Hành động để bảo vệ tài nguyên thiên nhiên
Chiến dịch Giờ Trái đất 2021 diễn ra trong bối cảnh các quốc gia trên thế giới chuẩn bị thực hiện các yêu cầu bắt buộc giảm phát thải theo Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Hành động rắt đèn trong vòng 1 giờ - biểu thị ý thức của con người đối với tiết kiệm năng lượng, và hơn thế nữa là với các nguồn tài nguyên, đa dạng sinh học và thiên nhiên nói chung.
Theo bà Phạm Thị Cẩm Nhung, Quản lý Chương trình năng lượng và khí hậu, WWF Việt Nam, từ vài năm trở lại đây, Giờ Trái đất không chỉ tập trung vào việc cắt giảm sản lượng điện tiêu thụ từ việc giảm sử dụng các thiết bị điện, mà xa hơn thế là giảm tiêu thụ các nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu. Trước mắt, năm 2021 chính là khoảng thời gian quan trọng để Chính phủ các quốc gia đề ra các nỗ lực phục hồi “xanh” sau thiệt hại từ đại dịch Covid-19.
Trong năm 2020, thế giới đã chứng kiến hàng hoạt thảm họa, bao gồm hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, cháy rừng trên diện rộng và sự bùng phát đại dịch Covid-19 đã cho chúng ta thấy việc ngăn chặn những tổn thất của thiên nhiên là hành động cấp bách để bảo vệ tương lai của chính chúng ta. Báo cáo Đánh giá về các mục tiêu đa dạng sinh học năm 2020 đã chỉ ra rằng, thế giới đã không đạt được các mục tiêu ngăn ngừa tổn thất thiên nhiên được đề ra cách đây một thập kỷ. Chính vì vậy, Giờ Trái đất là thời khắc then chốt để các tổ chức xã hội dân sự, các cá nhân, doanh nghiệp và các nhà hoạt động vì môi trường kêu gọi các nhà lãnh đạo trên thế giới xây dựng lộ trình phục hồi cho thiên nhiên vào năm 2030.
Chiến dịch Giờ Trái đất 2021 kêu gọi mỗi người dân, tổ chức, doanh nghiệp cần đồng lòng và song hành với Chính phủ để có thể thực hiện được kế hoạch này. Từng hành động nhỏ gộp lại có thể mang lại những thay đổi lớn, đặc biệt là trong cuộc chiến ứng phó biến đổi khí hậu, giảm rác thải nhựa.
“Tại Việt Nam, WWF cùng đồng hành với Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Chiến dịch huy động toàn dân tăng cường ý thức bảo vệ môi trường. Hơn thế nữa, qua các năm thực hiện, chương trình ngày càng thu hút đông đảo các tầng lớp, lực lượng các bạn trẻ trong xã hội tham gia” - bà Nhung cho biết.
Nhằm lan tỏa hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2021, các đơn vị đã cùng nhau tuyên truyền tới các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của đơn vị và cùng với người thân trong gia đình tạo thói quen từ chối, giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế chất thải. Đặc biệt, thử thách “30 ngày sống xanh” mở đầu cho Chiến dịch Giờ Trái đất trên mạng xã hội, trong đó kêu gọi và truyền cảm hứng cho các cá nhân thực hiện các hành động thân thiện với môi trường như: một tuần đi xe đạp, không bỏ phí thức ăn, không sử dụng đồ nhựa dùng một lần, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại gia đình, công sở và nơi công cộng; sử dụng các phương tiện giao thông công cộng thân thiện với môi trường; đầu tư, chuyển đổi, lắp đặt các thiết bị tiết kiệm năng lượng; tắt các thiết bị điện khi không sử dụng…
Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia cho biết, sau 1 giờ tắt đèn hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất 2021 (từ 20h30 - 21h30 ngày 27/3/2021), cả nước đã tiết kiệm được sản lượng điện là 353.000 kWh, tương đương khoảng 658,1 triệu đồng.
