Doanh nghiệp - doanh nhân

Vướng mắc khi đưa LNG ra thị trường 

PV 24/07/2023 - 16:49

Chuyến tàu LNG đầu tiên đã cập cảng Việt Nam và trở thành dấu ấn quan trọng nhất trong lộ trình chuyển đổi năng lượng xanh của PV GAS. Thời gian tới, để đưa nguồn năng lượng mới này ra thị trường, hiện thực hóa mục tiêu LNG trong chiến lược năng lượng của quốc gia, PV gas với vai trò là người tiên phong mở đường sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức khó khăn.

Hành trình đưa LNG về Việt Nam

Với những lợi thế quan trọng của LNG mang lại trong hiệu quả kinh tế và khả năng giảm thiểu tác động tiêu cực lên môi trường, LNG là nguồn năng lượng cho sản xuất điện, làm ấm và phục vụ công nghiệp hàng đầu ở các quốc gia phát triển.

TS. Mai Duy Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Sạch Việt Nam nhận định, nhờ vào đặc tính sạch, hiệu suất cao, tiết kiệm tài nguyên, độ linh hoạt và khả năng đáp ứng nhu cầu tăng cao, khí thiên nhiên lỏng LNG đã trở thành lựa chọn hàng đầu để giải quyết bài toán năng lượng và môi trường. Trong bối cảnh nguồn khí trong nước đang suy giảm mạnh thì việc nhập khẩu LNG là hướng đi đúng đắn để bổ sung kịp thời lượng khí thiếu hụt trong cơ cấu năng lượng quốc gia.

01.jpg
Kho cảng LNG Thị Vải

Nhận thức rõ những điều này, từ năm 2009, PV GAS đã ấp ủ và sau đó xây dựng hạ tầng để nhập khẩu LNG bằng công trình kho LNG Thị Vải có công suất giai đoạn đầu là 1 triệu tấn/năm, dự kiến sẽ mở rộng lên 3 triệu tấn/năm. Đây là kho LNG đầu tiên tại Việt Nam đang đi vào giai đoạn chạy thử để sẵn sàng vận hành thương mại. Tổng công ty Khí Việt Nam cũng là đơn vị đầu tiên và duy nhất hiện tại đủ điều kiện xuất nhập khẩu LNG theo chứng chỉ của Bộ Công Thương.

02.jpg
Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng và đoàn công tác nghiên cứu hệ thống tiếp nhận LNG trong chuỗi dự án LNG Thị Vải

Quá trình xây dựng kho cảng LNG Thị Vải và chuẩn bị cho hoạt động chạy thử, đội ngũ CBCNV tại PV GAS đã phải vượt qua vô vàn khó khăn, thách thức. Dự án khởi công vào tháng 10/2019 lúc dịch Covid-19 chuẩn bị bùng phát, tạo nên vô số những rào cản trong giai đoạn đầu của quá trình thi công xây dựng như tác động đến công việc thiết kế, mua sắm, khi các nước châu Âu, Mỹ, Đông Á đều đóng cửa hoặc phong tỏa văn phòng, công xưởng, nhà máy, ảnh hưởng đến tiến độ thiết kế và sản xuất, chế tạo vật tư, thiết bị chính của các dự án.

Đặc biệt, khi đại dịch bùng phát mạnh mẽ trong nước đã ảnh hưởng trực tiếp đến công tác thi công, chạy thử khi không thể huy động máy móc, thiết bị và đặc biệt là nhân sự đến công trường. Mặc cho những cản trở của dịch bệnh và giãn cách xã hội, với những nỗ lực của CBCNV PV GAS và nhà thầu Samsung Engineering, vào tháng 7/2022 dự án vẫn hoàn thiện về mặt kỹ thuật.

Tuy nhiên sau đó, các thay đổi về yêu cầu pháp lý của cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến điều chỉnh biên luồng trên sông Thị Vải nên đến tháng 4/2023 mới có quyết định công bố cảng.

Quá trình phục vụ cho hoạt động chạy thử cũng hết sức khó khăn,  đặc biệt nhà cung cấp Shell (một trong những tập đoàn dầu khí lớn và uy tín nhất thế giới) đã đưa ra những tiêu chuẩn rất khắt khe cho một địa điểm kho cảng LNG hoàn toàn mới trên bản đồ LNG thế giới. Nhưng vượt qua tất cả những thách thức này, PV GAS đã mua hàng thành công và vừa qua ngày 10/7, PV GAS đã đón chuyến hàng 70.000 tấn LNG đầu tiên từ tàu Maran Gas Achilles nhập vào kho cảng Thị Vải, bắt đầu cho hành trình chạy thử dự kiến hoàn thành sau 25 ngày sau đó.

03.jpg
Kho LNG Thị Vải vừa tiếp nhận thành công chuyến tàu đầu tiên

Cần sớm có cơ chế đưa LNG ra thị trường

Việt Nam đã có những chính sách định hướng chiến lược có ý nghĩa quan trọng, thúc đẩy sử dụng khí LNG như một nguồn năng lượng sạch và hiệu quả. Nghị quyết 55/NQ-BCT của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược Phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhấn mạnh yêu cầu phát triển công nghiệp khí, ưu tiên đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ nhập khẩu và tiêu thụ khí tự nhiên hóa lỏng (LNG). Mục tiêu đưa ra là đủ năng lực nhập khẩu khí LNG khoảng 8 tỷ m3 vào năm 2030 và 15 tỷ m3 vào năm 2045.

Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII) cũng đã được Chính phủ thông qua mới đây cũng đã định hướng phát triển các dự án nhà máy điện dùng nhiên liệu truyền thống chuyển sang sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) với quy mô rất lớn từ 0% năm 2020 lên xấp xỉ 22.400 MW năm 2030, chiếm gần 14,9% tổng quy mô nguồn năm 2030.

Việc tiếp nhận thành công chuyến tàu LNG đầu tiên về Việt Nam của PV GAS vào đầu tháng 7 vừa qua có thể nói là một bước mở đầu để hiện thực hóa chiến lược về phát triển ngành công nghiệp LNG tại Việt Nam, cũng như cho các mục tiêu về chuyển dịch và xanh hóa nguồn năng lượng quốc gia. Tuy nhiên, để đưa được nguồn năng lượng mới này ra thị trường đang còn nhiều vướng mắc, trong đó việc hình thành các cơ cơ chế chính sách đóng vai trò quyết định vì không có cơ chế thì không thể có đường hướng để các công tác tiếp theo có thể triển khai.

04.jpg
Tổng Giám đốc PV GAS Phạm Văn Phong chia sẻ các thông tin về dự án Kho LNG Thị Vải và hành trình sắp tới của PV GAS trong lĩnh vực LNG

LNG không còn xa lạ trên thế giới nhưng với Việt Nam thì là một câu chuyện rất mới, chúng ta đi sau thế giới đâu đó khoảng hơn 60 năm. Với bất cứ một quốc gia nào quá trình đưa một dạng năng lượng mới vào luôn cần có thêm cơ chế chính sách. Hiện tại, chúng ta chưa có những cơ chế, quy định cho việc định giá và tiêu thụ khối lượng LNG nhập khẩu của các nhà máy điện trong nước. LNG là 1 nhiên liệu đốt phục vụ sản xuất điện và giá điện được nhà nước điều tiết nên giá LNG sẽ phải tham chiếu theo những quy định cơ quan quản lý ban hành, đây cũng là thông lệ của tất cả các quốc gia phát triển trên thế giới.

Tổng Giám đốc PV GAS Phạm Văn Phong chia sẻ, LNG là sản phẩm mới và khá là xa lạ ở Việt Nam, nên với vai trò là người đi tiên phong, PV GAS đã gặp rất nhiều các khó khăn và trở ngại trong việc đưa LNG về Việt Nam và cũng sẽ khó khăn tương tự như thế trong việc đưa LNG ra thị trường bởi hiện nay các cơ chế chính sách cho việc tiêu thụ chưa xây dựng xong.

Trong quy hoạch điện VIII, đặt mục tiêu đến năm 2030 điện khí sẽ chiếm khoảng 28% tổng nguồn phát điện trong cả nước, để đạt được mục tiêu này thì chắc chắn phải tập trung và phải sớm xây dựng các cơ chế chính sách, đặc biệt là các cơ chế để đảm bảo LNG có thể là một nguồn nhiên liệu bổ sung để phát điện.

Với vai trò và trách nhiệm của mình, PV GAS đã và đang tham gia tích cực cùng với các bộ ban ngành liên quan trong việc xây dựng các cơ chế chính sách. Chúng tôi cũng cung cấp rất nhiều các thông tin, tài liệu về các cơ chế chính sách mà các quốc gia trên thế giới đang áp dụng cho LNG. Hy vọng trong thời gian ngắn sắp tới chúng ta sẽ xây dựng được khung pháp lý cả về mặt kỹ thuật, cũng như về mặt cơ chế chính sách để cho ngành công nghiệp LNG có thể phát triển được

Tổng Giám đốc PV GAS Phạm Văn Phong

Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng nhận định, hiện nay nguồn cung năng lượng của Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào trữ lượng và khả năng khai thác trong nước. Nếu như chúng ta không đảm bảo nguồn cung sơ cấp trong nước cũng như đa dạng hóa các nguồn cung khác thì rất khó bảo đảm an ninh năng lượng. Vì vậy, các dự án nhập khẩu khí LNG là phương án khả thi trong giai đoạn tới, điển hình trước mắt là Dự án Kho chứa LNG Thị Vải. Đây là công trình mang tính tiên phong của ngành Dầu khí, được Tập đoàn phôi thai từ rất nhiều năm về trước, trải ra nhiều giai đoạn xây dựng cơ chế chính sách, nay đã hoàn thành.
Song hành với việc nguồn LNG đã về được đến Việt Nam, mong rằng những cơ chế chính sách cho loại hình năng lượng này cũng sớm được hoàn thiện để đưa nguồn năng lượng mới ra thị trường phục vụ cho đời sống và sản xuất, thúc đẩy ngành công nghiệp sử dụng LNG tại Việt Nam phát triển vì mục tiêu an ninh năng lượng cũng như chuyển đổi năng lượng của quốc gia.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vướng mắc khi đưa LNG ra thị trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO