(TN&MT) - Từ lâu tỉnh miền núi Lào Cai được mệnh danh là “Vương quốc thảo quả” bởi nơi đây trồng loài cây dược liệu quý này nhiều nhất vùng núi Tây Bắc và cả nước.
Quả cây thảo quả là loại dược liệu quý phục vụ sản xuất thuốc chữa bệnh , đồng thời là nguyên liệu chế biến ra nhiều loại gia vị quý mà dân châu Á rất ưa thích.
Đặc biệt cây thảo quả chỉ trồng được và cho thu hoạch quả ổn định ở dưới tán cây rừng trên độ cao hơn 1.000 mét so với mặt nước biển.
Cây thảo quả trồng dưới tán rừng tự nhiên ở các huyện Bát Xát, Sa Pa, Văn Bàn ... trên độ cao từ 1.000 mét trở lên so với mặt biển. |
Sau khi thu hoạch xong lúa mùa bà con vùng cao Lào Cai bước vào vụ thu hoạch quả thảo quả. |
Thảo quả được sấy khô ngay tại rừng để vận chuyển về nhà hoặc đưa đi tiêu thụ thuận lợi hơn là đưa thảo quả tươi về nhà chế biến. |
Bà con dân tộc Dao đỏ ở xã Dền Sáng, huyện Bát Xát ( Lào Cai) lên rừng thu hoạch thảo quả |
Kiểm tra thảo quả sau khi sấy khô |
Vận chuyển thảo quả đã sấy khô từ trên rừng đưa về gia đình bảo quản hoặc đưa đi thẳng tới nơi mua gom xuất khẩu. |
Tư thương đến tận các gia đình trồng thảo quả để mua từ khi mới ra hoa hoặc đón đường thu mua thảo quả ngay tại cửa rừng. |
Lào Cai hiện nay có hơn 8.000 héc ta cây thảo quả trồng dưới tán rừng già , chủ yếu là rừng Hoàng Liên tập trung ở các huyện Sa Pa, Bát Xát, Văn Bàn. Trong số đó có 7.300 héc ta đang cho thu hoạch và hàng năm xuất bán ra thị trường hơn 1.000 tấn thảo quả khô mang về cho bà con nông dân vùng cao Lào Cai hàng trăm tỷ đồng.
Nhiều hộ nông dân vùng cao Lào Cai đã thoát cảnh đói nghèo từ trồng cây thảo quả dưới tán rừng và không ít gia đình người dân tộc Mông, Dao, Hà Nhì ... mỗi năm thu hàng trăm triệu đồng tới hàng tỷ đồng từ thảo quả.
Mấy năm gần đây Trung tâm khuyến nông tỉnh Lào Cai phối hợp với các huyện có nhiều diện tích thảo quả phổ biến kinh nghiệm thu hoạch thảo quả già và phương pháp sấy khô mới nên đã góp phần tăng thêm từ 15 – 20 % sản lượng so với thu hoạch quả còn non cùng với kiểu sấy cũ tốn củi nhiều hơn.
Bài & ảnh: Phạm Ngọc Triển