Mới đây nhất (từ ngày 6 - 10/10/2020), do ảnh hưởng và áp tháp nhiệt đới, tỉnh Quảng Bình có mưa lớn kéo dài làm gần 15.000 ngôi nhà ngập chìm trong nước. Trong đó, xã Tân Hóa bị ngập 560 hộ/688 hộ, có nơi ngập sâu từ 3 - 5 m gây ra thiệt lớn cho tài sản, hoa màu của người dân. Còn trước đó, vào năm 2019 nước lũ cũng dâng lên đến từ 4 - 6 m. Xa hơn là vào năm 2010, mực nước lũ kỷ lục được đo lên đến 12 m.
Nhà phao là cách phòng, chống lũ an toàn đối với người dân vùng “rốn lũ” Tân Hóa |
Qua bao đời nay, cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn khi mùa lũ về, luôn phải chống chịu và sống chung với những trận lũ lụt càn quét. Để đối phó với lũ lụt, từ năm 2010, người dân bắt đầu có suy nghĩ làm nhà phao hay còn gọi là nhà nổi (bè nổi). Nhiều hộ đã vay mượn tiền xây nhà phao tránh lũ.
Nhà phao được bà con ở đây cất dựng khá kiên cố, bên dưới nhà được làm khung gỗ và kết dây gắn hàng chục thùng phi rỗng. Sàn nhà, cột kèo được làm bằng gỗ, mái và các phía lợp bằng tôn, mỗi ngôi nhà phao có diện tích trung bình 20 m2, diện tích có thể đủ chứa người nhà và một số tài sản. Để ngôi nhà khỏi trôi theo nước chảy, người dân cố định bằng các vòng lỏng ôm vào cột chôn các góc nhà. Khi nước lũ dâng cao tới đâu thì ngôi nhà cũng nổi lên theo và ngược lại nước xuống thì nhà cũng xuống theo mực nước.
|
Theo ông Trương Thanh Duẩn - Chủ tịch UBND xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa cho biết, thời điểm trước năm 2010, khi chưa có nhà phao thì mỗi lần có mưa lớn là người dân lại lo lắng, di chuyển đồ và tài sản lên các lèn đá cao để tránh lũ. Tuy vậy, đến nay, khi đã có nhà phao khi mưa lũ thì người dân vận chuyển tài sản lên nhà phao để tránh trú an toàn.