Xây dựng Hệ thống pháp luật về TN&MT: Ưu tiên dành nguồn lực ở mức cao nhất

Trường Giang| 13/01/2022 14:05

(TN&MT) - Trong năm 2021, mặc dù kế hoạch tổ chức thực hiện nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, ngành TN&MT vẫn chủ động bằng nhiều hình thức khác nhau trong chỉ đạo, điều hành để triển khai công tác xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về tài nguyên và môi trường.

Theo Bộ TN&MT, thực hiện Chương trình công tác năm 2021 của Chính phủ, nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao và Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) năm 2021 của Bộ TN&MT, Bộ cần xây dựng, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành 13 văn bản (1 Luật, 9 Nghị định, 2 Quyết định) và ban hành theo thẩm quyền 22 Thông tư.

Để nâng cao chất lượng xây dựng VBQPPL, ngay từ đầu năm, Bộ đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc thực hiện nghiêm quy định của Luật Ban hành VBQPPL và các văn bản hướng dẫn thi hành. Đồng thời, đẩy mạnh và đổi mới các phương pháp, hình thức lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, chuyên gia, đối tượng chịu sự tác động của VBQPPL; nghiêm túc tiếp thu, giải trình các ý kiến góp ý để đảm bảo tính khả thi của văn bản.

Đặc biệt, chú trọng nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan trong quy trình xây dựng VBQPPL. Các dự thảo VBQPPL do Bộ chủ trì xây dựng đã bảo đảm đúng quy trình soạn thảo; đáp ứng các tiêu chí về tính đồng bộ, thống nhất, khả thi và công khai, minh bạch.

Đến nay, Bộ đã trình Chính phủ ban hành 6 Nghị định, trình Thủ  tướng Chính phủ ban hành 1 Quyết định; Bộ đang trình Chính phủ 6 Nghị định, trình Thủ tướng Chính phủ 1 Quyết định.

Các văn bản Bộ đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ khi được ban hành sẽ tạo tiền đề nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý Nhà nước trong lĩnh vực TN&MT, góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, kịp thời tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đáp ứng yêu cầu về cải cách hành chính.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã tập trung nguồn lực, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan tổ chức tổng kết thi hành Luật Đất đai 2013 và xây dựng Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) trình Chính phủ để trình Quốc hội đưa Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022; lập đề nghị xây dựng Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), trình Chính phủ để trình Quốc hội xem xét, đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.

Một Hội nghị trực tuyến và trực tiếp về lấy ý kiến các đại phương về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) do Bộ TN&MT tổ chức

Ở địa phương, HĐND và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng đã ban hành số lượng lớn VBQPPL liên quan đến lĩnh vực TN&MT, góp phần thúc đẩy hệ thống pháp luật về TN&MT ngày càng đồng bộ, thống nhất, đi vào cuộc sống.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác này vẫn còn một số hạn chế. Vẫn còn tình trạng phải lùi thời hạn ban hành văn bản hoặc rút văn bản khỏi Chương trình xây dựng và ban hành VBQPPL của Bộ; Hoạt động tham vấn người dân, doanh nghiệp đôi khi chưa được thực hiện hiệu quả; chưa có cơ chế tốt để thu hút các chuyên gia giỏi tham gia xây dựng dự thảo VBQPPL.

Bộ TN&MT cho biết, để nâng cao chất lượng xây dựng VBQPPL trong năm 2022 và những năm tới, Bộ quyết tâm thực hiện các giải pháp và cơ chế đột phá cho công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật; đổi mới mạnh mẽ công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật; ưu tiên dành nguồn lực ở mức cao nhất cho công tác xây dựng pháp luật; kiện toàn tổ chức bộ máy, đội ngũ công chức làm công tác pháp chế đủ năng lực, độc lập và chuyên nghiệp ngang tầm nhiệm vụ; có cơ chế đột phá trong bố trí nguồn lực kinh phí và huy động trí tuệ, sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học giỏi trong công tác xây dựng pháp luật lĩnh vực TN&MT.

Theo đó, giai đoạn 2022 - 2025, Bộ TN&MT tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật TN&MT đáp ứng yêu cầu quản lý, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong đó, trọng tâm là hoàn thiện pháp luật về đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản nhằm quản lý chặt chẽ, huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả nguồn lực tài nguyên để phát triển đất nước theo nguyên tắc thị trường. Tập trung ưu tiên xử lý các quy định, pháp luật vướng mắc, bất cập trong thực tế; tập trung kiểm soát, tăng cường tính thống nhất, đồng bộ, kết nối giữa các VBQPPL, các lĩnh vực quản lý của Bộ.

Riêng trong năm 2022, Bộ dự kiến xây dựng các văn bản trình Chính phủ, gồm: Dự án Luật Đất đai (sửa đổi); Dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 201/2013/NĐ-CP ngày 27/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước; Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 40/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; Nghị định số 11/2021/NĐ-CP ngày 10/2/2021 của Chính phủ quy định việc giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển.

Bộ cũng sẽ xây dựng 20 VBQPPL thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ trưởng, trọng tâm là xây dựng hoàn thiện quy chuẩn, quy định kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật của các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ.

Trong năm 2021, Bộ trưởng  Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành 21 Thông tư điều chỉnh các lĩnh vực Bộ được giao quản lý Nhà nước theo thẩm quyền.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng Hệ thống pháp luật về TN&MT: Ưu tiên dành nguồn lực ở mức cao nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO