Vui buồn nghề nhặt ve chai trên cảng cá nhiều năm ô nhiễm

28/04/2019 18:09

(TN&MT)- 5 năm gắn bó với nghề vớt rác, nhặt ve chai tại Âu thuyền và cảng cá Thọ Quang, bà Đoàn Thị Phụng (64 tuổi, trú phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng) đã xem nghề này như một phần không thể thiếu trong cuộc sống của mình. Bà đã không quản ngại "dãi nắng dầm mưa” cùng con đò nhỏ với hy vọng có thêm nguồn thu nhập và góp phần làm môi trường biển được trong sạch hơn. Nhưng đằng sau đó là cả một câu chuyện dài…

Âu thuyền và cảng cá Thọ Quang trong tình trạng ô nhiễm nhiều năm chưa được giải quyết dứt điểm
Âu thuyền và cảng cá Thọ Quang trong tình trạng ô nhiễm nhiều năm chưa được giải quyết dứt điểm

Cảng cá nhiều năm ô nhiễm

Mặc dù tuổi cũng đã cao, nhưng thoạt nhìn bà Phụng hãy còn rất trẻ và nhanh nhẹn lắm. Sống gần con nước, bà Phụng từng có một thời gắn bó với nghề đánh bắt cá tôm cùng chồng và người con trai.

Tôi vô tình bắt gặp cái dáng nhỏ xíu của bà in hằn trên mặt nước đục ngầu vào giữa cái nắng ban trưa. Tôi vẫn còn nhớ y nguyên hôm ấy là 24/04, tiết trời oi bức đến không chịu nỗi. Đồng hồ điểm đúng 12h, từ bờ Nại Hiên Đông trông xuống cảng, tôi lại bắt gặp hình ảnh thân thuộc của người phụ nữ hiền hậu, dễ gần tôi từng trò chuyện cách đây vài hôm. Tiến lại gần, bắt chuyện với bà về một vài điều liên quan đến chuyện đời - chuyện nghề, không chút ngại ngần bà Phụng kể: “Tôi vớt ve chai ở cảng cá này cũng đã gần 5 năm, công việc khá vất vả và cực nhọc. Ngày trước tôi từng chèo đò trên bến và đi đánh bắt cá cùng chồng. Thời gian sau, khi nhiều người cũng đổ xô đi chèo đò kiếm sống, cạnh tranh bắt đầu xuất hiện. Đò tôi ế lắm!”.

Gạt giọt mồ hôi nhễ nhại trên trán, bà Phụng nói tiếp: “Đã sinh ra tại mảnh đất này, dù muốn dù không cũng phải gắn bó. Chứng kiến cảnh người dân, hàng quán xung quanh cảng cá phải sống chung với rác thải, với nước thải mỗi ngày; thử nghĩ đi, sao chịu được”.

Xuất phát từ suy nghĩ đó, bà Phụng từ nghề chèo đò ế ẩm đã bắt đầu chuyển sang nghề nhặt, vớt ve chai trên cảng cá để mưu sinh. Công việc ấy giúp bà có thêm thu nhập, đồng thời cũng góp phần làm cho cảng cá bớt phần ô nhiễm.

Giữa cái nắng chói chang lúc 12h trưa, bà Phụng vẫn cần mẫn, chăm chỉ vớt rác trên dòng nước đục ngầu, hôi thối
Giữa cái nắng chói chang lúc 12h trưa, bà Phụng vẫn cần mẫn, chăm chỉ vớt rác trên dòng nước đục ngầu, hôi thối

Theo người dân, rác thải ở đây luôn trong tình trạng uồn ứ, không người dọn dẹp. Chỉ có số thanh niên làm nghề chèo đò may ra mới chịu vớt những bãi rác ứ đọng một chỗ để khai phóng con nước, tiện bề di chuyển khi chở khách qua tàu cá đang neo đậu trên âu thuyền và ngược lại.

Nhọc nhằn có mà yêu nghề cũng có…

Âu thuyền và cảng cá Thọ Quang được biết đến là một khu vực diễn ra hoạt động mua bán thủy hải sản; nơi neo đậu, tránh trú bão của hơn 500 tàu thuyền lớn nhất miền Trung. Nhiều năm qua, vấn đề ô nhiễm nơi đây vẫn chưa được giải quyết triệt để. Hằng ngày, có cả tấn rác thải sinh hoạt và nước thải từ những công ty, xí nghiệp thủy sản xả ra môi trường khiến cho khu vực này trở nên ô nhiễm nghiêm trọng, dòng nước đục ngầu, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Chỉ có những người thật sự yêu nghề mới có thể chịu được không khí ngột ngạt nơi đây.

Bà Phụng cho biết: “Rác thải ở đây nhiều vô kể, dọn hoài không hết. Mà ở khu vực bến thì lại không có người dọn dẹp thành ra nó lại càng ô nhiễm hơn. Mùi hôi khó chịu, phải bịt khẩu trang cả ngày. Con người mình chịu cực chịu khổ quen rồi nên cố gắng làm. Thường thì buổi sáng, lúc 4h tôi đã bắt đầu ra đây vớt ve chai bởi qua một đêm rác thải chất đống: Dụng cụ máy bị hư, vỏ chai, lon nước, lon bia, hộp đựng thức ăn, mảnh lưới… nhiều vô kể. Mãi đến 12h trưa tôi mới lên bờ, có hôm nắng nóng, nước bốc mùi hôi quá tôi đành về sớm hơn. Ở đây, tôi chèo đò khắp ngõ ngách để vớt từng vỏ chai, rác rưởi mang lên bờ chất thành từng đống, cuối tuần sẽ có người đến thu mua. Công việc ấy tuy cực nhưng không hiểu sao tôi vẫn thấy vui khi mỗi lần làm xong, trông xuống cảng cá có vẻ đỡ bẩn hơn một chút”- bà Phụng cười”.

Công việc của bà cứ thế, sáng sớm chỉ kịp vội ăn miếng cơm, uống ngụm nước rồi lại nhanh chân ra cảng làm việc. Lỡ nghỉ một hôm là rác như chất chồng chất đống, tắc nghẽn dòng nước đò cũng không qua được.

Rác thải ở đây cứ theo chiều gió thổi mà dồn về một chỗ. Các loại rác thải chủ yếu là bao bì, chai nhựa, ván mục, mảnh xốp, hộp đựng thức ăn… Mùa nắng nóng mùi hôi bốc lên nồng nặc
Rác thải ở đây cứ theo chiều gió thổi mà dồn về một chỗ. Các loại rác thải chủ yếu là bao bì, chai nhựa, ván mục, mảnh xốp, hộp đựng thức ăn… Mùa nắng nóng mùi hôi bốc lên nồng nặc

 

Còn đó những nỗi lo...

Vớt rác trên sông ô nhiễm là một công việc không phải ai cũng làm được, nó đòi hỏi sự chịu khó và cái tâm của người làm nghề. Gắn bó với con đò nhỏ qua nhiều năm, nom trông đã nhuốm màu cũ kĩ, bà Phụng cứ chèo đến tận những ngóc ngách của cảng cá hoặc những nơi có gió dạt rác vào gần bờ để vớt. Vừa chèo, vừa vớt; cánh tay hoạt động liên tục không có phút giây nào ngơi nghỉ.

Hằng ngày, dù nắng hay mưa bà Phụng cũng mang cần đi vớt rác, ve chai. Thu nhập của bà một tuần khoảng được 700 nghìn đồng. “Ve chai được giá tôi cũng vui, nhưng ngẫm lại thấy nghề này…”, từ trong khóe mắt có chút rưng rưng, bà không thốt lên được cái từ cuối câu ấy nhưng tôi hiểu được bà đang định nói ra điều gì.

Bà Phụng trăn trở: “Rác thải ở đây có trăm người vớt thì cũng không hết. Dù cực, dù khổ tôi cũng cố gắng làm, chỉ sợ một nỗi mình không đủ sức khỏe để làm thôi. Dù gì thì tuổi của tôi cũng đã lớn, làm sao có thể gắn bó với nghề mãi được. Nhưng rồi về già lấy gì để mình dưỡng thân trong khi con cái đã lớn và nó cũng phải lo cho cuộc sống riêng của nó. Tôi rất sợ cảnh phải sống nương nhờ vào những đứa con khi về già. Nghĩ vậy nên tôi chưa bao giờ dám than phiền về công việc hiện tại của mình cả.

Khó khăn và nỗi sợ lớn nhất của nghề này có lẽ là những hôm khí trời lạnh, ngược gió chèo đò, phải vật lộn với chiếc đò dữ lắm mới đi được khắp một vòng để vớt rác. Vào mùa hè, trời nắng gắt, có đôi khi bị say nắng đến ngất đi. Nguồn nước ở đây có nguy cơ nhiễm bệnh mà ngày nào cũng phải tiếp xúc với chất thải, mùi hôi gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của mình. Nghĩ cũng sợ nhưng rồi cũng phải làm vì cái duyên cái nợ với nghề, vì cuộc sống mưu sinh”- bà Phụng ngậm ngùi chia sẻ.

Đống ve chai bà Phụng vớt được qua một tuần, chỉ chờ người buôn phế liệu đến thu mua
Đống ve chai bà Phụng vớt được qua một tuần, chỉ chờ người buôn phế liệu đến thu mua

Chị Nguyễn Thị Mi (Người chuyên thu mua ve chai) cho biết: “Ở đây ai cũng biết cô Phụng làm nghề vớt rác, ve chai. Tôi thường đến chỗ của cô để thu mua, đống phế liệu cô vớt được không phải ít. Nghề này cực lắm, phải yêu nghề và có cái tâm với nghề thì mới làm được. Mùi hôi thối, không khí, dòng nước bị ô nhiễm ai cũng né tránh, nhưng cô Phụng “chịu thương chịu khó” một lòng với nghề quyết không chịu bỏ”.

 Rác thải ở đây có rất nhiều loại thành ra ngoài việc vớt những loại phế phẩm có thể bán được như: Vỏ chai, mảnh lưới, dụng cụ máy, thùng đựng cá…bà Phụng còn tranh thủ thời gian vớt những loại rác không tái chế được như bao ni lông, hộp đựng thức ăn, mảnh xốp... Sau đó bà chia thành từng loại, dồn ngay trên bờ để tiện thu mua và chất đốt. Qua một tuần, đợi nhiều một chút bà Phụng sẽ gọi người đến cân, kiếm tiền trang trãi cuộc sống vợ chồng còn nhiều khó khăn và cũng có thêm những miếng bánh, chiếc kẹo thơm thảo cho con cháu.

Trong khi bà Phụng vừa mới bán xong đống ve chai và lên đò nghỉ ngơi một chút thì chồng bà (ông Mại) cuối đang khòm người xuống gõ cốc cốc vào con thuyền đã cũ kĩ để sửa lại cái khoang, chuẩn bị cho chuyến đi khi trời bắt đầu sẩm tối. Họ -những con người được sinh ra tại mảnh đất này, dù việc này hay việc khác đều một lòng bám biển, vươn khơi. Tự bao giờ những con người chân chất, mộc mạc nơi đây đã trở thành hồn cốt của người làng chài, sóng nước Thọ Quang. Đã rảo bước trên bờ được một đoạn dài, tôi vẫn cố ngoái nhìn lại hình ảnh chân chất, mộc mạc của vợ chồng bà Phụng đang ngồi trên chiếc ghe đã cũ, phía xa xa kia là tàu thuyền vô kể tự nhiên thấy lòng mình dấy lên niềm yêu lao động đến lạ.

Hy vọng rằng mọi người hãy có ý thức hơn, không vứt rác thải xuống biển, gom rác thải tại điểm tập kết để tiện bề xử lý; còn về phía chính quyền, Ban quản lý cảng cá âu thuyền Thọ Quang cần siết chặt quản lý, sớm giải quyết vấn đề ô nhiễm đã tồn tại nhiều năm. Đến nay, người dân nơi đây vẫn luôn chờ đợi câu trả lời rằng bao giờ họ mới thoát được vấn nạn ô nhiễm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vui buồn nghề nhặt ve chai trên cảng cá nhiều năm ô nhiễm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO