Ông Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) chia sẻ tại buổi lễ |
Giải thưởng Môi trường Goldman là giải thưởng danh giá nhất nhằm tôn vinh các các cá nhân có những đóng góp quan trọng trong việc bảo vệ môi trường ở các cấp cơ sở. Giải thưởng Goldman được ví như giải “Nobel xanh”. Mỗi năm người được vinh dự nhận giải chỉ có 6 người đến từ sáu khu vực địa lý trên toàn thế giới: Châu Phi, Châu Á, Châu Âu, các quần đảo và quốc đảo, Bắc Mỹ và Nam-Trung Mỹ. Giải thưởng không chỉ là sự ghi nhận của Thế giới mà còn góp phần truyền cảm hứng cho cộng đồng trong công cuộc cải thiện môi trường, bảo tồn các hệ sinh thái tự nhiên trên Trái Đất.
Phát biểu tại sự kiện, ông Phan Xuân Dũng, Chủ tịch VUSTA cho biết: Động vật hoang dã là tài nguyên thiên nhiên vô cùng quý giá, góp phần quan trọng trong việc tạo nên sự cân bằng sinh thái, đảm bảo môi trường sống trong lành cho con người. Trong những năm qua, công tác quản lý, bảo vệ môi trường nói chung và bảo vệ động vật hoang dã nói riêng đã có sự quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện của các cấp, các ngành và sự chung tay của các nhà khoa học nên đac đạt được nhiều kết quả tích cực.
Nhiều nhà khoa học đã nỗ lực, cố gắng đóng góp công sức, trí tuệ để giữ gìn các loài động vật, bảo vệ môi trường sinh thái, trong đó có ông Nguyễn Văn Thái, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã, nhà bảo tồn người Việt Nam đầu tiên, một trong sáu người chiến thắng giải thưởng Goldman năm 2021. Đây là sự ghi nhận, đánh giá cao của cộng đồng, tổ chức Quốc tế đối với những nỗ lực, đóng góp cho công tác bảo tồn thiên và đa dạng sinh học trong thời gian qua.
Ông Nguyễn Văn Thái, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã chia sẻ |
Vinh dự nhận bằng khen từ Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, ông Nguyễn Văn Thái, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã đã xúc động chia sẻ: "Tôi vẫn luôn tin tưởng vào một tương lai của Việt Nam, nơi mà con người và thiên nhiên cùng sống hài hoà, cân bằng. Tôi tự hào là người Việt Nam, tôi tin tưởng người Việt hiện tại, cũng những tầng lớp kế cận hiểu được thiên nhiên là thứ quan trọng không thể thay thế hay đánh đổi bằng bất cứ giá nào. Từ giải thưởng mà tôi có được hôm nay, tôi hy vọng dù chỉ là giải thưởng cá nhân nhưng sẽ truyền cảm hứng được cho nhiều cá nhân và tập thể khác, và quan trọng hơn đó là khơi dậy niềm tin, thúc đây vai trò lãnh đạo của người Việt trong công tác làm bảo tồn. Cùng nhau, chúng ta sẽ làm Việt Nam trở thành nơi đáng sống hơn".
Chủ tịch VUSTA Phan Xuân Dũng và Phó Chủ tịch VUSTA Phạm Quang Thao trao bằng khen cho ông Nguyễn Văn Thái |
Sau phần vinh danh người Việt Nam thứ hai được nhận giải thưởng Goldman, các vị khách mời đã cùng nhau trải qua hai phiên tọa đàm với nội dung “Giải thưởng môi trường Goldman - Vinh danh những đóng góp của người Việt trong bảo vệ rừng và đa dạng sinh học” và “Vai trò của các tổ chức khoa học công nghệ ngoài công lập trong bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học”.
Kết thúc buổi tọa đàm, hội nghị đã nêu bật được vai trò và sự cống hiến của các tổ chức trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam trong công tác bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học ở Việt Nam, từ đó là nguồn cảm hứng, động lực thúc đẩy mạnh mẽ cho các cá nhân và tổ chức trong và ngoài nước đang làm việc trong lĩnh vực môi trường tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Thái có nhiều đóng góp trong việc bảo tồn các loài động vật hoang dã bị buôn bán trái phép. Nhờ việc thành lập Trung tâm Bảo tồn Động vật hoang dã tại Việt nam, ông cùng cộng sự đã cứu hộ hơn 1.500 cá thể tê tê, phối hợp với kiểm lâm tịch thu và gỡ bỏ hơn 9.700 bẫy thú, tháo dỡ và tiêu hủy 775 lán trại bất hợp pháp, bắt giữ giữ nhiều kẻ săn bắt.
Ngoài hoạt động ngăn chặn nạn săn bắt, buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp, ông tổ chức chương trình giáo dục nâng cao nhận thức cho người dân Việt Nam về tầm quan trọng của việc bảo tồn động vật hoang dã.
Ông đã xuất bản nhiều công trình nghiên cứu, tham dự các hội thảo quốc tế và xây dựng các quy trình đầu tiên về theo dõi và phục hồi tê tê ở Việt Nam như đưa vào hoạt động Trung tâm Giáo dục Bảo tồn Thú ăn thịt và Tê tê đầu tiên ở Việt Nam tại Ninh Bình, Trung tâm phục hồi chức năng cho Tê tê Châu Á đầu tiên của Việt Nam. Nhờ đó 80% những cá thể bị thương nặng đã được cứu chữa và phục hồi.