Công trình xanh - xu thế tất yếu
Trên thế giới, việc phát triển các công trình xanh, công trình sử dụng năng lượng hiệu quả góp phần vào giảm phát thải khí nhà kính nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.
Tại Việt Nam, Chính phủ cũng đã thể hiện cam kết mạnh mẽ với quốc tế khi tham gia vào Nghị định thư Kyoto hay gần đây là Thỏa thuận Paris (COP21). Các cam kết này đã được hiện thực hóa trong nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Điển hình như Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 25/9/2012 tại Quyết định số 1393/QĐ-TTg với quan điểm tăng trưởng xanh phải do con người và vì con người, đảm bảo phát triển kinh tế nhanh, hiệu quả, bền vững và góp phần quan trọng thực hiện Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu; Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030; Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về “Định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”… Có thể thấy, phát triển các công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng là một trong các giải pháp và là xu hướng tất yếu.
Trụ sở Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel), tòa nhà đầu tiên tại Hà Nội đạt tiêu chuẩn của Hiệp hội Xây dựng xanh Hoa Kỳ. Ảnh minh họa |
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng, những năm gần đây, các doanh nghiệp phát triển dự án có nhiều thay đổi tầm nhìn và định hướng phát triển, hướng tới cung cấp ra thị trường những công trình có nhiều yếu tố xanh và hiệu quả năng lượng. Các dự án trình diễn của Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) về ứng dựng các giải pháp kỹ thuật giảm thiểu tiêu thụ năng lượng trong công trình mới và công trình cải tạo cho thấy tiềm năng tiết kiệm năng lượng có thể đạt được từ 25-67% /công trình, với chi phí gia tăng từ 0-3% tổng mức đầu tư. Tuy nhiên, hiện tổng số công trình xanh được chứng nhận tại Việt Nam mới chỉ khoảng 150 công trình, một con số khá khiêm tốn trong khu vực Đông Nam Á và trên thế giới.
Các số liệu thống kê cho thấy, năm 2019, Việt Nam có 851 đô thị, trong đó có 2 đô thị đặc biệt là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc đạt khoảng 39,2%, riêng 2 đô thị đặc biệt là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh có dân số đô thị chiếm xấp xỉ 30% dân số đô thị trên toàn quốc. Tốc độ đô thị hóa tăng bình quân trên 1%/năm, riêng Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh tăng trên 3%/năm. Kinh tế đô thị cũng chiếm 70-80% tổng quy mô nền kinh tế.
Tuy nhiên, PGS.TS Phạm Thúy Loan, Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia cho biết, các đô thị lớn của Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng gia tăng. Bụi TSP (các hạt bụi có đường kính khí động học nhỏ hơn, hoặc bằng 100 µm), nồng độ đã vượt ngưỡng cho phép của Quy chuẩn QCVN 05:2013 từ 2 đến 3 lần. Lượng rác thải xây dựng phát sinh cũng ngày một lớn, tiêu tốn một lượng kinh phí rất lớn để xử lý với hơn 0,5 triệu USD mỗi ngày. Các loại bệnh tật, dịch bệnh và thực phẩm bẩn ngày càng tăng. Nhiều đô thị đang thường xuyên phải ứng phó với tình hình ô nhiễm môi trường, ngập úng như tại TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, hay nước kênh rạch bị nhiễm mặn tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Cùng với đó, các đô thị cũng đang phải đối mặt với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, đòi hỏi phải đảm bảo khả năng chống chịu.
Nghành xây dựng tiêu thụ khoảng 50% tổng lượng nguyên vật liệu, 40% tổng mức tiêu thụ năng lượng và 25% tổng mức tiêu thụ nước và là một trong những lĩnh vực phát thải khí nhà kính lớn nhất. Do vậy, một ngành xây dựng xanh sẽ là lời giải lớn cho bài toán quốc gia và toàn cầu về môi trường và tài nguyên, hướng đến sự phát triển bền vững.
Củng cố cơ sở pháp lý
Trước những tác hại to lớn của biến đổi khí hậu, Việt Nam cam kết đến năm 2030 sẽ giảm 9% tổng lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường (bằng tự lực) và 27% (nếu có sự hỗ trợ của quốc tế). Đây chính là mức đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam.
Theo Kế hoạch phát triển đô thị tăng trưởng xanh đến năm 2030, Chính phủ đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm như rà soát, điều chỉnh các chỉ tiêu quy hoạch đô thị, lồng ghép các mô hình phát triển đô thị phù hợp với định hướng phát triển đô thị tăng trưởng xanh như đô thị xanh, đô thị kinh tế-sinh thái, đô thị thông minh, đô thị các-bon thấp và các giải pháp thuộc các lĩnh vực ưu tiên. Xây dựng các công trình xây dựng xanh, thân thiện với môi trường, sử dụng tiết kiệm và chống thất thoát, thất thu nước sạch. Đồng thời, xử lý rác thải, chất thải theo hướng giảm xả thải, phát thải, tiết kiệm năng lượng, tái sử dụng và tái chế rác thải. Sử dụng vật liệu xây dựng và công nghệ xây dựng xanh, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng, khuyến khích sử dụng năng lượng sạch...
PGS.TS Phạm Thúy Loan trình bày tham luận tại Tuần lễ công trình xanh Việt Nam 2020. Ảnh: Lưu Nguyên Sơn |
Bà Phạm Thúy Loan cho biết, theo thống kê về tình hình thực hiện các nội dung liên quan đến đô thị tăng trưởng xanh của 59 đô thị từ loại IV trở lên trong cả nước vào tháng 4/2015, có 24/59 đô thị đã ban hành các văn bản để chỉ đạo, triển khai thực hiện đô thị tăng trưởng xanh. Trong đó, có 7 đô thị đã xây dựng Nghị quyết chỉ đạo, 15 đô thị đã xây dựng kế hoạch, 6 đô thị đã có chương trình thực hiện. 02 đô thị là Sapa và Sóc Trăng đã ban hành Chiến lược về tăng trưởng xanh. Một số đô thị đã ban hành Chiến lược tăng trưởng xanh và thích ứng biến dổi khí hậu như TP. Hải Phòng, Cần Thơ. Các đô thị khác đang tiến hành nghiên cứu xây dựng như Đà Nẵng, Bắc Ninh, Tam Kỳ... Tuy nhiên, trong 24 đô thị đó có đến 15 đô thị chỉ có 1 văn bản chỉ đạo.
Để thúc đẩy phát triển các công trình xanh, bà Phạm Thúy Loan cho rằng, trước hết cần củng cố cơ sở pháp lý liên quan đến tiết kiệm năng lượng và công trình xanh. Lựa chọn bộ chứng chỉ đánh giá, công nhận công trình xanh chính thức để làm cơ sở cho các chính sách cụ thể khác. Đồng thời, Nhà nước cần tiên phong thực hiện công trình xanh cho các dự án đầu tư xây dựng mới hoặc cải tạo quy mô lớn công trình sử dụng vốn công; xây dựng khung hướng dẫn ưu đãi thực hiện công trình xanh thuộc khu vực đầu tư vốn tư nhân; xây dựng bằng các cơ chế ưu tiên, ưu đãi liên quan đến tài chính, phi tài chính; chú trọng việc đào tạo nhân lực, nâng cao năng lực thiết kế và công nghệ xây dựng công trình xanh.
Còn theo ông Nguyễn Trung Kiên, Giám đốc Công ty cổ phần tư vấn đầu tư và xây dựng Đất Việt (Vilandco), Nhà nước cần sớm ban hành các quy định, thông tư hướng dẫn để định hướng và quản lý hoạt động về chứng nhận công trình xanh Việt Nam. Sớm ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về công trình xanh và cập nhật định kỳ các tiêu chuẩn này; có các chỉ dẫn, quy định cho các dự án sử dụng vốn đầu tư công áp dụng chứng nhận công trình xanh; xém xét điều chỉnh mức thiết kế phí và bổ sung chi phí tư vấn, đánh giá và cấp giấy chứng nhận công trình xanh vào định mức. Bên cạnh đó, có các chính sách ưu đãi về thuế, thủ tục hành chính, mật độ xây dựng/diện tích sàn xây dựng... dành cho các thành phần tham gia xây dựng công trình xanh.