Báo cáo tổng kết công tác CCDV năm 2022 của Phòng Tiếp thị & Dịch vụ - Bộ máy Điều hành Vietsovpetro cho thấy: Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới diễn biến phức tạp do ảnh hưởng của các biến động địa chính trị trên thế giới và hậu quả của đại dịch Covid-19, công tác cung cấp dịch vụ - phát triển thị trường của Vietsovpetro cũng bị ảnh hưởng và gặp nhiều trở ngại. Tuy nhiên, với tinh thần lao động tận tâm, miệt mài và sáng tạo, tập thể Vietsovpetro đã hoàn thành vượt mức tất cả các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật đối với công tác dịch vụ đã được giao. Một trong những điểm nổi bật là Vietsovpetro đã tham dự hàng loạt gói thầu dịch vụ và trúng thầu nhiều hợp đồng giá trị lớn. Các hoạt động giữ vững thị phần và phát triển thị trường tiếp tục được chú trọng đẩy mạnh; trong đó, đã quảng bá, tìm kiếm cơ hội hợp tác và đã trúng thầu dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa một số dự án điện gió, tạo tiền đề quan trọng cho việc tham gia sâu hơn vào lĩnh vực này.
Về dịch vụ cốt lõi, Vietsovpetro tiếp tục thực hiện các công việc nhằm đảm bảo chất lượng và tiến độ đối với các dịch vụ quan trọng cho bên ngoài như: vận hành & bảo dưỡng tàu FPSO Armada TGT 1, giàn Cá Ngừ Vàng, giàn H1, H4, H5, giàn HST/HSD cho các khách hàng Hoàng Long - Hoàn Vũ JOC, Thăng Long JOC; các dịch vụ tại mỏ Nam Rồng - Đồi Mồi cho VRJ...; thu gom, nén khí Bể Cửu Long về bờ; vận chuyển, xử lý, nén khí và condensate về bờ từ mỏ Thiên Ưng - Đại Hùng; vận hành nén khí bằng Tổ máy nén Train A; thực hiện thành công, đảm bảo an toàn tuyệt đối và đảm bảo tiến độ hợp đồng đối với dịch vụ gia công chế tạo, hạ thủy, chằng buộc hai chân đế và hai bộ cọc ZWP12, ZWP15 với tổng khối lượng gần 16.000 tấn - thuộc tổ hợp Dự án phát triển mỏ Zawtika 1D ở bể Martaban, vùng biển Myanmar.
Về công tác tham dự thầu cung cấp dịch vụ trong năm 2022, Vietsovpetro thực hiện rất hiệu quả. Liên doanh đã bám sát nhu cầu và kế hoạch của khách hàng để xây dựng Kế hoạch marketing - tiếp cận Dịch vụ của Vietsovpetro năm 2022. Trên cơ sở đó, công tác lựa chọn gói thầu được sàng lọc rất kỹ, tạo điều kiện thuận lợi cho Vietsovpetro tham gia trên 250 gói thầu dịch vụ. Vietsovpetro đã tiếp tục tận dụng và phát huy các công cụ trực tuyến để tăng cường tổ chức các buổi làm việc, trao đổi với khách hàng trên nền tảng tiếp xúc đa phương tiện.
