WWF - Việt Nam làm việc với tỉnh Thừa Thiên- Huế về chiến lược quốc gia ứng phó BĐKH và tăng trưởng xanh
(TN&MT) - WWF - Việt Nam và UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế vừa có buổi làm việc về chiến lược quốc gia ứng phó biến đổi khí hậu (BĐKH) và tăng trưởng xanh.
Tại buổi làm việc, đại diện Đoàn WWF - Việt Nam đã trình bày về chương trình thành phố xanh quốc tế (OPCC). OPCC là chương trình do WWF tổ chức nhằm động viên và phổ biến các hành động ứng phó với BĐKH cho các tỉnh/thành trên khắp thế giới. Trước đây được gọi là Thành phố Giờ Trái đất (EHCC), OPCC công nhận và tôn vinh các tỉnh/thành ứng phó hiệu quả với BĐKH.
Khi tham gia về chương trình thành phố xanh quốc tế, các tỉnh/thành phố được tham gia mạng lưới OPCC quốc tế. Được kiểm kê phát thải KNK do WWF thực hiện. Cơ hội kết nối và tham gia các chương trình của WWF ở địa phương như BĐKH, rác thải nhựa, năng lượng tái tạo, lâm nghiệp,… Được sự quan tâm từ truyền thông quốc tế và tiếp cận được các nguồn tài trợ quốc tế về BĐKH. Có cơ sở dữ liệu để tham gia các chương trình quốc tế khác: GCoM, Cities Race to Zero, Nhóm C40,… Kể từ năm 2015, WWF đã hỗ trợ cho một số thành phố Việt Nam tham gia OPCC. Trong năm 2015-2016, Huế là thành phố đầu tiên. Năm 2016, Huế được công nhận là TP xanh của Việt Nam và lọt vào danh sách 18 TP trên thế giới cho danh hiệu Quán quân Toàn cầu OPCC 2016.
Đại diện Đoàn WWF - Việt Nam đã trình bày các nội dung về kế hoạch Hành động quốc gia về Tăng trưởng Xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, chiến lược quốc gia về BĐKH giai đoạn đến năm 2050, chương trình khí hậu và năng lượng. Xây dựng lộ trình hiện thực hóa tăng trưởng xanh gắn với phát triển kinh tế - xã hội với tầm nhìn dài hạn nhằm đạt được mục tiêu PTR0 vào năm 2050. Hoàn thiện các quy chuẩn kỹ thuật, định mức tiêu thụ năng lượng đối với phương tiện giao thông vận tải; quy chuẩn, định mức trong nhập khẩu, sản xuất, đóng mới, chuyển đổi phương tiện sử dụng nhiên liệu sạch và thân thiện với môi trường. Rà soát, điều chỉnh quy hoạch đô thị, xây dựng, thực hiện các chương trình, dự án phát triển đô thị tăng trưởng xanh theo hướng đô thị thông minh bền vững, đô thị phát thải các-bon thấp, chống chịu với BĐKH. Xây dựng, hướng dẫn, triển khai hệ thống đo đạc, báo cáo, thẩm định (MRV), thực hiện kiểm kê và xây dựng cơ sở dữ liệu về kiểm kê khí nhà kính và phát thải các chất ô nhiễm không khí ở cấp tỉnh…
Trao đổi tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương cho biết, Thừa Thiên- Huế là địa phương thường xuyên chịu ảnh hưởng và tác động của các hình thái thời tiết. Trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội, Thừa Thiên Huế luôn xác định các mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển xanh, bền vững. Đồng thời, chú trọng công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong việc ứng phó BĐKH. Đặc biệt, việc thực hiện phong trào “Ngày Chủ Nhật xanh” đã lan tỏa trong cộng đồng, góp phần chung tay bảo vệ môi trường, làm cho môi trường thêm sáng - xanh - sạch - đẹp.
Trước tình hình BĐKH ngày càng gay gắt như hiện nay, quan điểm của tỉnh luôn chủ động ứng phó, tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế - xã hội phải trên cơ sở quản lý tổng hợp và thống nhất, vừa đáp ứng yêu cầu trước mắt, vừa bảo đảm lợi ích lâu dài, toàn diện, vừa phải có trọng tâm, trọng điểm. Đồng thời, phát huy mọi nguồn lực nhằm đảm bảo mục tiêu hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ tài nguyên môi trường; xây dựng phát triển bền vững, thích ứng với BĐKH và tăng trưởng xanh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Đoàn WWF - Việt Nam để triển khai các nội dung công việc cụ thể, có kế hoạch chi tiết để đảm bảo các trình tự, thủ tục trong xây dựng chương trình thành phố xanh và ứng phó BĐKH.