Xây dựng cơ sở dữ liệu liên ngành về Đồng bằng sông Cửu Long

11/09/2018 17:36

(TN&MT) - Chiều 11/9, tại trụ sở Bộ TN&MT, Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên đã có buổi làm việc với Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu tài nguyên môi trường về việc triển khai xây dựng Đề án xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) liên ngành vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) phục vụ phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu. Tham dự có lãnh đạo Văn Phòng Bộ, các Vụ, Cục  và Trung tâm có liên quan.

s
Quang cảnh buổi làm việc
 

ĐBSCL là vùng đất rộng lớn chiếm 12% diện tích, 19% dân số cả nước, có mạng lưới sông ngòi kênh rạch dày đặc, là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất nước ta. Đồng thời, có vị trí thuận tiện trong giao thương với các nước ASEAN và Tiểu vùng sông Mê Công.

Những năm gần đây, trước tác động trực tiếp của biến đổi khí hậu và nước biển dâng đến toàn lưu vực sông Mê Kông và hậu quả là tác động đến chế độ thủy động lực trên sông Mê Kông và vùng ven biển làm gia tăng hạn hán, xâm nhập mặn và xói lở ảnh hưởng lớn đến sản xuất và an sinh xã hội tại ĐBSCL. Do đó, tại Nghị quyết số 120 ngày 17/11/2017 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu đã giao nhiệm vụ cho Bộ TN&MT chủ trì phối hợp với các Bộ ngành và cơ quan liên quan khẩn trương xây dựng hệ thống CSDL về ĐBSCL, kết nối với cơ sở dữ liệu của Ủy hội sông Mê Kông.

Theo Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu tài nguyên môi trường - đơn vị xây dựng Đề án, triển khai Nghị quyết 120, thời gian qua Cục đã phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện xây dựng Đề án trên với quan điểm là: tích hợp CSDL đa ngành, đa lĩnh vực xử lý đồng bộ, tổng thể với tầm nhìn dài hạn, với sự phối hợp tham gia của tất các các ngành kỹ thuật, kinh tế và xã hội bằng công cụ hiện đại, kết nối cao phục vụ quản lý điều hành để giải quyết và ứng phó kịp thời với tác động của biến đổi khí hậu mang tính liên vùng, liên khu vực và quốc tế.

Cũng với đó, bảo đảm cung cấp, chia sẻ và khai thác thông tin đầy đủ, kịp thời, thuận tiện đáp ứng yêu cầu của các Bộ, ngành, địa phương phục vụ phát triển KT - XH, an ninh, quốc phòng…

Theo đó, mục tiêu tổng quát của Đề án là tạo lập khung chiến lược toàn diện cho ĐBSCL trên quan điểm tiếp cận đa ngành, đa lĩnh vực để xử lý đồng bộ bài toán tổng thể với tầm nhìn dài hạn trong sự phối hợp tham gia của tất cả các ngành kỹ thuật, KT-XH bằng những công cụ xác đáng mang tính kết nối cao phục vụ quản lý điều hành, thích ứng với BĐKH và phát triển bền vững vùng ĐBSCL.

Đơn vị chủ trì là Bộ TN&MT phối hợp với Ủy ban sông Mê Kông, Ủy hội sông Mê Kông quốc tế, các bộ ngành địa phương thuộc vùng ĐBSCL và các địa phương tiếp giáp (TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Bình Phước). Trên cơ sở kết hợp đồng bộ các dự án, nhiệm vụ đã, đang và sắp thực hiện của Bộ TN&MT, các Bộ ngành, địa phương trên địa bàn để bảo đảm không trùng lặp, tăng hiệu quả, tiết kiệm nguồn lực.

Về nội dung Đề án thực hiện gồm: hoàn thiện cơ chế chính sách và các quy định kỹ thuật; xây dựng cơ sở dữ liệu liên ngành; xây dựng hoàn thiện cơ sở dữ liệu; thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu liên ngành; công bố, cung cấp, chia sẻ, khai thác sử dụng thông tin, dữ liệu liên ngành; xây dựng hệ thống giám sát, cảnh báo và dự báo; hợp tác quốc tế, đào tạo, tiếp nhận chuyển giao công nghệ và truyền thông. Lộ trình thực hiện sẽ lập và trình phê duyệt trong năm 2018; triển khai thực hiện vào năm 2019 - 2020.

Tại buổi làm việc, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các nội dung, phạm vi của Đề án xây dựng CSDL liên ngành vùng ĐBSCL. Theo đó, các đại biểu đề nghị Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu tài nguyên môi trường cần rà soát các dự án có liên quan, tránh trùng lắp; làm rõ việc chia sẻ dữ liệu…

Phát biểu chỉ đạo, Thứ trưởng Trần Quý Kiên đánh giá cao triển khai xây dựng Đề án của Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu tài nguyên môi trường. Thứ trưởng cho rằng, từ khi thành lập Bộ TN&MT đến nay, Bộ luôn quan tâm tới việc thành lập hệ thống CSDL ngành. Cụ thể từ năm 2011 - 2015, Bộ đã thực hiện xây dựng một số CSDL cho một số ngành, đên nay đã có hệ thống quan chắc tài nguyên môi trường cho một số lĩnh vực như: khí tượng thủy văn, nước ngầm… song đến nay số liệu này còn chưa được thực hiện chia sẻ.

Thứ trưởng Trần Quý Kiên yêu cầu Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu tài nguyên môi trường rà soát kỹ các nội dung của Tiểu dự án 4 (Đầu tư, xây dựng Trung tâm dữ liệu vùng ĐBSCL phục vụ thích ứng khí hậu và tổng hợp sinh kế bền vững triển khai từ đầu năm 2018) qua đó kế thừa và phát huy tối đa các kết quả và bổ sung các nội dung còn chưa thực hiện vào Đề án...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng cơ sở dữ liệu liên ngành về Đồng bằng sông Cửu Long
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO