Tăng khả năng phục hồi cơ sở hạ tầng năng lượng
Theo ông Petteri Taalas - Tổng Thư ký Tổ chức Khí tượng thế giới, việc sử dụng năng lượng chịu trách nhiệm cho khoảng 75% lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu, chuyển sang sản xuất năng lượng sạch hơn và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng là điều quan trọng nếu chúng ta muốn phát triển mạnh trong thế kỷ 21. Ông cho rằng, các nước sẽ chỉ đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 khi tăng gấp đôi nguồn cung cấp điện phát thải thấp trong vòng 8 năm tới.
WMO cho biết, để hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu đang tác động tiêu cực đến an ninh năng lượng, lượng điện khai thác từ các nguồn năng lượng sạch phải tăng gấp đôi trong vòng 8 năm tới.
Tiếp cận với thông tin và dịch vụ về thời tiết, nước và khí hậu đáng tin cậy sẽ ngày càng quan trọng để tăng cường khả năng phục hồi của cơ sở hạ tầng năng lượng trong bối cảnh khả năng phục hồi này đã tăng 30% trong 10 năm qua.
“Thời gian không dừng lại và khí hậu đang thay đổi trước mắt chúng ta”, người đứng đầu WMO cho biết khi ông kêu gọi chuyển đổi hoàn toàn hệ thống năng lượng toàn cầu.
Báo cáo tập trung vào năng lượng - một yếu tố quan trọng để hiện thực hóa các thỏa thuận quốc tế về phát triển bền vững, biến đổi khí hậu và “sức khỏe” của Trái đất.
Biến đổi khí hậu ảnh hưởng trực tiếp đến việc cung cấp nhiên liệu, sản xuất năng lượng và khả năng phục hồi của cơ sở hạ tầng năng lượng hiện tại và tương lai. Các đợt nắng nóng và hạn hán đang gây áp lực lên việc sản xuất năng lượng hiện tại, khiến việc giảm phát thải nhiên liệu hóa thạch và làm rõ các tác động ngày càng khắc nghiệt của hiện tượng thời tiết, nước và khí hậu càng trở nên quan trọng hơn.
Trong bối cảnh đó, việc chuyển đổi sang năng lượng tái tạo sẽ giúp giảm bớt căng thẳng ngày càng tăng đối với việc cung cấp nước, vì lượng nước được sử dụng để tạo ra điện bằng năng lượng mặt trời và gió thấp hơn nhiều so với các nhà máy điện truyền thống khác, sử dụng nhiên liệu hóa thạch hoặc hạt nhân.
Thúc đẩy đầu tư cho năng lượng tái tạo
Mặc dù việc chuyển đổi sang năng lượng tái tạo mang lại nhiều lợi ích, nhưng chỉ 40% kế hoạch hành động khí hậu do các chính phủ trình lên Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) ưu tiên thích ứng trong lĩnh vực năng lượng và mức đầu tư tương ứng còn thấp.
Hơn nữa, WMO cho biết, các cam kết năng lượng tái tạo hiện tại của các quốc gia đang thiếu hụt so với những gì cần thiết để đạt được mục tiêu tiếp cận phổ cập năng lượng giá cả phải chăng, đáng tin cậy, bền vững và hiện đại vào năm 2030.
Vào năm 2020, 87% điện năng trên thế giới được sản xuất bởi các hệ thống nhiệt điện, hạt nhân hoặc thủy điện phụ thuộc trực tiếp vào nguồn nước sẵn có. Tuy nhiên, 33% các nhà máy nhiệt điện phụ thuộc vào nguồn nước ngọt sẵn có để làm mát, khoảng 11% hoạt động thủy điện và khoảng 26% đập thủy điện nằm ở các khu vực chịu áp lực về nước cao.
Thực tế, các nhà máy điện hạt nhân phụ thuộc vào nguồn nước để làm mát, các nhà máy này cũng thường nằm ở các vùng đất thấp ven biển và do đó, chịu ảnh hưởng của mực nước biển dâng và lũ lụt.
Báo cáo kết luận, để đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, khoản đầu tư vào năng lượng tái tạo phải tăng gấp 3 lần. Tuy nhiên, dòng tài chính công quốc tế đổ vào các nước đang phát triển để hỗ trợ năng lượng sạch lại giảm. Năm 2019 là năm thứ hai liên tiếp khoản đầu tư này giảm xuống còn 10,9 tỷ USD - thấp hơn 23% so với 14,2 tỷ USD vào năm 2018 và chưa bằng 50% so với mức đỉnh 24,7 tỷ USD trong năm 2017.
Đáng chú ý, châu Phi đang phải đối mặt với những tác động nghiêm trọng từ biến đổi khí hậu. WMO cho biết, để đáp ứng các mục tiêu về năng lượng và khí hậu, ngoài tăng cường khả năng thích ứng, đầu tư vào năng lượng phải tăng gấp đôi trong thập kỷ này. Theo báo cáo, hiện cần chi 25 tỷ USD hằng năm, tương đương 1% tổng đầu tư năng lượng toàn cầu.
Châu Phi nhận được 60% nguồn tài nguyên tốt nhất trên hành tinh về ánh nắng mặt trời và các nước châu Phi có cơ hội tận dụng tiềm năng chưa được khai thác đó, mang lại lợi thế về thị trường năng lượng trong tương lai.