Khoa học công nghệ là động lực thúc đẩy sản xuất
Trong những năm qua, công tác khoa học công nghệ, sáng kiến cải tiến kỹ thuật tại các doanh nghiệp thành viên của Tập đoàn đã được chú trọng đẩy mạnh và đã phát huy vai trò tích cực. Các doanh nghiệp trong Tập đoàn đã và đang tham gia các chương trình nghiên cứu khoa học - công nghệ, chủ động thực hiện nhiều đề tài/dự án nghiên cứu, sáng kiến cải tiến kỹ thuật. Trong đó, nhiều ý tưởng sáng tạo được hiện thực hóa trong sản xuất, nhiều công trình nghiên cứu đạt kết quả đáng khích lệ, góp phần mang lại giá trị làm lợi và hiệu quả cho các doanh nghiệp.
Đặc biệt, có những công trình tiêu biểu được trao những giải thưởng cao quý. Điển hình như: Đề tài “Nghiên cứu, lập giải pháp công nghệ mới xử lý dung dịch H2SiF6 trong dây chuyền sản xuất supe lân nhằm giải quyết môi trường và nâng cao hiệu quả kinh tế” của Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao. Đề tài đã đạt giải Nhất giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam (VIFOTEC) năm 2017 lĩnh vực Công nghệ nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên. Đồng thời, đề tài cũng đã đoạt Huy chương Bạc giải thưởng Quốc tế về sáng tạo KHCN tại Hàn Quốc năm 2018. Ở Công ty CP Cao su Đà Nẵng thực hiện đề tài “Quy hoạch tổng thể thiết kế chế tạo lắp đặt hệ thống cấp than đen tại nhà máy sản xuất lốp DRC”. Đề tài đã mang lại hiệu quả cao về kinh tế, kỹ thuật và môi trường. Đây là cơ sở để DRC từng bước xây dựng nhà máy thông minh trong cuộc cách mạng 4.0.
Hay tại Công ty CP Phân bón Bình Điền đã triển khai ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất phân bón của Công ty như đề tài: “Nghiên cứu sản xuất phân bón chuyên dùng cho lúa trên đất nhiễm mặn ở đồng bằng Sông Cửu Long”, kết quả là Bình Điền đã cho ra đời sản phẩm Đầu Trâu Phèn - Mặn đang được bà con nông dân tin dùng. Bên cạnh đó, Công ty cũng xây dựng quy trình canh tác lúa giảm phát thải khí nhà kính để tham gia dự án “Sản xuất lúa bền vững và Giảm phát thải khí nhà kính AgResults (AVERP)” do Tổ chức Phát triển Hà Lan SNV tổ chức tại Thái Bình.
Đối với Công ty CP Bột giặt LIX, ngoài phần nghiên cứu chuyên sâu về công thức sản phẩm, LIX cũng quan tâm đến việc thiết kế bao bì, chai lọ để sản phẩm được cuốn hút hơn, thuận tiện hơn khi sử dụng, đây là một phần không thể tách rời khỏi công tác phát triển sản phẩm. Trong công tác bảo vệ môi trường, LIX đã đầu tư mạnh vào hệ thống xử lý môi trường tại cả 3 nhà máy hiện nay: Hệ thống xử lý bụi, mùi bột giặt đi qua 2 cấp lọc là lọc túi vải và cyclon màng nước. Với hệ thống lọc bụi và mùi của tháp sấy được sử dụng hệ cyclon 2 cấp giúp giảm nhiệt độ khí thải từ 100oC về gần nhiệt độ môi trường 40-45oC
Ngoài việc chủ động đầu tư và huy động các nguồn lực cho các chương trình nghiên cứu khoa học-công nghệ, sáng kiến cải tiến kỹ thuật, Tập đoàn cũng đã chú trọng đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất, đa dạng hoá sản phẩm, tăng cường bảo vệ môi trường và đảm bảo sức khoẻ, an toàn cho người lao động. Nhiều công nghệ, thiết bị tiên tiến đã được tiếp nhận chuyển giao thành công, được đưa vào khai thác có hiệu quả, đồng thời góp phần quan trọng nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật, nâng cao tay nghề của công nhân, đặc biệt là tại các doanh nghiệp thuộc một số ngành quan trọng của Tập đoàn như phân bón, hoá chất cơ bản, điện hoá, cao su…
Sẵn sàng nhập cuộc “Dòng chảy 4.0”
Trong thời kỳ phát triển mới, quan điểm chỉ đạo của Tập đoàn về khoa học-công nghệ là tiếp tục chú trọng hướng tới hội nhập, tiếp cận năng lực/trình độ ở khu vực và trên thế giới. Theo đó, Tập đoàn tiếp tục đẩy mạnh “Tập trung đầu tư chiều sâu, nâng cao năng lực sản xuất đồng thời từng bước đổi mới công nghệ, máy móc thiết bị bằng cách tăng cường ứng dụng công nghệ, thiết bị nhập khẩu tiên tiến, hiện đại, kết hợp chặt chẽ với việc đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học và công nghệ để làm chủ công nghệ nhập, phát triển tiềm năng khoa học công nghệ, từng bước tạo ra công nghệ của mình”.
Đặc biệt hiện nay, với tốc độ phát triển mạnh mẽ và sự tích hợp ở trình độ cao các thành tựu khoa học công nghệ hiện đại, làn sóng cách mạng công nghiệp 4.0 đang lan tỏa trên phạm vi toàn cầu và được dự báo sẽ có tác động, làm thay đổi mạnh mẽ và nhanh chóng đối với các ngành sản xuất.
Ông Nguyễn Phú Cường Chủ tịch HĐTV Tập đoàn cho biết, để sẵn sàng nhập cuộc vào cuộc cách mạng 4.0, các doanh nghiệp của Vinachem cần phải đẩy mạnh việc tăng cường, nâng cao nhận thức, đánh giá thấu đáo và đầy đủ về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và về những tác động, những cơ hội mà cuộc cách mạng này có thể mang lại đối với ngành công nghiệp hóa chất, cần xác định và nhận biết những đặc trưng của nền sản xuất trong tương lai, những yêu cầu phải đáp ứng nhằm tránh bị tụt hậu, đồng thời cần nắm bắt, vận dụng hiệu quả các chủ trương, chính sách và định hướng của quốc gia để từ đó xây dựng cho riêng mình một chiến lược phát triển lâu dài với những bước đi cụ thể, phù hợp và vững chắc. Đây là nền tảng quan trọng để có thể ứng dụng được các thành tựu của cách mạng công nghệ 4.0 .
Với mục tiêu xây dựng Vinachem thành Tập đoàn kinh tế mạnh; Có các tổ hợp công nghiệp hóa chất tập trung được trang bị kỹ thuật - công nghệ tiên tiến; Chú trọng bảo vệ môi trường; Sản phẩm có sức cạnh tranh; thỏa mãn nhu cầu trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu. Trong thời gian tới, Chiến lược phát triển của Vinachem tiếp tục giữ vai trò nòng cốt trong việc phát triển các ngành trong lĩnh vực hóa chất, theo đó Tập đoàn thu hút nguồn lao động trình độ công nghệ, quản lý hiện đại và chuyên môn hóa cao. Đồng thời sẽ tiếp tục đầu tư các dự án góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, đảm bảo nhu cầu phân bón trong nước;phát triển nhanh mạnh hóa chất cơ bản, và hóa chất tiêu dùng.
Trên nền tảng công nghệ hiện có, tin rằng, Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam có đủ năng lực để chinh phục những thành tựu của CMCN 4.0. Bằng sự nỗ lực và những bước đi cụ thể và quyết liệt, công nghiệp 4.0 hứa hẹn sẽ trở thành công cụ hỗ trợ đắc lực cho quá trình phát triển bền vững của ngành Hóa chất Việt Nam.