|
Hiện nay, huyện Mai Sơn của tỉnh Sơn La có 10.000 ha trồng cây ăn quả, chủ yếu là xoài và nhãn. Riêng diện tích trồng cam hiện nay của huyện vào khoảng 300 ha, cho sản lượng khoảng 12-15 tấn/năm.
Theo ông Nghiêm Quang Trung, Phó Phòng Nông nghiệp huyện, do diện tích cam mới đầu tư khoảng 3-4 năm nay nên sản lượng chưa cao như các khu vực đã trồng 7-10 năm của các địa phương khác.
300 ha trồng cam của huyện Mai Sơn, Sơn La sắp tới cung cấp nguyên liệu cho Nhà máy chế biến hoa quả tươi và thảo dược Vân Hồ của Tập đoàn TH. |
Ông Nghiêm Quang Trung cũng cho biết, để tạo thuận lợi cho quá trình cung cấp nguyên liệu cho Nhà máy chế biến hoa quả tươi và thảo dược Vân Hồ của Tập đoàn TH, đơn vị sẽ phối hợp với chuyên gia của TH và các hợp tác xã địa phương để thống nhất các yêu cầu chất lượng (ví dụ như tiêu chuẩn VietGAP, độ ngọt, đường kính quả), nhu cầu về khối lượng, phương thức liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm trong thời gian tới.
|
Hiện nay, huyện Mai Sơn đang có 105 hợp tác xã nông nghiệp phát triển cây ăn quả, đây sẽ là những đầu mối chính để phối hợp, tạo thành chuỗi cung ứng nguyên liệu từ hoa quả cho đến dược liệu cho nhà máy chế biến hoa quả tươi và thảo dược Vân Hồ trong tương lai.
|
Ngoài cam, Tập đoàn TH dự kiến triển khai liên kết với nông dân các vùng trồng hoa quả trọng điểm ở Sơn La như các huyện trồng nhãn Sông Mã, Mai Sơn, Yên Châu; huyện Vân Hồ (nơi đặt nhà máy); vùng cam ngon nổi tiếng ở huyện Phù Yên, Yên Châu, Mộc Châu và mở rộng sang Cao Phong, Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình; Vân Hội – Yên Bái.
|
Anh Hoàng Văn Trường, chủ một vườn cam rộng 5 ha với 450 gốc ở Chiềng Ban cho biết, đã sẵn sàng tham gia vào chuỗi cung ứng nguyên liệu cho nhà máy chế biến hoa quả tươi và thảo dược Vân Hồ của Tập đoàn TH trong thời gian tới, đảm bảo canh tác, thu hoạch theo đúng các tiêu chuẩn đề ra từ phía nhà máy.
Nhà máy chế biến hoa quả tươi công suất 300 tấn/ngày chính thức đi vào hoạt động
Nhà máy chế biến hoa quả tươi và thảo dược Vân Hồ (Tập đoàn TH) đang trong giai đoạn hoàn thiện để chuẩn bị đi vào hoạt động từ ngày 20/9 tới. Nhà máy nằm trên xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ, Sơn La cạnh Quốc lộ 6, dễ dàng kết nối với các vùng nguyên liệu cây ăn quả ở Sơn La và Hòa Bình.
Nhà máy chế biến hoa quả tươi và thảo dược Vân Hồ (Tập đoàn TH) đang trong giai đoạn hoàn thiện để chuẩn bị đi vào hoạt động từ ngày 20/9 tới. |
Giai đoạn 1 của nhà máy sẽ kéo dài đến năm 2025 với tổng mức đầu tư 1.200 tỷ đồng, giải quyết cho 15.000 ha vùng cây nguyên liệu, tập trung vào các loại quả như Cam, Nhãn, Xoài, Chanh leo, Sơn tra. Công suất của giai đoạn này dự kiến vào khoảng 300 tấn rau quả mỗi ngày với phương thức hoàn toàn tự nhiên, an toàn, không qua xử lý nhiệt để giữ vẹn nguyên các dưỡng chất tự nhiên của rau quả.
Với công suất 300 tấn rau quả/ngày, Nhà máy chế biến hoa quả tươi và thảo dược Vân Hồ nằm trong tốp các nhà máy chế biến có công suất lớn nhất ở Việt Nam và là nơi đầu tiên sản xuất được nước ép cam và nhãn ở dạng cô đặc bằng công nghệ trích ly chuyên dụng hoàn toàn tự động, thiết bị cô đặc dạng tấm bản tiên tiến, công nghệ chế biến áp suất cao HPP.
Các thiết bị của nhà máy được nhập từ hãng Bertuzzi của Italia, nhà chế tạo thiết bị chế biến hoa quả chuyên dụng hàng đầu thế giới với hơn 85 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực nghiên cứu các đặc tính của trái cây và sản xuất thiết bị chuyên dụng cho chế biến trái cây, đặc biệt là trái cây nhiệt đới.
Giai đoạn 2 của nhà máy sẽ bắt đầu từ sau năm 2025 với tổng mức đầu tư được nâng lên 3.500 tỷ, sẽ giải quyết sản phẩm cho hơn 35.000 ha vùng nguyên liệu trong khu vực. Ở giai đoạn này, nhà máy sẽ đi vào sản xuất nước cam nguyên chất đóng chai, nước nhãn nguyên chất đóng chai, nước chanh leo nguyên chất đóng chai. Các sản phẩm này được đóng vào chai 500ml hoặc 1 lít.
Với công suất 300 tấn rau quả/ngày, Nhà máy chế biến hoa quả tươi và thảo dược Vân Hồ nằm trong tốp các nhà máy chế biến có công suất lớn nhất ở Việt Nam. |
Theo đó, với định hướng liên kết với nông dân thông qua các Hợp tác xã, xây dựng chuỗi sản xuất, tập đoàn TH sẽ hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, sơ chế. Trong mô hình này, Hợp tác xã sẽ như một mắt xích trong chuỗi giá trị sản phẩm do doanh nghiệp dẫn dắt, đưa ra kế hoạch sản xuất, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cũng như yêu cầu về chất lượng sản phẩm.
Không chỉ là phát triển kinh tế, sự xuất hiện tiên phong của một doanh nghiệp lớn và uy tín như Tập đoàn TH ở một huyện 30A, vùng cao, khó khăn của tỉnh vùng biên, sẽ thu hút thêm nhiều doanh nghiệp về đầu tư, góp phần thực hiện bền vững chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước, nâng tầm kinh tế vùng phên dậu, bảo vệ biên cương của Tổ quốc.