sản quốc gia. Tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, chuyển đổi số, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin về địa chất, khoáng sản, tích hợp đồng bộ với cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia, cơ sở dữ liệu chung của lĩnh vực tài nguyên và môi trường để đảm bảo tuân thủ Kiến trúc Chính phủ điện tử ngành tài nguyên và môi trường.

Mục tiêu đến năm 2025, ngành Địa chất Việt Nam sẽ phấn đấu hoàn thành 80% diện tích lập bản đồ địa chất khoáng sản tỷ lệ 1:50.000 phần đất liền; hoàn thành điều tra, đánh giá tiềm năng khoáng sản tại các cấu trúc có triển vọng ở các khu vực Tây Bắc, Trung Trung Bộ, cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá, lũ quét tại các tỉnh miền núi có nguy cơ cao; điều tra, lập bản đồ địa chất môi trường các khu vực chứa khoáng sản độc hại, phóng xạ. Điều tra địa chất, khoáng sản một số khu vực biển đến độ sâu 300m nước và 1.500m tỷ lệ 1:500.000.

Với tinh thần trách nhiệm cao, ngành Địa Chất Việt Nam xác định luôn giữ lửa nhiệt huyết, đồng thời đặt mục tiêu đến năm 2030, hoàn thành 85% diện tích lập bản đồ địa chất khoáng sản tỷ lệ 1:50.000 phần đất liền; hoàn thành điều tra, đánh giá tiềm năng khoáng sản tại các cấu trúc có triển vọng ở các khu vực Bắc Trung Bộ, Đông Bắc Bắc Bộ.

Tiếp tục công tác điều tra bổ sung, cập nhật và hoàn thiện cơ sở dữ liệu địa chất đô thị tỷ lệ 1:25.000 phục vụ quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội các thành phố trực thuộc Trung ương.

Khoanh vùng cảnh báo các khu vực có nguy cơ sụt lún vùng đồng bằng sông Cửu Long, lập bản đồ di sản địa chất toàn quốc.

Hoàn thành điều tra địa chất, đánh giá tiềm năng khoáng sản tại các khu vực biển ven bờ có triển vọng khoáng sản sa khoáng và vật liệu xây dựng; điều tra địa chất tỷ lệ 1:500.000 một số vùng biển sâu, vùng biển quốc tế liền kề, gắn với tìm kiếm, phát hiện các khoáng sản biển sâu (kết hạch sắt - mangan, khí hydrate...)

Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin về địa chất khoáng sản đồng bộ, tích hợp với cơ sở dữ liệu quốc gia; hoàn thiện hệ thống trang thiết bị đồng bộ, hiện đại phục vụ có hiệu quả công tác điều tra địa chất, khoáng sản; kiện toàn và xây dựng các đơn vị địa chất tinh gọn, có năng lực chuyên môn, đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ có chất lượng và hiệu quả.

Những đóng góp thầm lặng

Kế thừa, phát huy những thành quả đã đạt được trong điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản, các giải pháp thực hiện quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 được ngành Địa chất Việt Nam xác định: Tập trung đầu tư nghiên cứu, lựa chọn áp dụng các phương pháp, công nghệ tiên tiến có hiệu quả, độ tin cậy cao, nhất là trong điều tra, đánh giá khoáng sản ẩn sâu, điều tra địa chất, khoáng sản biển, điều tra tai biến địa chất phục vụ ứng phó biến đổi khí hậu; điều tra địa chất phục vụ cải tạo phục hồi môi trường trong và sau khai thác khoáng sản. Không chỉ vậy, việc tăng cường đổi mới công nghệ, thiết bị, phương tiện để thực hiện các nhiệm vụ cũng vô cùng quan trọng.

11thay2.jpg

Một yếu tố quan trọng trong giải pháp để có được chất lượng điều tra tốt đó là điều chỉnh cơ chế, chính sách, chế độ đãi ngộ, trả lương phù hợp, bổ sung phụ cấp ưu đãi nghề cho lực lượng lao động chuyên môn ngành địa chất để họ yên tâm với nghề. Tăng cường hợp tác quốc tế và đào tạo nguồn nhân lực.

Với những đóng góp thầm lặng trong nghề của các nhà địa chất, hy vọng khi hoàn thành, “chất liệu” từ quy hoạch sẽ góp phần hoàn thiện nền bản đồ địa chất khoáng sản tỷ lệ 1:50.000 quốc gia, làm cơ sở quan trọng phục vụ nhu cầu quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước.

Đồng thời, đánh giá đầy đủ chất lượng, quy mô các khoáng sản có tiềm năng lớn, khoáng sản chiến lược, quan trọng, khoáng sản có nhu cầu lớn ở nước ta, phục vụ kịp thời, có hiệu quả nhu cầu khoáng sản trong nước, dự trữ khoáng sản và xuất khẩu; Xây dựng, hoàn thiện hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu địa chất khoáng sản, tích hợp đồng bộ với cơ sở dữ liệu về tài nguyên môi trường, phục vụ kịp thời, có hiệu quả nhu cầu thông tin địa chất khoáng sản cho các ngành, địa phương trong việc quy hoạch, phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, cảnh báo, phòng tránh thiên tai, giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Các kết quả điều tra địa chất công trình, địa chất đô thị các thành phố trực thuộc Trung ương là cơ sở quan trọng để quy hoạch không gian ngầm đô thị, phục vụ quy hoạch phát triển thành phố thông minh, hiện đại, tiên tiến.

Bên cạnh đó, kết quả điều tra di sản địa chất, công viên địa chất, ngoài giá trị khoa học, bảo tồn còn giúp cho các địa phương phát triển du lịch, kinh tế xanh, phát triển bền vững.

Những con số được thể hiện qua các tấm bản đồ, bản vẽ tuy có phần khô khan nhưng luôn chứa đựng niềm đam mê to lớn với nghề địa chất cũng như những đóng góp thầm lặng nhưng rất đáng tự hào của những nhà địa chất. Trong tương lai, Cục Địa chất Việt Nam sẽ tiếp tục hướng đến sự phát triển bền vững, hướng tới những mục tiêu phát huy tiềm năng của ngành Địa chất trên khắp mọi miền đất nước, kịp thời đưa kết quả điều tra đánh giá tài nguyên địa chất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên khắp cả nước cũng như từng địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng Quy hoạch Điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản: Một hành trình ý nghĩa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO