Cũng là những giống mai như xuân, hồng diệp, bạch mai… như những nhà vườn lân cận khác nhưng vườn của ông Trúc được nhiều người chú ý hơn cả. Bởi, ngoài có tuổi thọ cao từ 40 – 70 năm tuổi, những cây mai của ông Trúc nổi bật với những thế dáng “có một không hai”.
Lão nông Trương Văn Trúc người được gọi là“đệ nhất danh hoa” xứ Quảng |
Những gốc mai “phu thê” có chung một gốc nhưng mọc chia thành hai nhánh, các cành lại mọc quấn lấy nhau tạo nên hình dáng đặc biệt tượng trưng cho tình cảm vợ chồng gắn bó thủy chung; hay cây mai “huynh đệ” cũng có chung một gốc nhưng mọc thành hai nhánh to nhỏ riêng biệt, khẳng khái như tình anh em, hay là cây mai “thiên tạo”, có tuổi đời hơn 50 năm, phát triển hoàn toàn tự nhiên, không uốn nắn cắt tỉa nhưng cây vẫn cho thế dáng vô độc đáo… đã gây tiếng vang gần xa trong giới chơi cây cảnh
Để có được “vườn mai bạc tỷ” này ông Trương Văn Trúc đã dành gần 20 năm sưu tập, chăm sóc tận tụy, đòi hỏi sự kiên nhẫn, tỉ mỉ cao. Và đó là những cây mai "vô giá", chỉ những ai thật sự thích và đam mê mới có thể gắn bó với nó.
Vườn của ông Trúc có nhiều cây mai dáng đẹp, đặc sắc như mai “huynh đệ”, “thiên tạo” |
Chia sẻ với chúng tôi, lão nông Trương Văn Trúc kể, trước đây, ông từng là một ông chủ sửa chữa và đóng mới tàu thuyền có tiếng ở Đà Nẵng. Nhưng vốn rất mê hoa mai, ngoài thời gian đục, đẽo, tiện hàn tàu thuyền, ông Trúc lấy đam mê sưu tầm hoa mai làm thú vui và giải tỏa căng thẳng.
Đến năm 2000, ông Trúc quyết định bán hết tài sản về quê, đột ngột chuyển hướng sang trồng mai vàng. Theo lời ông Trúc, đầu năm 2010, vì cho rằng đã nắm chắc các kiến thức cơ bản sau thời gian dài nghiên cứu nên ông tự tin thu mua các cây mai mọc tự nhiên ở nhà dân khắp nơi trên địa bàn tỉnh về chăm trồng. Nhưng kinh nghiệm thực tế chưa có, hàng loạt cây bị chết, số còn lại, vừa không có thế dáng đẹp lại không cho hoa đúng độ nên ông thất bại nặng nề.
Không nản chí, ông đi đến nhiều nhà vườn học hỏi kinh nghiệm, kết hợp với việc mời các nghệ nhân có tiếng trong vùng về để họ chỉ bày tận tay các bước chăm sóc cũng như uốn nắn, cải tạo dáng mai sao cho đẹp mắt. Nhờ kiên trì cộng với chút hoa tay còn sót lại của người thợ đóng tàu, những chậu mai bắt đầu khoe sắc, nở rộ mỗi dịp đến xuân về. Những chậu mai, không chỉ được chăm bẵm, nâng niu như đứa trẻ mới lọt lòng mà còn được ông đặt cho nhiều tên gọi mỹ miều như “phu thê”, “huynh đệ”, “phụ tử”…
Những gốc mai "vô giá" của lão nông xứ Quảng |
Ông Trúc nói: “Những cây mai này, tôi chỉ cho thuê chứ không bán. Tôi xem đây là của để dành và là tri kỷ của mình. Thành ra, tôi không thể định giá!”. Những chậu mai được ông cho thuê với giá cao nhất là 80 triệu/chậu, giá thấp nhất cũng hơn 10 triệu/chậu. Theo ông Trúc, khách thuê chủ yếu từ các cơ quan, công ty, doanh nghiệp ở Quảng Nam và TP.Đà Nẵng.
Cũng theo lời ông Trúc, chăm mai là việc làm thường xuyên và phù hợp từng thời điểm phát triển của cây mai. Tuy nhiên, những ngày trước và sau Tết có ý nghĩa hết sức quan trọng. Nó ảnh hưởng đến quá trình phát triển cây và nở hoa. Do vậy, ngay sau khi các gia đình chưng Tết xong, ông Trúc sẽ đến lấy mai về và tiến hành quá trình chăm sóc.
Ông Trúc bên gốc mai Phu thê |
Giáp tết là dịp vườn mai đón hàng trăm lượt khách đến tham quan, thưởng lãm vẻ đẹp vườn mai bạc tỷ, ông Trúc cũng “bỏ túi” vài trăm triệu đồng từ việc cho thuê mai Tết.