Vietcombank ''trần tình'' sau khi bị Thanh tra Chính phủ vạch nhiều sai phạm

01/01/2018 09:12

(TN&MT) - Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho biết các sai phạm trong công tác cho vay, giải ngân vốn vay, bán nợ và đầu tư tài chính vừa...

(TN&MT) - Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho biết các sai phạm trong công tác cho vay, giải ngân vốn vay, bán nợ và đầu tư tài chính vừa được Thanh tra Chính phủ chỉ ra là những tồn tại, sai sót nghiệp vụ của đơn vị phát sinh trong những năm trước đây và hiện đã cơ bản được xử lý.

Sẽ xử lý nghiêm vi phạm

Sau khi Thanh tra Chính phủ Thông báo kết luận số 3216/TB-TTCP về việc chấp hành chính sách, pháp luật về hoạt động cho vay, xử lý rủi ro, bán nợ, cơ cấu nợ, việc tăng vốn, thoái vốn đầu tư, việc mua sắm thiết bị tin học tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), trong đó có chỉ rõ nhiều sai phạm, nhà băng này đã chính thức lên tiếng về vụ việc.

Theo đó, Vietcombank cho biết, theo kế hoạch thanh tra thường niên năm 2016, Thanh tra Chính phủ đã tiến hành thanh tra hoạt động của ngân hàng. Tại thông báo kết luận, Thanh tra Chính phủ có chỉ ra một số thiếu sót, khuyết điểm, vi phạm tại một số đơn vị của Vietcombank. Đây là những tồn tại, sai sót trong một số nghiệp vụ của đơn vị phát sinh trong những năm trước đây.

Vietcombank cũng cho biết, trong quá trình thanh tra, ngân hàng đã phối hợp cung cấp đầy đủ hồ sơ chứng từ theo yêu cầu của Đoàn thanh tra.

''Các tồn tại, sai sót mà Thanh tra Chính phủ đưa ra đã được Vietcombank chủ động phát hiện thông qua hoạt động kiểm tra, kiểm soát nội bộ, kịp thời có các biện pháp khắc phục, chấn chỉnh và xử lý nghiêm túc theo thẩm quyền. Có những trường hợp Vietcombank chủ động cung cấp hồ sơ, phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an, tòa án để đẩy nhanh tiến độ thu hồi nợ và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật'', Vietcombank cho biết.
Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam thừa nhận có tồn tại, sai sót nghiệp vụ.
Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam thừa nhận có tồn tại, sai sót nghiệp vụ.
''Đối với các kiến nghị của Đoàn Thanh tra, Ban lãnh đạo Vietcombank nghiêm túc tiếp thu và tiếp tục chỉ đạo khắc phục trong thời gian sớm nhất. Đến thời điểm này, phần lớn các tồn tại theo kết luận của Thanh tra Chính phủ đã cơ bản được Vietcombank xử lý'', Vietcombank thông tin.

Trước đó, như Báo Tài nguyên và Môi trường đã đưa tin, Phó tổng Thanh tra Chính phủ Ngô Văn Khánh vừa ký ban Thông báo kết luận số 3216/TB-TTCP về việc chấp hành chính sách, pháp luật về hoạt động cho vay, xử lý rủi ro, bán nợ, cơ cấu nợ, việc tăng vốn, thoái vốn đầu tư, việc mua sắm thiết bị tin học tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank).

Tại kết luận thanh tra, bên cạnh ưu điểm được nêu ra như như tốc độ tăng trưởng tài sản đạt mức cao trong hệ thống, chất lượng tín dụng được chú trọng, hệ số an toàn được đảm bảo, thu hồi nợ ngoại bảng kết quả tốt, hoạt động dịch vụ tăng trưởng tốt, lợi nhuận tăng, tỷ suất sinh lời đạt khá tốt... Thanh tra Chính phủ cũng chỉ rõ những vi phạm, khuyết điểm tại Vietcombank.

Cụ thể, về thẩm định, phê duyệt cho vay, kết luận thanh tra nêu, một số hồ sơ tín dụng có hồ sơ pháp lý khách hàng, pháp lý dự án không đầy đủ; thẩm định hồ sơ vay vốn, năng lực tài chính thiếu chính xác; báo cáo thẩm định chưa phân tích và đánh giá khả năng trả nợ, nguồn trả nợ, hiệu quả dự án, phương án vay vốn; thẩm định xác định hạn mức tín dụng, vòng quay vốn, thời hạn cho vay, nguồn vốn tự có, vốn huy động khác chưa đủ cơ sở, thiếu chính xác…

Về giải ngân vốn vay, một số hồ sơ tín dụng giải ngân khi chưa đủ điều kiện theo phê duyệt; chứng từ giải ngân không đầy đủ; giải ngân cho vay mới trả khoản vay cũ hoặc trả lãi vay; có trường hợp giải ngân không kiểm tra, kiểm soát các hóa đơn chứng từ (kiểm tra bản gốc của hóa đơn bán hàng), dẫn đến khách hàng giả mạo, sửa chữa nâng giá trị hóa đơn lên nhiều lần để rút vốn ngân hàng.

Về kiểm tra sử dụng vốn vay, một số hồ sơ tín dụng các chi nhánh thực hiện kiểm tra không đầy đủ theo quy định; nội dung kiểm tra chung chung, sơ sài, chưa đầy đủ, chưa kiểm tra cụ thể về sổ sách kế toán, chưa đề cập các thông tin về tình hình kinh doanh, đánh giá dòng tiền, dẫn đến ngân hàng không kiểm soát được việc sử dụng vôn vay và khả năng trả nợ của khách hàng.

Về tài sản đảm bảo, một số hồ sơ tín dụng nhận thế chấp tài sản đảm bảo (TSĐB) không đủ điều kiện theo quy định; việc định giá lại TSĐB chưa theo quy định; hợp đồng thế chấp tài sản không có công chứng…

Về phân loại nợ, có một số hồ sơ tín dụng thực hiện xếp hạng khách hàng, phân loại nợ và cơ cấu nợ chưa đúng quy định tại Quyết định 780/QĐ-NHNN và Công văn 2506/NHNN-CSTT.

Về xử lý rủi ro, một số hồ sơ xử lý rủi ro có nguyên nhân từ việc khi cho vay Vietcombank đã vi phạm các quy định của hoạt động tín dụng. Sau khi xử lý rủi ro còn chưa có biện pháp kiên quyết, phù hợp để thu hồi nợ, như là phát mại tài sản hay bán nợ…

Về những khuyết điểm vi phạm trong hoạt động mua bán nợ, kết luận của Thanh tra Chính phủ nêu rõ, Vietcombank ban hành các Quyết định số 510 và 217 về hướng dẫn mua bán nợ không rõ ràng, không cụ thể dẫn đến sự nhầm lẫn giữa các bước.
 Thông báo kết luận số 3216/TB-TTCP chỉ rõ nhiều sai phạm tại Vietcombank.
 Thông báo kết luận số 3216/TB-TTCP chỉ rõ nhiều sai phạm tại Vietcombank.
Bên cạnh đó, việc VAMC ủy quyền cho Vietcombank bán các khoản nợ theo hình thức thỏa thuận trực tiếp với khách hàng khi chưa thực hiện bán nợ theo hình thức đấu giá là chưa đúng với quy định.

Về hoạt động đầu tư tài chính, một số việc góp vốn, mua cổ phần của Vietcombank chưa phù hợp với Thông tư 36/2014/TT-NHNN ngày 20/11/2014 của Ngân hàng Nhà nước.

Việc Vietcombank có cổ phần sở hữu tại Gentraco và tổ chức tín dụng là MB nhưng doanh nghiệp lại là cô đông hoặc công ty con của tổ chức tín dụng lại là cổ đông của Vietcombank là chưa đúng quy định của Luật Tổ chức tín dụng. 

Ngoài ra, Vietcombank còn chậm thoái vốn tại các doanh nghiệp ngoài ngành và những doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả. Hiệu quả đầu tư còn chưa tương xứng với việc tăng vốn đầu tư trong gia đoạn 2014-2015. Chẳng hạn như giá trị đầu tư năm 2014 là hơn 5.170 tỷ đồng, năm 2015 là hơn 5.375 tỷ đồng nhưng thu nhập từ cổ tức lần lượt là hơn 438 tỷ đồng và hơn 265 tỷ đồng.

Về mua sắm tài sản, Thanh tra Chính phủ cũng chỉ rõ Vietcombank cũng có vi phạm là thực hiện chưa đúng về quy trình và nội dung đầu tư, các nội dung về an toàn, bảo mật; năng lực của cán bộ thực hiện dự án chưa đáp ứng yêu cầu trình độ về chuyên môn kỹ thuật...  Điều này dẫn đến khi trúng thầu và các hợp đồng được ký thì các nhà thầu đã chuyển nhượng cho đơn vị khác thực hiện mà ngân hàng không nắm được.

Truy trách nhiệm cá nhân, tập thể

Trên cơ sở các vi phạm, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước theo thẩm quyền, tiến hành kiểm điểm các đơn vị, cá nhân có vi phạm theo kết luận thanh tra. Đồng thời, yêu cầu Thống đốc sớm tham mưu, đề xuất cho Chính phủ những giải pháp để xử lý nợ xấu của các NHTM nói chung và các khoản VAMC đã mua của các tổ chức tín dụng nói riêng theo hướng tách bạch giữa bán nợ và bán tài sản để thu nợ.

Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo thẩm quyền tiến hành tổ chức kiểm điểm đối với các cá nhân của VAMC và Vietcombank có vi phạm. Đồng thời chỉ đạo chủ tịch VAMC kiểm điểm, rút kinh nghiệm trong việc ủy quyền, giám sát Vietcombank bán nợ.
 
Thông báo kết luận thanh tra do Phó tổng Thanh tra Chỉnh phủ Ngô Văn Khánh ký.
Thông báo kết luận thanh tra do Phó tổng Thanh tra Chỉnh phủ Ngô Văn Khánh ký.
Với các hồ sơ bán nợ, Thanh tra Chính phủ chưa có điều kiện kiểm tra việc cấp tín dụng với các hồ sơ này, tuy nhiên qua tổng hợp kết quả tự kiểm tra của Vietcombank và các cơ quan khác thấy rằng Vietcombank có vi phạm trong việc cấp tín dụng với các hồ sơ bán nợ, cần phải được làm rõ trách nhiệm để xử lý. Vì vậy, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Ngân hàng Nhà nước giao cơ quan thanh tra giám sát tiến hành thanh tra việc cấp tín dụng của Vietcombank với các hồ sơ bán nợ để làm rõ trách nhiệm, xử lý theo quy định của pháp luật.

Với Vietcombank, Thanh tra Chính phủ yêu cầu Ngân hàng căn cứ vào những khuyết điểm, vi phạm nêu tại kết luận thanh tra để tiến hành kiểm điểm và chỉ đạo kiểm điểm, đánh giá trách nhiệm với tập thể và cá nhân theo thẩm quyền quản lý; đồng thời đề xuất hoặc áp dụng ngay các giải pháp để chấn chính, khắc phục, xử lý những yếu kém, khuyết điểm, vi phạm.

Về chấn chỉnh công tác liên quan cho vay, bán nợ, Thanh tra Chính phủ yêu cầu chấn chỉnh công tác phê duyệt tín dụng; rà soát xem xét việc thu hồi vốn trước hạn với những khách hàng có vi phạm không thực hiện các điều kiện cấp tín dụng và sử dụng vốn không đúng mục đích; kiểm soát chặt chẽ các khoản vay, giảm dần dư nợ với các khách hàng có tình hình kinh doanh không hiệu quả.

Thanh tra Chính phủ cũng yêu cầu Vietcombank bổ sung, sửa đổi các quy định nội bộ về quy trình, hồ sơ tín dụng trong quản lý đối với tài sản hình thành từ vốn vay…; rà soát, sửa đổi các quy định của Vietcombank về bán nợ, cần tách bạch giữa bán nợ với bán tài sản để thu nợ, việc bán nợ phải đảm bảo công khai, minh bạch, cạnh tranh, đạt hiệu quả cao nhất.

Đặc biệt, Thanh tra Chính phủ cũng yêu cầu Vietcombank ban hành quyết định thông báo cấm 2 Công ty là Tecapro và Công ty thông tin Tiên Tiến nay là Công ty Cpauraca không được tham gia đấu thầu các dự án, dự toán mua sắm trong hệ thống Vietcombank.

Về xử lý kinh tế, Thanh tra Chính phủ yêu cầu Chánh Thanh tra Ngân hàng Nhà nước các cấp xem xét xử lý các vi phạm hành chính theo quy định; Đối với khách hàng đã trả hết nợ gốc nhưng chưa thu đủ lãi cần tiếp tục đôn đốc khách hàng để thu hồi tránh mất hết vốn; yêu cầu Vietcombank quyết toán 2 gói thầu của 2 công ty là Tecapro và Cpauraca có vi phạm trong chuyển nhượng phải loại trừ giá trị quyết toán số tiền 1,174 tỷ đồng.

Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước chịu trách nhiệm chỉ đạo, giám sát Vietcombank trong việc xử lý các khoản nợ của Công ty CP tập đoàn Sóng Thần vay tại Sở giao dịch Vietcombank và Công ty Trường Xuân (vay tại chi nhánh Thái Bình, đã bán nợ) đảm bảo đạt hiệu quả cao nhất trong thu hồi nợ và đúng kế hoạch; đồng thời chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý nghiêm theo quy định nếu các công ty không thực hiện đúng hoặc trốn tránh, chây ỳ trả nợ.

Báo TN&MT sẽ tiếp tục thông tin.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vietcombank ''trần tình'' sau khi bị Thanh tra Chính phủ vạch nhiều sai phạm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO