Vùng cao Lộc Bình khai thác nguồn lực đất đai gắn với giảm nghèo
(TN&MT) - Thời gian qua, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để nâng cao hiệu quả quản lý nguồn lực đất đai, gắn với giảm nghèo bền vững.
Đẩy mạnh bồi thường, hỗ trợ, tái định cư
Lộc Bình có tổng diện tích tự nhiên hơn 98.000ha, 19 xã, 2 thị trấn. Xác định đất đai là nguồn lực quan trọng đóng góp vào sự phát triển KT-XH địa phương, huyện đã tập trung thực hiện tốt công tác quản lý đất đai theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, bảo đảm phát huy được tiềm năng, thế mạnh của huyện.
Xây dựng kế hoạch và chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND các xã, thị trấn tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo Luật đất đai sửa đổi; tổ chức Hội nghị cấp huyện lấy ý kiến nhân dân với hàng trăm người tham dự.
Từ đầu năm đến nay đã ban hành 63 quyết định công nhận quyền sử dụng đất, cấp GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho các hộ gia đình, cá nhân. Đẩy mạnh công tác đăng ký đất đai lần đầu với người sử dụng đất và người được nhà nước giao đất để quản lý.
Phối hợp với Sở TN&MT tổ chức Hội nghị công tác đăng ký đất đai lần đầu với người sử dụng đất và người được nhà nước giao đất để quản lý cho các cơ quan, đơn vị.
Công tác thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng được chú trọng. 6 tháng đầu năm nay, trên địa bàn huyện đã triển khai giải phóng mặt bằng 27 công trình, dự án. Trong đó, có 5 dự án trọng điểm đăng ký với UBND tỉnh và 1 dự án trọng điểm của huyện, gồm: Quần thể khu du lịch sinh thái, cáp treo Mẫu Sơn (khu đỉnh); Công trình cải tạo, nâng cấp đường lên khu du lịch Mẫu Sơn (đoạn km6 + km12); Chốt chiến đấu dân quân thường trực xã Yên Khoái; Công trình: Sửa chữa Hồ Bản Chành, xã Lợi Bác; Dự án Cầu Lộc Bình số 1, đường giao thông và khu tái định cư xã Lục Thôn theo hình thức đối tác công tư (PPP) loại hợp đồng xây dựng – chuyển giao (BT); Dự án Cải tạo nâng cấp Quốc lộ 4B (đoạn Km3+700 đến Km18) tỉnh Lạng Sơn….
Trên cơ sở đó, huyện đã ban hành 21 Quyết định phê duyệt bồi thường, hỗ trợ và tái định cư các công trình, dự án cho 398 hộ gia đình, cá nhân, 2 cộng đồng dân cư và 1 tổ chức với tổng số tiền trên 78 tỷ đồng; 21 Quyết định về việc thu hồi đất do người sử dụng đất tự nguyện trả lại đất.
Công tác giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện các công trình, dự án được thực hiện nghiêm. Qua đó, vừa đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách địa phương, vừa tạo ra nhiều công ăn việc làm ổn định, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển KT-XH của địa phương.
Nâng chất lượng sống cho hộ nghèo
Song song với công tác quản lý đất đai, Lộc Bình cũng đẩy mạnh triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, chương trình phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS, xây dựng NTM.
Theo ông Hoàng Hùng Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Lộc Bình, Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững luôn được cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp quan tâm, kịp thời ban hành đầy đủ các văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện. Huyện đã tập trung kiện toàn Ban Chỉ đạo giảm nghèo từ huyện đến cơ sở phù hợp tình hình thực tiễn địa phương.
Ban Chỉ đạo giảm nghèo các cấp đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền ban hành Chương trình hành động, kế hoạch chuyên đề về giảm nghèo và đưa giảm nghèo là một nội dung, chỉ tiêu quan trọng vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp.
Căn cứ vào chỉ tiêu Nghị quyết về công tác giảm nghèo, cấp ủy, chính quyền các cấp đã tăng cường chỉ đạo, điều hành tập trung, quyết liệt và đạt được nhiều kết quả quan trọng trong công tác giảm nghèo, an sinh xã hội của địa phương mình.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng các chính sách về mục đích ý nghĩa các chương trình mục tiêu quốc gia đến với mọi đối tượng thụ hưởng; chủ động tham gia trong lập kế hoạch, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chương trình.
Triển khai tốt công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, các ngành trong quản lý, tổ chức thực hiện các dự án, tiểu dự án, hoạt động, luôn hướng về cơ sở và người dân thuộc nhóm đối tượng hỗ trợ. UBND huyện thường xuyên kiểm tra, đôn đốc tiến độ thực hiện và giao nhiệm vụ cho các cơ quan tham mưu tổ chức thực hiện.
Kết quả, trong 6 tháng đầu năm 2023, đã tổ chức Hội nghị triển khai các chương trình Mục tiêu quốc gia; họp triển khai, hướng dẫn 7 xã tham gia dự án phát triển mô hình giảm nghèo bền vững năm 2022-2023. Tổ chức Hội nghị tập huấn nâng cao năng lực Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững tại 8 cụm xã, thị trấn với 780 đại biểu tham dự.
Rà soát, phân bổ nguồn vốn triển khai các dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; truyền thông và giảm nghèo về thông tin; nâng cao năng lực giám sát, đánh giá Chương trình…
Mục tiêu hết năm 2023, Lộc Bình giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều từ 3% trở lên. Riêng các xã, thôn có tỷ lệ hộ nghèo cao giảm từ 4% trở lên. Tập trung giảm hộ nghèo tại các xã xây dựng NTM. Cải thiện hệ thống hạ tầng thiết yếu ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn theo tiêu chí NTM.
Đồng thời, nỗ lực hạn chế tái nghèo, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập người dân, nhất là ở các địa bàn nghèo. Tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận tốt nhất các dịch vụ xã hội cơ bản về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt, việc làm, trợ giúp xã hội…
Đến nay, toàn huyện Lộc Bình còn 2.134 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 10%; 1.762 hộ cận nghèo, tỷ lệ 8,26%. Phấn đấu đến năm 2025, Lộc Bình sẽ trở thành huyện phát triển nhanh và bền vững. Giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm theo tiêu chí giai đoạn 2021 - 2025 đạt 3%. Thu nhập bình quân dân cư, bình quân đầu người đạt 60 triệu đồng/năm; 99% dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh; 95% dân cư thành thị được sử dụng nước sạch; 100% chất thải rắn ở đô thị được thu gom, xử lý; 100% chất thải y tế được xử lý; tỷ lệ cấp mới GCNQSDĐ lần đầu đạt 85%...