Vùng mỏ Nghĩa Kỳ, tại sao người dân địa phương luôn lo sợ?

Hà Anh| 19/06/2020 21:17

(TN&MT) - Xe ô tô chở đất đá lao thục mạng trên tuyến đường liên thôn. Đường bê tông liên thôn bị biến thành đường vận tải. Ba người dân bị đè nghiến dưới bánh xe...

Xe vận tải chở đất, đá biến đường bê tông liên thôn thành đường đất 

Xóm “Bụi”

Thôn An Hội Nam 2, xã Nghĩa Kỳ, TP. Quảng Ngãi nằm trên con đường dẫn vào nghĩa địa tỉnh Quảng Ngãi. Cuộc sống nơi đây vốn buồn, vì ngày nào cũng nghe âm thanh tùng xèng, tiếng kèn đám ma. Nằm ở cuối thôn là Nhà máy xử lý rác Nghĩa Kỳ với 1 núi rác ngập trong tiếng quạ kêu vang trời. Nhiều thứ “phế thải” dồn về đây là đã là… quá đủ. Người dân ở An Hội Nam 2 còn phải “gánh” thêm mối họa, đó là "hung thần" xe tải.

Tại địa phương có hàng loạt mỏ đất được cấp phép, hoặc tự phát, bị khai thác trái phép. Mỏ trại Núi Thiệt của Công ty TNHH Minh Mẫn từng bị chính quyền lập biên bản đình chỉ. Mỏ đất được cấp phép gần đây nhất là mỏ Gò Thủ của Công ty CP đầu tư xây dựng thương mại Trần Gia Hân và đơn vị này vừa hoàn trả mặt bằng vào cuối tháng 5/2020. Mỏ đất trái phép do Công ty TNHH Khánh Văn đào xới ồ ạt, vừa bị báo chí phản ảnh...

Cao điểm nhất của bụi bặm và phức tạp là từ năm 2016, UBND tỉnh Quảng Ngãi cấp giấy phép số 1865/QĐ - UBND, cho phép Công ty TNHH Đại Long khai thác đá trên diện tích 23,40 ha, công suất khai thác 110.000 m3/năm, thời gian khai thác 30 năm (đến năm 2039). Mỏ đất Gò Thủ của Công ty Trần Gia Hân với hàng trăm xe chở đất sét quá tải. Các hoạt động khai thác diễn ra công khai, minh bạch thì mọi thứ còn trở lên dễ chịu. Nhưng do khai thác bừa bãi, chở quá tải, xe xúc trộm “nhập chung đường” xe có phép, đoàn xe này đã né đường chính, cắt qua giữa thôn, biến con đường bê tông dân sinh thành tuyến vận tải lầy lội.

Bà con ở địa phương bị hành hạ bởi bụi. Bụi ở đây còn có một nghĩa khác. Người dân suốt ngày xì xào về sự xuất hiện của các đối tượng lạ mặt xưng là giang hồ. Trong quá trình điều tra vụ việc, đến bất cứ chỗ nào, phóng viên cũng nghe người dân lo sợ và nói “bọn nó tới…”. 

Bà Nguyễn Thị Đỡ là người địa phương cho biết, 2 vợ chồng bà đều bị lái xe HM đòi hành hung. Năm 2019, bà được Công an tỉnh Quảng Ngãi tặng giấy khen đột xuất (QĐ 357) vì tố giác tội phạm; năm 2020, bà được UBND xã Nghĩa Kỳ tặng giấy khen về công tác bảo đảm an ninh trật tự. Nhưng bà Đỡ lại tâm tình, “chưa bao giờ tôi dám treo giấy khen, vì treo thì càng lo bị “nó” để ý, rồi mình khó sống”. 

Tại sao người dân vẫn sống trong nỗi lo sợ? Báo chí vừa phản ảnh các vụ việc khai thác đất chui ở Nghĩa Thắng nên tình hình đã tạm lắng xuống. Phóng viên chứng kiến, xe tuần tra của Cảnh sát giao thông, Công an huyện Tư Nghĩa thỉnh thoảng xuất hiện, Công an xã xuống hiện trường thì xe đất dừng qua đường ngang, nhưng rút về thì xe tiếp tục chạy.

