Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (ISPONRE) cho biết: Tại Việt Nam, Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi năm 2020 đã đưa ra quy định về kinh tế tuần hoàn (KTTH); Nghị định số 08/2022/NĐ-CP cũng hướng dẫn chi tiết về tiêu chí, cách thức áp dụng, phân công trách nhiệm và cơ chế khuyến khích áp dụng kinh tế tuần hoàn.
Việc sớm công nhận và thể chế hóa khái niệm, quy định về kinh tế tuần hoàn vào trong hệ thống khung khổ chính sách, pháp luật của Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế, đồng thuận của giới khoa học và đã có những tín hiệu ủng hộ, hưởng ứng bằng hành động cụ thể của cộng đồng doanh nghiệp đối với mô hình kinh tế nhiều tiềm năng này.
Theo Điều 139 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao chủ trì xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện KTTH trước ngày 31/12/2023. Thực hiện nhiệm vụ được Bộ TN&MT giao, thời gian qua, ISPONRE đã xây dựng dự thảo Đề cương Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện KTTH.
Theo ông Michael Siegner – Trưởng đại diện Quỹ HSF tại Việt Nam, KTTH đang là một xu hướng mạnh mẽ ở nhiều quốc gia trên thế giới và là giải pháp hiệu quả giải quyết các thách thức của toàn cầu như biến đổi khí hậu, suy giảm đa dạng sinh học, ô nhiễm rác thải. Thời gian tới, Quỹ HSF sẽ tiếp tục hỗ trợ và đồng hành cùng ISPONRE để có thể hiện thực hoá KTTH, thúc đẩy các biện pháp phát triển bền vững.
Chia sẻ về dự thảo đề cương Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện KTTH tại Việt Nam, TS. Lại Văn Mạnh – đại diện ISPONRE cho biết: Kế hoạch được xây dựng với mục tiêu tận dụng tối đa giá trị tài nguyên, nguồn nguyên vật liệu đã qua sử dụng; hạn chế tối đa chất thải, khí thải ra môi trường. Phát triển các thói quen tốt, tiến tới tạo dựng nét văn hóa trong áp dụng KTTH; hình thành xã hội tuần hoàn, áp dụng các mô hình sản xuất và tiêu dùng, mô hình kinh doanh tuần hoàn trở thành phổ biến trong xã hội.
Đồng thời, khai thác triệt để tiềm năng về đổi mới, sáng tạo để áp dụng KTTH ngay từ giai đoạn thiết kế và triển khai các hệ thống sản xuất bền vững và hiệu quả hơn. Lựa chọn áp dụng mô hình KTTH phổ biến và phù hợp với đặc trưng của từng vùng, miền, ngành và lĩnh vực, thúc đẩy sự phát triển bền vững. Thúc đẩy sự tái sinh của thiên nhiên, tác động tích cực và bền vững đến cuộc sống của con người và môi trường.
Để thực hiện các mục tiêu trên, dự thảo đề cương kế hoạch đề ra các nhiệm vụ, giải pháp ưu tiêu thực hiện bao gồm: Tuyên truyền, giáo dục, đào tạo, tập huấn, phổ biến kiến thức về KTTH. Thúc đẩy thiết kế sinh thái, thiết kế để thực hiện KTTH đối với các sản phẩm, cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ trọng tâm. Thí điểm và nhân rộng các mô hình KTTH trọng tâm.
Bên cạnh đó, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật. Hình thành và phát triển thị trường các hàng hóa và dịch vụ liên quan đến KTTH. Thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển khoa học và công nghệ, cung cấp thông tin, dữ liệu và phát triển Mạng lưới KTTH tại Việt Nam. Huy động nguồn nhân lực, tài chính và phát triển hạ tầng kỹ thuật. Tăng cường liên kết vùng, liên kết ngành, lĩnh vực trong thực hiện KTTH; đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong thực hiện KTTH.
Theo dự thảo, một số ngành, lĩnh vực và dự án trọng tâm thực hiện KTTH bao gồm: Khai thoáng; nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản; giao thông vận tải; năng lượng; chế biến, chế tạo; xây dựng; xử lý, cung cấp nước; dịch vụ sửa chữa, tân trang, phục hồi, tư vấn, đánh giá; du lịch và thương mại; thông tin, truyền thông; quản lý chất thải (ưu tiên chuyển hoá thành tài nguyên, năng lượng).
Tại Hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận các nội dung liên quan đến đề cương kế hoạch hành động quốc gia và lĩnh vực trọng tâm trong thực hiện KTTH tại Việt Nam, các tiêu chí KTTH phù hợp cho Việt Nam. Đa số các ý kiến cho rằng cần thu gọn danh sách ngành, lĩnh vực trọng tâm phù hợp với thực tiễn, cần phân tích từ sản phẩm, cân nhắc các sản phẩm theo quy định EPR để xác định các ngành nghề. Các chỉ tiêu đánh giá nên cân nhắc để phù hợp với hoạt động thống kê gắn với các ngành, lĩnh vực. Cần bổ sung chương trình đào tạo nhân lực về KTTH và có các giải pháp về hỗ trợ phát triển thị trường cung – cầu.
Kết thúc Hội thảo, Phó Viện trưởng ISPONRE Mai Thanh Dung cho biết các ý kiến góp ý đối với lĩnh vực trọng tâm sẽ là cơ sở khoa học quan trọng để bổ sung cho quá trình nghiên cứu đề xuất các hoạt động cần thiết triển khai đối với lĩnh vực được lựa chọn trong tương lai. Các chỉ tiêu KTTH sẽ hỗ trợ quá trình hướng dẫn thực hiện và đánh giá quá trình áp dụng KTTH trong thực tiễn. Viện sẽ tiếp thu, chỉnh sửa, hoàn thiện đề cương để xây dựng, hoàn thiện kế hoạch hành động thực hiện KTTH, kịp thời trình Thủ tướng Chính phủ theo đúng lộ trình đề ra.