Vượt khó khăn phát triển sản xuất, kinh doanh: Hiệp hội Doanh nghiệp Tuyên Quang mong điều gì

Quan Hưng| 20/05/2021 09:18

(TN&MT) - Trên quan điểm: Doanh nghiệp phát tài, đất nước phát triển, Doanh nghiệp phát tài, Tuyên Quang phát triển, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Tuyên Quang mong muốn các cơ quan chức năng đẩy nhanh việc thực thi chính sách của Nhà nước về hỗ trợ SXKD nói chung, hỗ trợ DN nói riêng để giữ ổn định hoạt động SXKD, duy trì hoạt động của DN, đảm bảo đời sống cho công nhân và người lao động trong giai đoạn khó khăn do dịch Covid- 19 gây ra

Theo thông tin từ Sở Y tế Tuyên Quang, tính đến nay, toàn tỉnh có 6 ca dương tính với Covid-19, trong đó có 5 ca được phát hiện và điều trị tại Bắc Giang (5 trường hợp này về tỉnh trong dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5); 1 trường hợp phát hiện tại Tuyên Quang, hiện đang điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương. Từ 29-4 đến 19-5, qua rà soát, truy vết, toàn tỉnh đã có 49 F1, 207 F2 và 75F3.

Cán bộ Trung tâm Y tế thực hiện phun thuốc khử khuẩn trên địa bàn 

Hiện tình hình dịch bệnh tại Tuyên Quang cơ bản đã được kiểm soát. Tuy nhiên, dịch trên cả nước đang diễn biến hết sức phức tạp đòi hỏi Tuyên Quang luôn phải nâng cao cảnh giác, đảm bảo an toàn. Vì vậy, hệ lụy từ sự tác động của những đợt dịch trước để lại cùng với điều kiện đảm bảo phòng chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh hiện tại chắc chắn có ảnh hưởng nhất định tới mọi hoạt động trong đó có hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) và các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn.

Trước những khó khăn do tác động của dịch Covid-19, năm 2020 và 4 tháng đầu năm 2021, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã bị ảnh hưởng không nhỏ cả SXKD nội lực và ảnh hưởng từ chuỗi hoạt động SXKD liên kết. Với hoạt động SXKD có yếu tố liên quan thị trường xuất nhập khẩu, nhiều DN phải đối mặt với tình trạng bị cắt giảm đơn hàng, hủy đơn hàng. Một số nước tạm ngừng không cho phép nhập khẩu hàng hóa,một số  đối tác nước ngoài ngưng giao dịch, buôn bán, hoặc DN không liên lạc được với khách hàng…

Trong khi đó, với các doanh nghiệp có hàng tiêu thụ trong nước, tình hình dịch bệnh đã kéo theo sự đi lại của người dân giảm, nhiều địa phương phong tỏa, giãn cách hoặc giãn cách xã hội một phần, mức tiêu thụ hàng hóa cũng yếu hơn. Nhiều hoạt động SXKD, dịch vụ của doanh nghiệp bị gián đoạn, ngưng trệ, thậm chí dừng hoạt động, dẫn tới giảm doanh thu cũng như vấp phải những rủi ro về thu hồi nợ, mất khả năng thanh toán. Nhiều doanh nghiệpdịch vụ du lịch, nhà hàng ăn uống đóng cửa, người lao động phải nghỉ việc hoặc giảm sút thu nhập.

Từ đầu năm 2021 đến nay, cũng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất dẫn đến khan hiếm nguồn vật liệu sản xuất, các loại vật liệu chính đều tăng giá, đặc biệt là giá các loại thép và các sản phẩm được làm từ thép tăng khoảng 30% - 50%...

Khó khăn là điều có thể dự đoán trước, do vậy trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang hiện nay, các doanh nghiệp hiện đều xác định phải tìm phương cách tồn tại, giữ ổn định chất lượng sản phẩm để có được đơn hàng sản xuất, duy trì việc làm cho người lao động chờ tình hình trở lại ổn định.

Trước tác động của đại dịch Covid-19 ảnh hưởng tới hoạt động SXKD, thời gian qua, hàng loạt chính sách đã và đang được Nhà nước và các cơ quan, ban ngành triển khai nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trên cả nước nói chung và trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang nói riêng.

Thứ nhất, về chi phí điện phục vụ sản xuất, Công văn 2698/BCT-ĐTĐL của Bộ Công thương ngày 16/4/2020 quyết định: Giảm 10% giá bán lẻ điện cho các ngành sản xuất và kinh doanh.

Thứ hai, về hỗ trợ vốn: Chỉ thị 11/CT-TTg ngày 4/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ đã đặt ra các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng cân đối, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ vay vốn, nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay của khách hàng; kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí... đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19

Thứ ba, về hỗ trợ thuế: Tổng cục Thuế đã có Công văn 897/TCT-QLN ngày 3/3/2020 về gia hạn nộp thuế, miễn tiền chậm nộp do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Tiếp đó, Chính phủ ban hành Nghị định 41/2020/NĐ-CP về gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất,  áp dụng đối với:  Doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân hoạt động sản xuất trong một số ngành kinh tế.

Thứ tư, về BHXH và quỹ hưu trí, tử tuất: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có Công văn 1511/LĐTBXH-BHXH hướng dẫn việc tạm dừng đóng BHXH và đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất.