Cái chết đau lòng

Bà Phạm Thị Đang, nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Kỳ sống trong ngôi nhà phủ một lớp bụi dày. Ánh mắt bà đỏ hoe, nỗi buồn vô tận. Ngày 25-10-2019, một chiếc xe chở đất đã cướp đi mạng sống của người cháu của bà. Cháu Lê Ngọc Minh, 4 tuổi, trên đường được mẹ chở đến nhà trẻ Nguồn Sáng và đã bị chiếc xe chở đất cán chết. Dù bị mất người thân, nhưng bà Đang vẫn rụt rè khi nói về nỗi bất bình? “Tại sao bà từng là lãnh đạo xã nhưng lại sợ?”, nghe tôi hỏi, bà chỉ nói vắn tắt là “nói ra thì gặp rắc rối lắm, không nói nổi…”.

Nhiều người dân nói về đoàn xe hung thần: “họ núp lùm, không chạy đường chính, cứ rẽ vô đây, 2 xe chạy ngược chiều là người văng vô bụi”. Nhà người dân ở thôn An Hội Nam 2 phủ một lớp bụi dày, mùa mưa thì bùn láng đầy sân. Con đường bê tông bị biến thành đường ruộng. Một số bà con mang cây ra chặn đường, yêu cầu xe đi đúng đường thì tài xế xe mang lô gô HM lao xuống “nói chuyện” bằng nắm đấm và sau đó có các đối tượng bặm trợn xuất hiện, liên tục điện thoại tuyên bố “cho xe đi, nếu không thì…”.

Đoàn xe hàng trăm chiếc chở quá tải, đất, đá lăn xuống đường. Sau 4 năm, không ai còn nhận ra tuyến đường bê tông. Trước khi xảy ra vụ đâm chết em bé 4 tuổi, ông Huỳnh Đối là người dân địa phương cũng bị xe chở đất đất đá lao thục mạng cán chết. Cả làng đau buồn, khóc lóc. Nhưng mặc cho tiếng tùng xèng đưa đám ma người xấu số, vài ngày sau, đoàn xe vẫn lạnh lùng lao qua xóm nhỏ.

Cái chết khác khiến cả làng phẫn nộ, đó là chị Đinh Thị Chi, SN 1976. Ngôi nhà chị nằm sát mỏ đất, vì vậy mọi thứ trong nhà đều giống như cổ vật ném trong nhà kho nhiều năm. Bụi phủ đầy tủ, bàn thờ, quần áo. Anh Trần Bình Hoa trở thành gà trống nuôi con, hàng ngày ra đồng với chiếc lưng còm, phải gác nghề may mặc. Anh Hoa cho biết, “nghe có đoàn kiểm tra tải trọng, tài xế lùi xe thiệt nhanh để bỏ trốn, vậy là chị bị đè chết”.

Cậu bé Nguyễn Phi Hùng, người con trai của chị Chi là một học sinh có khuôn mặt sáng, đẹp, thành tích học giỏi. Năm học 2015-2016, Hùng đã đạt giải 3 cuộc thi “Vẽ tranh chủ đề bảo vệ môi trường cấp huyện”. Ước mơ về môi trường của cậu bé học sinh lớp 9 bị bóp nghẹt giữa bụi bặm và câu nói của cha cậu “thôi anh đừng quay phim, tôi mà nói ra thì giang hồ nó lại tìm tới nhà”.

Qua trao đổi nội dung trên với Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa, ông Lê Trung Thành cho biết, sẽ chỉ đạo xử lý kiên quyết. Hiện nay, các ngành chức năng của huyện đang tiến hành thanh tra mỏ đá Đại Long.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vùng mỏ Nghĩa Kỳ, tại sao người dân địa phương luôn lo sợ?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO