Có lạm dụng quá mức?
Trên Báo Điện tử TN&MT liên tiếp có nội dung phản ánh, việc “cấp phép” cải tạo đất ở Hà Tĩnh thời gian qua có những lỗ hổng nhất định, trong đó lấy lý do phục vụ NTM thì các đơn vị khai thác có sự tiếp tay của một số cá nhân tham gia công tác quản lý tạo điều kiện sử dụng tài nguyên trái phép, trái với chủ trương để thu lợi. Để xẩy ra sự việc trên, quá trình thẩm định hồ sơ để tham mưu, ra văn bản chấp thuận chủ trương được dư luận hết sức quan tâm.
Tại huyện Thạch Hà việc “cấp phép” cải tạo diễn ra tràn lan, mặc dù lấy lí do các địa phương có tờ trình xin đất tại chổ, tận thu phục vụ NTM nhưng khi được chấp thuận thì các doanh nghiệp đều công khai sử dụng đất trái phép, đi ngược lại với chủ trương. Có thể dẫn chứng ở các xã để xẩy ra như Công ty Tuấn Đạt thực hiện phương án cải tạo đất tại xã Thạch Ngọc; Công ty Hoàng Tuấn Khanh tận thu đất tại xã Ngọc Sơn; Công ty TNHH Xuân Hồng thực hiện tận thu đất tại xã Bắc Sơn; Công ty CP Đầu tư và Thương mại Tràng An thực hiện cải tạo ở xã Thạch Xuân…
Theo phương án cải tạo được phê duyêt, Công ty TNHH Xuân Hồng (có địa chỉ tại thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc ) được phép thực hiện cải tạo khu vực trang trại ở xã Bắc Sơn, huyện Thạch Hà để sử dụng hơn 4 ngàn m3 đất tận thu tại chổ san lấp mặt bằng trong trang trại. Ngoài ra, gần 30 ngàn m3 dư thừa cho phép tận thu san lấp với phạm vi sử dụng là trên địa bàn toàn tỉnh. Vậy nhưng, khi các cơ quan chức năng chưa triển khai cắm mốc giới thì đơn vị này đã cho phương tiện ồ ạt vào khai thác cả ngày lẫn đêm, không theo phương án được phê duyệt.
Dư luận đặt câu hỏi qua sự việc không chỉ là xử lý việc chấp hành thiếu nghiêm túc của doanh nghiệp mà còn là cách tham mưu, văn bản chấp thuận có những vấn đề bất thường. UBND tỉnh Hà Tĩnh dựa trên cơ sở pháp luật, Điều khoản nào của luật Khoáng sản để cho phép Công ty TNHH Xuân Hồng sử dụng điểm cải tạo phục vụ NTM được phép khai thác khoáng sản với mục đích kinh doanh ? Việc UBND huyện Thạch Hà mở cửa cho doanh nghiệp này sử dụng đất cải tạo phục vụ NTM trên địa bàn, nhưng được phép bán ra phục vụ ở địa phương khác phải chăng là một hình thức tiếp tay có chủ ý cho cá nhân kinh doanh đất thu lợi?.
Phản ánh tới báo TN&MT, ông Hồ Sỹ Chững ở xã Thạch Xuân, huyện Thạch Hà còn bức xúc, cho biết: “Mặc dù đã có đơn phản ánh tới chính quyền các cấp nhưng UBND tỉnh Hà Tĩnh vẫn chấp thuận cho Công ty CP đầu tư và thương mại Tràng An thực hiện cải tạo khu vực đất đang xẩy ra tranh chấp tại Thành Đồng, xã Thạch Xuân theo Văn bản số 4370/UBND, ngày 25/7/2018. Đáng nói, việc cấp phép ở địa điểm nói trên khi Thanh tra Chính Phủ đang có văn bản yêu cầu làm rõ, giải quyết…”.
Liên quan đến công tác quản lý sử dụng đất tại các khu vực “cấp phép” cải tạo, ông Đặng Ngọc Sơn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh từng trấn an cử tri tại kỳ họp thứ 7 HĐND tỉnh Hà Tĩnh, diễn ra vào sáng ngày 17/7 rằng sẽ “trừng phạt” nếu huyện nào để đơn vị khai thác sử dụng đất sai phạm thì dừng luôn việc cấp phép. Thế nhưng, qua dẫn chứng thực tế trên, dư luận dễ nhận thấy: Việc nói còn làm hay không là một chuyện khác.
Tương tự với Thạch Hà, huyện Can Lộc, Nghi Xuân…cũng là những địa điểm nóng được dư luận bức xúc phản ánh về hoạt động khai thác đất trái phép. Vậy nhưng, quá trình xử lý vi phạm có dấu hiệu bao che, cố tình tạo khe hở cho việc kinh doanh, thu lợi bất chính, đi ngược lại với chủ trương chung của tỉnh Hà Tĩnh.
“Giết chết” doanh nghiệp được cấp mỏ
Là một trong những đơn vị hiếm hoi được UBND tỉnh Hà Tĩnh ra quyết định cấp mỏ khai thác đất tại huyện Đức Thọ nhưng nhiều năm nay Công ty TNHH Minh Hương (có địa chỉ tại xã Đức An, huyện Đức Thọ), do ông Nguyễn Thanh Minh đứng tên đăng ký đã phải kêu trời khi hoạt động của doanh nghiệp như bị “chặn đứng” từ ngày tỉnh có chủ trương cấp phép cải tạo, tận thu đất phục vụ xây dựng NTM.
Phản ánh tới Báo TN&MT trong thời gian qua, ông Minh cho rằng: “Việc quản lý điểm cải tạo quá lỏng lẽo nên các đơn vị khai thác dễ dàng vận dụng bán đất phục vụ sai mục đích cho phép. Nhiều công trình không thuộc dự án đầu tư xây dựng NTM mới, đã ký hợp đồng mua đất của chúng tôi nhưng sau đó lại được các điểm cải tạo cung cấp, thậm chí núp bóng những điểm này để khai thác đất tràn lan bên ngoài. Dự án thi công ở Đức Thọ nhưng vật liệu đất san lấp được cung cấp từ huyện Can Lộc…”
Theo ông Minh, khi hoàn thiện thủ tục để được cấp phép mỏ đất, Công ty Minh Hương phải bỏ ra hàng tỷ đồng đầu tư và mất gần hai năm để có được giấy phép. Sẽ rất khó để so bì với điểm được cấp phép cải tạo, bởi chi phí bỏ ra thấp, nghĩa vụ ít nên giá bán một m3 đất ra thị trường thấp thì doanh nghiệp khai thác mỏ không thể cạnh tranh.
Mặc dù đã nhiều lần trực tiếp có, gián tiếp giải bày bức xúc, phản ánh đến lãnh đạo tỉnh, các sở ngành để ngăn chặn các chiêu thức khai thác đất trái phép. Tuy nhiên, với hoạt động khai thác đất trái phép thường tận dụng cả ngày lẫn đêm, dùng xe tải trọng lớn để vận chuyển nên chỉ cần chậm trể vào cuộc khoảng 3 đến 4 ngày thì hàng chục ngàn m3 đất trái phép dễ dàng được trot lọt, công trình cũng đã hoàn thành.
Nhận thức được rằng nếu tiếp tục để hoạt động khai thác đất tràn lan thì một doanh nghiệp hoạt động “chính thống” như ông Minh sẽ không thể tồn tại, bởi mỗi năm phải đóng hàng trăm triệu đồng vào ngân sách và tham gia các thủ tục bảo vệ môi trường, bên cạnh hàng hóa kinh doanh không thể tiêu thụ. Nỗi trăn trở nhiều năm nay mà ông Minh cũng như các thành viên tham gia là vậy, đã tìm gõ cửa cơ quan chức năng nhưng vẫn chưa được tháo gỡ.
Được UBND tỉnh Hà Tĩnh chấp thuận cho phép cải tạo 8.500m2, tận thu 48 ngàn m3 đất phục vụ NTM trên địa bàn nhưng chứng kiến tại hiện trường chẳng khác nào một đơn vị được cấp mỏ. Theo phản ánh của dư luận, đại diện đơn vị khai thác thừa nhận quá trình hoạt động đơn vị có vận dụng bán đất sai mục đích.
Quả đồi được sử dụng trồng cây lâu năm, phía sau khu dân cư đã được hợp thức hóa để tiến hành cải tạo. Có thể ước tính hàng trăm ngàn m3 đất đã được Công ty Việt Nhật khai thác, vận chuyển phục vụ công trình. Nếu tính lợi nhuận, những người khai thác mỏ như ông Minh cũng phải ước ao.