Thứ năm, về kinh phí công đoàn: Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam ban hành Công văn 245/TLĐ ngày 18/3/2020 về việc lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Thứ sáu, miễn, giảm lãi, phí theo quy định nội bộ của tổ chức tín dụng: Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Thứ bảy, về hỗ trợ khó khăn tài chính:  Nghị quyết 42/NQ-CP ngày 9/4/220 của Chính phủ đã ban hành về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.  Trong đó quy định: Người sử dụng lao động có khó khăn về tài chính và đã trả trước tối thiểu 50% lương ngừng việc cho người lao động theo Khoản 3, Điều 98 Bộ Luật Lao động, trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2020 thì được vay không có tài sản đảm bảo tối đa 50% tiền lương tối thiểu vùng đối với từng người lao động theo thời gian trả lương thực tế nhưng không quá 3 tháng với lãi suất 0%, thời hạn vay tối đa 12 tháng tại Ngân hàng Chính sách xã hội để trả phần lương còn lại và giải ngân trực tiếp hàng tháng đến người bị ngừng việc.

Về phía DN, thay mặt Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Tuyên Quang, ông Nguyễn Hữu Thập, Ủy viên Ban Chấp hành VCCI, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh và Hiệp hội DNNVV Tuyên Quang cho biết: “Việc Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan ban hành các chính sách hỗ trợ khó khăn do đại dịch Covid-19 là nguồn cổ vũ, động viên tinh thần đối với cộng đồng DN nói chung, DNTQ nói riêng. Bên cạnh những nỗ lực, tiếp tục “sống chung” với dịch để vượt qua khó khăn của DN, các giải pháp hỗ trợ từ Chính phủ và các Bộ, ngành, cơ quan chức năng của địa phương là rất quan trọng, giúp DN duy trì hoạt động SXKD, trước mắt đảm bảo đời sống của người lao động”.

Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Tuyên Quang có nhiều đóng góp vào ổn định và nâng cao đời sống cho nhân dân nói chung và đồng bào nghèo nói riêng trên địa bàn tỉnh. (Trong ảnh: Chủ tịch Hiệp hội Nguyễn Hữu Thập và các đồng chí lãnh đạo huyện Hàm Yên, Đảng ủy khối Danh nghiệp tỉnh trao quà cho đồng bào nghèo, năm 2018)

Tuy nhiên, cùng với những chính sách ưu đãi, hỗ trợ ưu việt đó, theo ông Nguyễn Hữu Thập, một thực tế đã và đang diễn ra đó là đến nay một số DN (trong đó có DN trên địa bàn Tuyên Quang) chưa nhận được gói hỗ trợ Covid-19 lần 1 của Chính phủ, do không đáp ứng đủ điều kiện về thủ tục hoặc gặp phải những rào cản thủ tục phức tạp.

Hiện nay, trên cả nước, hoạt động sản xuất vừa mới ổn định lại được một thời gian ngắn, phần lớn DN chưa khắc phục hết khó khăn gặp phải trong thời gian trước đó, nay lại tiếp tục bị ảnh hưởng trước sự trở lại của dịch Covid-19 với tác động mạnh, nhanh và nguy hiểm hơn trong khi vẫn phải chịu áp lực về đảm bảo tiền lương, bảo hiểm xã hội; tiền lãi vay ngân hàng và các chi phí đầu vào khác tăng, như: điện, nước, nguyên liệu, thuê kho, nhà xưởng...

Trên quan điểm: Doanh nghiệp phát tài, đất nước phát triển, “Doanh nghiệp phát tài, Tuyên Quang phát triển”, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Tuyên Quang mong muốn các cơ quan chức năng đẩy nhanh việc thực thi chính sách của Nhà nước về hỗ trợ SXKD nói chung, hỗ trợ DN nói riêng, nhất là các vấn đề về thủ tục hành chính để giữ ổn định hoạt động SXKD, duy trì hoạt động của DN, đảm bảo đời sống cho công nhân và người lao động trong giai đoạn khó khăn do dịch Covid- 19 gây ra; từ đó giúp DN có điểm tựa vững vàng, có động lực vượt qua khó khăn, thúc đẩy hoạt động SXKD, tạo ra các giá trị kinh tế, đóng góp được nhiều hơn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và tỉnh Tuyên Quang nói riêng.

Một số kiến nghị của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Tuyên Quang để gói hỗ trợ lần 2 của Chính phủ đi vào cuộc sống

Đề nghị Thủ tướng chỉ đạo rà soát các chính sách đã ban hành trong gói hỗ trợ lần 1 để điều chỉnh, giảm tải các quy định, điều kiện, thủ tục còn rườm rà, bất hợp lý. Chính phủ cần hướng tới việc củng cố niềm tin và tạo động lực cho doanh nghiệp. Quá trình thực hiện chính sách phải thực sự đặt mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp làm ưu tiên hàng đầu;

Đề nghị các bộ, ngành liên quan cần có những hướng dẫn cụ thể, chi tiết và đầy đủ về các thủ tục, quy trình thực hiện nhận hỗ trợ theo hướng đơn giản, dễ thực hiện đối với các doanh nghiệp;

Đề nghị các cơ quan chức năng cải thiện hệ thống pháp luật và tháo gỡ các nút thắt về thủ tục hành chính để tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh. Trong thực hiện thủ tục hành chính, cần xác định doanh nghiệp đang vướng gì, cần gì để kịp thời điều chỉnh và tháo gỡ;

Đề nghị có các giải pháp mang tính dài hạn như tăng cường đầu tư công, hoàn thiện các công trình hạ tầng, thực hiện các gói kích cầu cần thiết trong giai đoạn nền kinh tế phục hồi;

Đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương thường xuyên đối thoại, trao đổi với cộng đồng DN, góp phần tìm ra được tiếng nói chung trong thúc đẩy hiệu quả thực thi chính sách.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vượt khó khăn phát triển sản xuất, kinh doanh: Hiệp hội Doanh nghiệp Tuyên Quang mong điều gì
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO