Vụ nước sinh hoạt bẩn ở KKT Chân Mây – Lăng Cô: Tiến hành kiểm nghiệm chất lượng nước

Văn Dinh| 21/08/2021 12:23

(TN&MT) - Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh Thừa Thiên Huế đã vào cuộc kiểm tra, lấy mẫu kiểm nghiệm nguồn nước liên quan đến hệ thống cấp nước tại Nhà máy nước Chân Mây.

Liên quan đến vụ việc nguồn nước sinh hoạt của các hộ dân nằm trong Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế) bị ô nhiễm, đục ngầu... mà Báo Tài nguyên và Môi trường đang phản ánh, Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh Thừa Thiên Huế do lãnh đạo Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với lãnh đạo Sở Y tế, lãnh đạo UBND huyện Phú Lộc, Ban quản lý Khu kinh tế công nghiệp tỉnh đã tiến hành kiểm tra, thu thập mẫu nước liên quan đến hệ thống cấp nước tại Nhà máy nước Chân Mây thuộc HueWACO.

Đoàn kiểm tra liên ngành đã tiến hành thu thập 4 mẫu nước, gồm mẫu tại nguồn nước suối Bồ Ghè đổ về ban đầu (chưa xử lý) tại Nhà máy nước Chân Mây (xã Lộc Tiến); nguồn nước tại khu vực bể chứa sau xử lý tại nhà máy; mẫu nước tại sông Thừa Lưu có 3 ống hút dẫn nước lên nhà máy và mẫu nước tại vòi nhà người dân tại thôn Phú Gia (xã Lộc Tiến) do người dân yêu cầu, chỉ định vì có hiện tượng bẩn, đục sau khi HueWACO đã súc rửa đường ống nước trên quy mô lớn.

Chất lượng nước được cung cấp cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi sự cố đang được cơ quan chức năng kiểm nghiệm

Buổi kiểm tra, thu thập mẫu nói trên có sự giám sát của lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Lộc Tiến cùng một số người dân của các xã Lộc Thủy, Lộc Tiến tự tiến cử tham gia giám sát.

Phó Giám đốc Sở Xây dựng - ông Hoàng Tiến Minh cho biết ngay sau buổi kiểm tra, sẽ có báo cáo nhanh gửi lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về những kiến nghị của người dân.

Ông Minh cũng giải thích đoàn kiểm tra liên ngành được thành lập trên cơ sở chỉ đạo của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, nhằm kiểm tra, đánh giá về an toàn, chất lượng nước sau sự cố xảy ra tại Nhà máy nước Chân Mây, nhất là kiểm nghiệm mẫu độc lập nhằm đánh giá chất lượng nước hiện đã an toàn hay chưa; kiến nghị về việc sử dụng nước nguồn cấp cho Nhà máy nước Chân Mây…

Trong khi đó, lãnh đạo HueWACO thông tin cũng đã đồng ý với người dân, hỗ trợ người dân tự tiến hành thu thập mẫu nước tại những vị trí liên quan và cần thiết nhằm đánh giá chất lượng nước tại Nhà máy nước Chân Mây; việc thu thập mẫu nước do người dân hoặc tổ chức, cơ quan đại diện ủy quyền của người dân tự thực hiện, tự chọn cơ quan kiểm nghiệm bất kỳ trong nước để gửi kiểm nghiệm; HueWACO sẽ hỗ trợ kinh phí cho người dân tiến hành việc kiểm nghiệm độc lập này.

Sông Thừa Lưu – nơi HueWACO lấy nước để xử lý đang ô nhiễm vì rác thải nhiều

Theo ông Trương Công Nam - Chủ tịch HĐQT HueWACO, động thái hỗ trợ và tạo điều kiện cho người dân tự lấy mẫu, tự gửi kiểm nghiệm để đánh giá chất lượng nước liên quan Nhà máy nước Chân Mây là thể hiện tinh thần cầu thị, sửa sai và nhất là củng cố, lấy lại niềm tin từ đông đảo khách hàng sau sự cố.

“Rất tiếc là do gấp gáp thời gian và ảnh hưởng dịch bệnh COVID – 19 nên hiện nay người dân chưa sẵn sàng tiến hành công việc kiểm nghiệm mẫu nước độc lập này...”, ông Nam chia sẻ.

Ông Nguyễn Mạnh Tuấn - Phó Tổng Giám đốc HueWACO cho biết, sau sự cố xảy ra tại Nhà máy nước Chân Mây, công ty đã có báo cáo đến HĐND, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng như chính quyền địa phương. Bên cạnh đó, công ty đã huy động toàn bộ nhân viên tiến hành thông rửa các tuyến ống, đồng thời có văn bản xin UBND tỉnh đồng ý cho công ty lấy nước hồ Thủy Yên để thi công trạm xử lý cơ động công suất 1.600 m3/ngày đêm để bổ sung cho nguồn nước Nhà máy nước Chân Mây và có nguồn nước để thông rửa đường ống.

“Từ ngày 28/7 đến ngày 13/8, công ty đã thông rửa toàn bộ hệ thống với 190km trên 3 xã Lộc Tiến, Lộc Thủy, Lộc Vĩnh và thị trấn Lăng Cô. Công ty cam kết với khách hàng là những thành phần có nguy hại đến sức khỏe, cũng như các vi khuẩn được khử khuẩn tuyệt đối theo quy định của Bộ Y tế”, ông Tuấn nói.

Thi công, lắp đặt trạm xử lý nước cơ động từ nguồn nước hồ chứa Thủy Yên

Như đã phản ánh, thời gian qua, nhiều hộ dân tại các xã Lộc Tiến, Lộc Thủy, Lộc Vĩnh, thị trấn Lăng Cô (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế) bức xúc vì nguồn nước sạch của họ bị ô nhiễm, không thể dùng để sinh hoạt...

Nguồn nước ở đây được cung cấp bởi Công ty Cổ phần Cấp nước Thừa Thiên Huế (HueWACO), là nước sạch dùng để sinh hoạt nhưng liên tục ở trong tình trạng ô nhiễm, đen, đục ngầu...

Cũng theo người dân, họ không chỉ bức xúc về nguồn nước mà còn kiến nghị về việc lắp đặt hệ thống ống dẫn nước thô không hợp lý, nước được lấy từ sông Thừa Lưu lên bồn lọc xử lý ở Nhà máy nước Chân Mây (đóng ở xã Lộc Tiến) lâu nay khá ô nhiễm vì rác thải, sông này lại gần mỏ đá, cạnh các cánh đồng ruộng...

Sau sự cố, HueWACO đã tiến hành súc xả nước cho người dân, tiến hành thông rửa đường ống... Đồng thời hỗ trợ chi phí tiền nước trong tháng 8, cam kết chịu trách nhiệm chi trả tiền khám chữa bệnh cho người dân nếu do sử dụng nguồn nước là nguyên nhân mắc bệnh...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vụ nước sinh hoạt bẩn ở KKT Chân Mây – Lăng Cô: Tiến hành kiểm nghiệm chất lượng nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO