Xã Tứ Hiệp -Thanh Trì: Cần công bằng trong bồi thường dự án mở rộng Quốc lộ 1A
Nhiều hộ dân có cùng điều kiện, tiêu chí nhưng UBND huyện Thanh Trì, Tp. Hà Nội lại áp dụng các phương án tái định cư khác nhau. Điều này dẫn tới khiếu nại kéo dài và gây bức xúc cho người dân.
Xuất hiện bất công trong bố trí tái định cư
Vừa qua, Báo Tài nguyên và Môi trường đã đăng tải bài viết: Xã Tứ Hiệp – Thanh Trì: Cần xem xét những uẩn khúc liên quan Dự án nâng cấp Quốc lộ 1A. Bài báo phản ánh thông tin ông Nguyễn Mạnh Thắng (thôn Văn Điển, xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì) thuộc diện bị thu hồi đất để thực hiện Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A đoạn Văn Điển – Ngọc Hồi. Do phần đất ông Thắng đang ở không đủ điều kiện để được nhà nước bồi thường về đất ở và bản thân không còn chỗ ở nào khác nên ông Thắng được tạo điều kiện mua đất tái định cư theo quy định.
Ban đầu, Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của UBND huyện Thanh Trì xác định ông Thắng đủ điều kiện được mua 01 suất tái định cư. Ông Thắng đã được mời đi bốc thăm vị trí đất và bốc được lô LK16. Tuy nhiên, khi công khai danh sách những người được nhận đất tái định cư thì ông Thắng lại không có trong danh sách một cách khó hiểu?! Và tất nhiên lô đất mà ông Thắng bốc thăm được trước đó đã mang tên người khác.
Trong văn bản thông tin tới Báo Tài nguyên và Môi trường, Trung tâm Phát triển Quỹ đất huyện Thanh Trì giải thích lý do trường hợp ông Nguyễn Mạnh Thắng bị cắt quyền mua đất tái định cư là vì phần đất ở của ông Thắng được bố mẹ tặng cho. Tuy nhiên, phần đất đó không có giấy tờ về quyền sử dụng đất theo quy định pháp luật nên văn bản tặng cho không có giá trị. Vì thế ông Nguyễn Mạnh Thắng không đủ điều kiện đứng tên kê khai giải phóng mặt bằng thửa đất mình đang ở.
Tuy nhiên, tìm hiểu của PV Báo Tài nguyên và Môi trường được biết, một số trường hợp bị thu hồi đất tại dự án này giống hệt với trường hợp ông Nguyễn Mạnh Thắng nhưng vẫn được UBND huyện Thanh Trì xét duyệt cho mua đất tái định cư.
Đơn cử như trường hợp của ông Nguyễn V. Q. (xin giấu tên), thôn Cổ Điển A, xã Tứ Hiệp nhận tặng cho từ bố đẻ. Phần đất ông Q. nhận tặng cho cũng không có giấy tờ về quyền sử dụng đất theo quy định pháp luật nhưng ông Q. vẫn đủ điều kiện được mua đất tái định cư.
Một trường hợp khác, ông Phùng M. H. (xin giấu tên), Ông H. được anh vợ tặng cho nhưng thửa đất đó vừa không có giấy tờ về quyền sử dụng đất theo quy định pháp luật, vừa không có văn bản tặng cho (bản chất là tặng cho bằng miệng – PV). Tại Văn bản số 136/BC-UBND ngày 24/5/2017, UBND xã Tứ Hiệp xác định hộ ông H. chưa xây dựng công trình nhà ở khuôn viên riêng biệt, chưa có lối đi riêng (theo quy định thì những hộ này không đủ điều kiện để được mua đất tái định cư – PV). Ấy thế không hiểu vì sao, sau cùng ông H. vẫn đủ điều kiện và được mua đất tái định cư một cách khó hiểu?
Áp dụng luật có tùy hứng?
Nhằm phản ánh khách quan những thông tin trên, PV Báo Tài nguyên và Môi trường đã có buổi làm việc với ông Trương Hồng Quân, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Quỹ đất huyện Thanh Trì cùng một số chuyên viên của trung tâm. Tại buổi làm việc, ông Quân cho biết: “Ông Nguyễn Mạnh Thắng cùng nhiều hộ dân khác đều không đủ điều kiện để được nhà nước bồi thường về đất ở vì đó là đất lấn chiếm. Tuy nhiên, vì người dân không còn chỗ ở nào khác nên nhà nước tạo điều kiện cho họ mua 1 suất tái định cư với giá ưu đãi. Sau khi chúng tôi kiểm tra, rà soát hồ sơ thì phát hiện ông Thắng không đủ điều kiện vì phần đất ông Thắng nhận tặng cho từ bố mẹ không có giấy tờ hợp pháp”.
Tuy nhiên, khi phóng viên đề cập đến các trường hợp khác tương tự như ông Nguyễn Mạnh Thắng nhưng vẫn được mua đất tái định cư thì ông Nguyễn Danh Toại, chuyên viên Trung tâm này giải thích: “Đất ông Thắng nhận tặng cho năm 2010 khi chưa đủ 18 tuổi, còn ông Nguyễn V. Q. nhận tặng cho trước năm 2008. Riêng ông Phùng M. H. mặc dù không có văn bản tặng cho nhưng đã được chính quyền xã xác nhận nên ông Q. và ông H. đủ điều kiện để được mua đất tái định cư”.
Phóng viên tiếp tục hỏi: Tại sao trường hợp nhận tặng cho đất vi phạm pháp luật trước năm 2008 thì huyện Thanh Trì xem xét cho mua đất tái định cư, còn trường hợp nhận tặng cho đất vi phạm pháp luật sau 2008 thì lại không xem xét? Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Danh Toại cho biết: “Chúng tôi căn cứ vào khoản 1, Điều 82, Nghị định 43/2014/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 54, Điều 2, Nghị định 01/2017/NĐ-CP”.
Khi phóng viên đặt nghi vấn vì điều khoản trên không áp dụng đối với trường hợp chuyển nhượng đất vi phạm pháp luật thì ông Nguyễn Danh Toại nói: “Chúng tôi được Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện hướng dẫn thực hiện theo quy định như vậy”. Ông Toại cũng hướng dẫn phóng viên liên hệ với Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện để tìm hiểu sâu hơn.
Nói thêm về thông tin ông Phùng M. H. được mua đất tái định cư khi không đủ điều kiện, ông Toại cho biết: “Chúng tôi cũng chỉ tiếp nhận lại hồ sơ từ Ban giao thông của huyện. Hồ sơ như thế nào chúng tôi làm thế đó. Theo xác nhận của xã Tứ Hiệp vào tháng 3/2017 thì ông H. có nhà và lối đi riêng biệt nên đủ điều kiện mua đất tái định cư”.
Tuy nhiên, khi phóng viên cung cấp báo cáo của xã Tứ Hiệp vào tháng 5/2017 khẳng định, hộ ông Phùng M. H. chưa xây dựng công trình nhà ở khuôn viên riêng biệt, chưa có lối đi riêng thì không cán bộ nào của Trung tâm Phát triển Quỹ đất huyện Thanh Trì giải thích được.
Trước những dấu hiệu khuất tất, thiếu minh bạch trong công tác hỗ trợ, bồi thường giải phóng mặt bằng Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A đoạn Văn Điển – Ngọc Hồi, đề nghị UBND TP. Hà Nội chỉ đạo các cơ quan chuyên môn vào cuộc kiểm tra, làm rõ, xử lý cá nhân và tổ chức để xảy ra sai phạm trên.
Báo TN&MT sẽ tiếp tục thông tin.