Hàng triệu người đã chia sẻ hình ảnh thực hiện thử thách của mình nhằm lan tỏa cho Chiến dịch kèm hashtag #GioTraiDat2021 #LenTiengViThienNhien và cùng “tắt đèn và tắt các thiết bị điện không cần thiết” từ 20h30 - 21h30 ngày 27/3.
Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2021 tại Việt Nam với thông điệp “Speak up for Nature” - “Lên tiếng vì thiên nhiên” |
Giảm phát thải khí nhà kính - Giảm rác thải nhựa
Trước tốc độ mất đa dạng sinh học với tốc độ chưa từng có và sự suy thoái nghiêm trọng của thiên nhiên, tại Việt Nam, Giờ Trái đất kêu gọi cộng đồng tập trung vào 2 chủ đề Tiết kiệm năng lượng - Giảm phát thải khí nhà kính và Không còn rác nhựa trong môi trường tự nhiên. Đây là những vấn đề môi trường cấp thiết và không của riêng quốc gia nào.
Theo ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT), để thực hiện Thỏa thuận Paris, các quốc gia đã đề ra các cam kết ứng phó biến đổi khí hậu tùy vào điều kiện, hoàn cảnh của mình. Trong Báo cáo đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) vừa cập nhật, bằng nguồn lực trong nước, Việt Nam sẽ giảm 9% phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường đến năm 2030, và sẽ tăng đến 27% nếu có hỗ trợ quốc tế. Việt Nam là một trong 20 nước nộp sớm nhất bản báo cáo cập nhật này, và cũng là quốc gia đang phát triển đầu tiên đưa cam kết về biến đổi khí hậu vào trong Luật (Luật Bảo vệ môi trường 2020), để tất cả công dân đều có trách nhiệm tham gia.
Về rác thải nhựa, ông Nguyễn Lê Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biển và hải đảo cho biết, rác thải nhựa, đặc biệt là rác thải nhựa đại dương đã trở thành vấn nạn toàn cầu. Việt Nam cũng như các quốc gia trên thế giới đều có trách nhiệm và nghĩa vụ phải chung tay giải quyết thách thức này. Nghị quyết Phát triển bền vững kinh tế biển đã đặt mục tiêu Việt Nam phải trở thành một trong những quốc gia đi đầu khu vực về giảm rác thải nhựa đại dương. Kế hoạch hành động quốc gia về rác thải nhựa đại dương lấy mốc năm 2025, Việt Nam phải giảm được 50% rác thải nhựa đại dương. Và quan trọng nhất là hình thành nền kinh tế về nhựa theo nguyên tắc kinh tế tuần hoàn, giảm lượng rác thải đẩy ra môi trường.
Bên cạnh đó, Giờ Trái đất năm nay tiếp tục đề cao tinh thần chủ động, tự giác thiết lập các thói quen sống xanh, lựa chọn tiêu dùng bền vững, tức là giảm thiểu tác động có hại đến môi trường, vẫn đáp ứng được nhu cầu trong hiện tại nhưng không ảnh hưởng đến các thế hệ tương lai. Nguyễn Thu Trang - thành viên sáng lập Tổ chức GreenHub chia sẻ, đó có thể là lựa chọn ăn cái gì, đi lại bằng phương tiện nào, mua sắm vật dụng gì, sử dụng và thải bỏ những vật dụng đó như thế nào. Lợi ích dài lâu là cho chính cuộc sống của bạn, vì bạn được hít thở không khí trong lành, được ăn sạch, được tận hưởng vẻ đẹp thiên nhiên với đa dạng các loài sinh vật… Như vậy, mọi người không cần phải đợi một vài đơn vị nào đó tổ chức những chiến dịch thì mới có thể sống xanh được, mà chúng ta hoàn toàn có thể xanh hơn mỗi ngày, từ suy nghĩ, và hành động của mình.
Bà Hồ Thị Nguyên Thảo - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên:
Trong bảo vệ môi trường nói chung và giảm rác thải nhựa nói riêng, khó khăn lớn nhất là nhận thức của người dân còn hạn chế. Họ cho rằng đó là trách nhiệm của các cấp, các ngành chức năng nên chưa chủ động tham gia các hoạt động này.
Tháng 6/2020, tỉnh Phú Yên đã chính thức tham gia Chương trình Đô thị giảm nhựa, trong đó đặt mục tiêu giảm 30% lượng rác thải nhựa thải ra môi trường tự nhiên vào năm 2025. Chúng tôi đã triển khai hàng loạt chương trình truyền thông mạnh mẽ về rác thải nhựa, huy động các thành phần trong cộng đồng xóa điểm ô nhiễm về rác thải nhựa, thậm chí thu hút được nhiều du khách cùng tham gia.
Chúng tôi cũng phối hợp triển khai tập huấn các tuyên truyền viên, tổ chức hội thảo kết nối doanh nghiệp du lịch và trao đổi thảo luận để cùng thay đổi mô hình sản xuất kinh doanh thân thiện môi trường một cách đồng bộ. Nhà hàng khách sạn thay đổi thói quen, phục vụ du khách bằng sản phẩm thân thiên môi trường. Đến với Phú Yên những ngày này, cảnh quan môi trường đã được cải thiện rất nhiều và chúng tôi tự tin có thể đạt được mục tiêu về giảm rác thải nhựa, xây dựng đô thị xanh, thân thiện với môi trường.
Ông Sam Wood - Phó Tổng Lãnh sự quán Vương quốc Anh tại TP.HCM:
Với tư cách nước chủ nhà Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia công ước khung của Liên Hợp Quốc về BĐKH (COP 26), Vương quốc Anh kêu gọi các quốc gia cùng đưa ra các cam kết hành động nghiêm túc và mạnh mẽ trên toàn cầu về BĐKH.
Với Việt Nam, những tác động mạnh mẽ của thiên tai, thời tiết cực đoan thời gian qua là minh chứng cho thấy BĐKH càng ngày càng gây nhiều thiệt hại hơn. Và đây là khoảng thời gian quan trọng để Việt Nam nỗ lực hơn nữa. Chúng tôi đang hợp tác với Bộ Công Thương, Bộ TN&MT thúc đẩy quá trình chuyển dịch sang các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo một cách nhanh chóng. Bên cạnh đó, thông qua Chương trình năng lượng các-bon thấp cho ASEAN, hai bên sẽ tập trung vào các hoạt động tiết kiệm năng lượng và tài chính xanh để đưa ra những khung hỗ trợ phù hợp cho các dự án mang tính bền vững.
Ông Trịnh Quốc Vũ - Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương):
Thời gian qua, lĩnh vực năng lượng tái tạo tại Việt Nam đã có những bước phát triển nhanh chóng. Hiện nay, đã có hơn 16.000 MW điện từ năng lượng mặt trời được phát lên lưới, thủy điện nhỏ là trên 3.000 MW. Sắp tới sẽ có thêm nguồn bổ sung đáng kể từ điện gió, điện rác.
Bên cạnh đó, Chương trình Mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã từng bước đi vào cuộc sống. Trong giai đoạn 2006 - 2015, Chương trình đã giúp tiết kiệm lượng điện tương đương hơn 16 triệu tấn dầu quy đổi và dự kiến giai đoạn 2019 - 2030 sẽ giúp giảm tiêu thụ năng lượng từ 8 - 10%, tương đương 60 - 80 triệu tấn dầu quy đổi.
Để góp phần đạt được mục tiêu này, từ nay đến năm 2025, Bộ Công Thương sẽ rà soát và kiện toàn tất cả các định mức tiêu thụ năng lượng trong các ngành công nghiệp tiêu thụ năng lượng trọng điểm, hỗ trợ biện pháp thay thế công nghệ cũ lạc hậu bằng công nghệ tiên tiến, tiết kiệm năng lượng hơn. Dự án tiết kiệm năng lượng cho ngành công nghiệp Việt Nam hiện đang triển khai các khoản vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Thế giới với tổng kinh phí 100 triệu đô la Mỹ. Trong năm 2021 sẽ có thêm 1 dự án nữa do Quỹ khí hậu xanh tài trợ, thiết lập một quỹ bảo lãnh cho các khoản vay tiết kiệm năng lượng lên đến 75 triệu đô la Mỹ.