Về mở rộng dịch vụ sang những lĩnh vực khác, Vietsovpetro đã và đang tích cực mở rộng theo hướng CCDV cho lĩnh vực khác ngoài dầu khí. Vietsovpetro đã chủ động liên hệ, tổ chức, tham gia các cuộc họp và hội thảo với các đối tác trong và ngoài nước để quảng bá năng lực trong lĩnh vực điện gió, nghiên cứu cơ hội đầu tư dự án cảng dịch vụ - cảng điện gió ngoài khơi trong tổ hợp Dự án Khu công nghiệp Long Sơn, tìm kiếm các cơ hội hợp tác như chế tạo trạm biến áp ngoài khơi cho dự án điện gió của Far East ở Đài Loan; hợp tác với Doosan chào thầu dịch vụ EPCI các trụ điện gió cho dự án điện gió của Orsted ở Đài Loan; làm việc với POSCO E&C về khả năng CCDV chế tạo trạm biến áp cho dự án điện gió ngoài khơi tại Hàn Quốc... cũng như đẩy mạnh hợp tác và ký kết các thỏa thuận để xây dựng chuỗi cung ứng cho các dự án EPCI điện gió ngoài khơi…
Về công tác CCDV cho các Lô khác ngoài Lô 09-1, Vietsovpetro tiếp tục vận hành an toàn khai thác mỏ Cá Tầm - Lô 09-3/12 (BK CTC1) và mỏ Thiên Ưng - Lô 04-3 (BK TƯ); tiếp tục thực hiện công tác mua sắm, CCDV trực ứng cứu sự cố, dịch vụ thuê phương tiện vận chuyển, phân tích thí nghiệm, thử nghiệm giếng cho các Lô; đã đưa vào vận hành giàn khai thác CTC-2 ngày 28/10/2022 sớm hơn so với kế hoạch 47 ngày. Đối với Lô 16-1/15, Vietsovpetro đang tiến hành khoan thử vỉa giếng SV-2X, chuẩn bị phương án thi công, huy động vật tư dịch vụ cho giếng SV-3X…
Từ những nỗ lực không ngừng nghỉ của tập thể Vietsovpetro, hoạt động CCDV trong năm 2022 đã hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra với tổng doanh thu là 241,8 triệu USD (133,4% kế hoạch). Ngoài ra, hoạt động CCDV trong năm 2022 đã đóng góp đáng kể vào thành công chung của Vietsovpetro bằng những chỉ tiêu như chia sẻ nguồn lực với Lô 09-1 từ chi phí nhân viên đạt tỷ lệ trên 20%, đóng góp quan trọng vào các Quỹ phát triển sản xuất, phúc lợi xã hội, khuyến khích vật chất.
Hội nghị đã nhận được nhiều tham luận bổ ích, thực tiễn từ các đơn vị sản xuất của Vietsovpetro như Xí nghiệp Xây lắp, Xí nghiệp Cơ điện, Xí nghiệp Dịch vụ… về các vấn đề liên quan đến các giải pháp, định hướng nhằm nâng cao năng lực, tăng cường khả năng phối hợp thực hiện các dự án dịch vụ, cơ hội tham gia vào thị trường điện gió…
Đối với Kế hoạch CCDV năm 2023, Vietsovpetro quyết tâm sẽ hoàn thành và phấn đấu hoàn thành vượt mức các kế hoạch doanh thu, lợi nhuận; tiếp tục duy trì và nâng cao hiệu quả tham dự thầu, duy trì tỷ lệ thắng thầu trong năm 2023 ở mức cao.
Để thực hiện thành công các mục tiêu, một loạt các giải pháp trọng yếu đã được đưa ra như: Thực hiện triệt để “Kế hoạch Marketing - tiếp cận dịch vụ năm 2023"; Tiếp tục củng cố & phát huy các loại hình dịch vụ là thế mạnh của Vietsovpetro; Tiếp tục liên danh, liên kết với các nhà thầu tiềm năng để tăng khả năng canh tranh, lựa chọn hợp tác với các đối tác uy tín, có thế mạnh mà Vietsovpetro không có để xây dựng thành công chuỗi cung ứng cho các dự án điện gió ngoài khơi, tạo hành lang pháp lý cho việc hợp tác đấu thầu - phát triển dịch vụ đối với thị trường trong nước và nước ngoài; Ưu tiên tập trung nguồn lực làm tốt công tác chuẩn bị và tham dự các gói thầu thuộc các dự án điện gió ở trong và ngoài nước cũng như các gói thầu thuộc các dự án phát triển mỏ lớn như: Lô B, Sư Tử Trắng phase 2B...…
Ngoài ra, Vietsovpetro cũng sẽ thực hiện các biện pháp đầu tư, nâng cấp trang thiết bị sẵn có nhằm phát triển dịch vụ ngoài cũng như dịch vụ cho các dự án điện gió ngoài khơi từ nguồn Quỹ Phát triển sản xuất theo Nghị quyết HĐ 54 và 55; đồng thời tiếp tục tiếp cận Chính phủ, Bộ ban ngành liên quan để xin chủ trương cho phép Vietsovpetro đầu tư vào lĩnh vực điện gió; duy trì và đẩy mạnh công tác marketing và mở rộng khách hàng để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tham dự thầu dịch vụ ngoài; tiếp tục hoàn thiện các quy chế, quy trình, hướng dẫn quản lý nhiều mặt về công tác dịch vụ, huy động nguồn lực, trả công lao động, quản lý vật tư thiết bị, phân phối lợi nhuận tối ưu vừa đáp ứng nhu cầu dịch vụ nội bộ, vừa nâng cao sức cạnh tranh trong việc đẩy mạnh CCDV cho khách hàng bên ngoài theo định hướng phát triển chung của Vietsovpetro.