Việt Nam trước ngưỡng cửa thị trường việc làm xanh
Chia sẻ với phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường về tiềm năng, cơ hội từ thị trường việc làm xanh, ông Santiago Alonso Rodiguez, Tham tán thứ Nhất Đại sứ quán CHLB Đức tại Việt Nam nhìn nhận: “Việt Nam đang đứng trước ngưỡng cửa của một thị trường việc làm xanh đầy hứa hẹn, nhưng khả năng khai thác tiềm năng này và nắm bắt cơ hội nằm ở cam kết cung cấp cho lực lượng lao động những hoạt động đào tạo và kỹ năng cần thiết. Bằng cách đó, Việt Nam không chỉ có thể thúc đẩy các mục tiêu kinh tế và môi trường mà còn đảm bảo một tương lai phát triển bền vững cho lực lượng lao động”.
Ông Santiago Alonso Rodiguez - Tham tán thứ Nhất Đại sứ quán CHLB Đức tại Việt Nam cho biết, theo khảo sát, việc làm xanh chiếm gần 4% tổng thị trường việc làm, trải dài trên gần 40 ngành nghề khác nhau. Hơn nữa, thêm 90 ngành nghề, chiếm hơn 40% tổng số việc làm, cũng có tiềm năng đáng kể để chuyển đổi sang các ngành nghề xanh.
PV: Thưa ông, chuyển đổi năng lượng là một trong những định hướng quan trọng của Việt Nam nhằm đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Từ kinh nghiệm của nước Đức, yếu tố lao động, việc làm mới cũng sẽ có sự chuyển dịch theo như thế nào, thưa ông?
Ông Santiago Alonso Rodiguez: Kinh nghiệm của Đức cho thấy triển vọng đầy hứa hẹn về chuyển đổi việc làm xanh. Hiện tại, 57,7% lượng điện tiêu thụ của người Đức được lấy từ các nguồn năng lượng tái tạo. Mục tiêu của chúng tôi là tăng tỷ lệ này lên 80% vào năm 2030 và đạt trung hòa các-bon vào năm 2045.
Tác động của những thay đổi này đối với thị trường lao động là rất lớn. Số lượng nhân viên trong các ngành nghề có kỹ năng xanh thậm chí còn tăng 56,7% trong giai đoạn 2012 – 2020, lên 5 triệu người. Kể từ năm 2000, số lượng việc làm trong lĩnh vực năng lượng tái tạo ở Đức đã tăng gấp ba lần (lên 433.300 việc làm). Với các mục tiêu khí hậu của Đức, dự báo số lượng việc làm ròng được tạo ra tiếp tục tăng gần gấp đôi vào năm 2030.
Thành tựu này phần lớn nhờ vào cam kết của Đức trong việc đào tạo lại và nâng cao tay nghề cho lực lượng lao động của mình, cùng với hỗ trợ xã hội mạnh mẽ cho người lao động chuyển sang các ngành nghề mới. Việc đạt mức phát thải ròng về 0 cần một quá trình chuyển đổi, trong đó bao gồm việc nhanh chóng mở rộng các nguồn năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi lao động không chỉ dừng lại ở lĩnh vực năng lượng tái tạo, bởi những lao động trước đây làm việc trong lĩnh vực nhiên liệu hóa thạch cũng cần được đào tạo lại để có cơ hội tìm việc làm mới và bền vững ở các ngành công nghiệp khác. Ví dụ ở vùng Ruhr và Saarland ở Đức, nơi trước đây việc làm tập trung vào than đá. Theo thời gian, những lĩnh vực này đã chuyển đổi thành công sang các ngành dịch vụ và sản xuất. Quá trình chuyển đổi ở đó cuối cùng đã có tác động tích cực, lâu dài đến việc làm bằng cách giảm sự phụ thuộc vào một lĩnh vực duy nhất.
PV: Ông đánh giá thế nào về tiềm năng, cơ hội từ thị trường việc làm xanh tại Việt Nam, thưa ông?
Ông Santiago Alonso Rodiguez: Khu vực Châu Á-Thái Bình Dương năng động, trong đó có Việt Nam, sẽ được hưởng lợi đáng kể từ quá trình chuyển đổi năng lượng, với tiềm năng tạo ra 14 triệu việc làm mới trong khu vực trong trung hạn.
Tại Việt Nam, một cuộc khảo sát gần đây do Ngân hàng Thế giới và Tổng cục Thống kê phối hợp thực hiện cho thấy, việc làm xanh chiếm gần 4% tổng thị trường việc làm, trải dài trên gần 40 ngành nghề khác nhau. Hơn nữa, thêm 90 ngành nghề, chiếm hơn 40% tổng số việc làm, cũng có tiềm năng đáng kể để chuyển đổi sang các ngành nghề xanh.
Với sự hỗ trợ của Chương trình Hợp tác Phát triển Đức, một nghiên cứu về tác động của quá trình chuyển đổi năng lượng đối với thị trường lao động ở Việt Nam đang được tiến hành. Nghiên cứu này sẽ cung cấp thêm bằng chứng về tiềm năng chuyển đổi việc làm trong ngành.
Trước mắt, Việt Nam đã cùng các đối tác quốc tế ký cam kết Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng toàn diện (JETP). Là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất trên thế giới trước biến đổi khí hậu, Việt Nam đang hướng đến mục tiêu trở thành quốc gia dẫn đầu khu vực, và thậm chí toàn cầu trong việc chuyển đổi ngành năng lượng và chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang các nguồn năng lượng bền vững, như năng lượng mặt trời và năng lượng gió.
Việc nhấn mạnh vào “công bằng” trong JETP là rất quan trọng. Đối với sự hợp tác phát triển của Đức, người dân phải luôn là trung tâm trong những nỗ lực chung của chúng ta với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Kinh nghiệm của Đức là một ví dụ về cách CĐNL công bằng có thể kích thích tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm trên nhiều lĩnh vực khác nhau.
PV: Áp lực chuyển đổi năng lượng của Việt Nam rất lớn, buộc quá trình này phải diễn ra với tốc độ cao và kéo theo đòi hỏi về khả năng cung cấp lực lượng lao động có tay nghề chuyên môn. Theo quan điểm của ông, liệu điều này có khiến lao động Việt Nam khó cạnh tranh với lao động nước ngoài ngay trên “sân nhà”?
Ông Santiago Alonso Rodiguez: Chắc chắn, tình hình hiện tại đòi hỏi một lực lượng lao động có tay nghề cao. Việt Nam đã thể hiện những nỗ lực đáng kể trong việc nâng cao kỹ năng nghề cho lực lượng lao động trong những năm qua và đã xây dựng các mục tiêu đầy tham vọng trong Chiến lược Giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030.
Trên cơ sở này, Việt Nam có thể tận dụng tiềm năng của quá trình chuyển đổi năng lượng bằng cách tiếp tục xây dựng năng lực của người lao động thông qua các hoạt động đào tạo nghề gắn với nhu cầu về năng lượng tái tạo và các ngành nghề xanh khác, bao gồm các chương trình đào tạo lại, đào tạo nâng cao kỹ năng nghề. Với các Chương trình đào tạo ngắn hạn và dài hạn, chất lượng cao, theo định hướng nhu cầu Việt Nam có thể thu hẹp khoảng cách kỹ năng một cách hiệu quả, đảm bảo rằng kỹ năng của người lao động có khả năng cạnh tranh ở cả trong nước và quốc tế.
PV: Theo quan điểm của ông, Việt Nam cần ưu tiên những giải pháp nào để có thể đẩy nhanh công tác đào tạo nghề, cung cấp việc làm xanh cho các đối tượng chịu ảnh hưởng từ quá trình chuyển đổi năng lượng?
Ông Santiago Alonso Rodiguez: Chính năng lực chuyên môn của lực lượng lao động cuối cùng sẽ quyết định tốc độ và khả năng mà Việt Nam có thể đạt được mục tiêu liên quan đến phát thải. Để trang bị cho lực lượng lao động những năng lực định hướng nhu cầu cho quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng, hệ thống Giáo dục nghề nghiệp sẽ cần hợp tác rất chặt chẽ với khối doanh nghiệp. Các bên liên quan đến đào tạo nghề cần hiểu rõ yêu cầu năng lực của doanh nghiệp và tích cực thu hút doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo và đánh giá để học viên có thể rèn luyện được các kỹ năng cần thiết cho ngành.
Thông qua Chương trình “Đổi mới Đào tạo nghề Việt Nam” mà Đức và Việt Nam đang hợp tác triển khai, chúng tôi đã xây dựng nền tảng cho quá trình chuyển đổi việc làm bằng cách phát triển các chương trình đào tạo cho các ngành nghề kỹ thuật như điện và cơ điện tử, là cơ sở để đào tạo thêm cho người lao động về năng lượng tái tạo. Các chương trình đào tạo dựa trên tiêu chuẩn quốc tế và Đức và tuân thủ các quy định và yêu cầu của Việt Nam. Cùng với các doanh nghiệp tiên phong như Festo, Schneider Electrics, IBS và Trường Cao đẳng nghề Ninh Thuận, chúng tôi đã bắt đầu phát triển các mô-đun nâng cao kỹ năng cho các kỹ thuật viên năng lượng tái tạo, ví dụ như lắp đặt năng lượng mặt trời trên mái nhà. Mỗi năm, 35.000 học viên được hưởng lợi trực tiếp và gián tiếp từ hợp tác phát triển Việt - Đức trong đào tạo nghề tại 11 trường cao đẳng đối tác. 79% sinh viên tốt nghiệp tìm được việc làm phù hợp với ngành đào tạo trong vòng 6 tháng. Các chương trình đào tạo đều dựa trên tiêu chuẩn quốc tế và tiêu chuẩn Đức cũng như các quy định và yêu cầu của Việt Nam.
Với sự hỗ trợ của Chương trình Hợp tác Phát triển Đức, các hội đồng kỹ năng với khối doanh nghiệp đang được thí điểm ở tất cả các cấp dạy nghề tại Việt Nam, trong đó có hội đồng kỹ năng mảng năng lượng tái tạo. Các hội đồng này là một công cụ quan trọng trong việc thu hút khối doanh nghiệp vào công tác phát triển lực lượng lao động của tương lai.
Ngoài ra, cần xác định và điều chỉnh Chương trình đào tạo cho các ngành nghề năng lượng xanh. Điều này không có nghĩa là tạo ra nhiều ngành nghề mới, mà chủ yếu là tạo ra các mô-đun nâng cao kỹ năng cho các ngành nghề hiện có. Hệ thống Giáo dục nghề nghiệp cũng cần cung cấp các cơ hội đào tạo lại và đào tạo nâng cao kỹ năng theo định hướng nhu cầu và linh hoạt cho những người làm các ngành nghề liên quan đến nhiên liệu hóa thạch để đảm bảo rằng họ có thể tìm được việc làm tốt trong các lĩnh vực khác.
Chương trình hợp tác phát triển của Đức thúc đẩy các chính sách cho một hệ thống đào tạo nghề mở, linh hoạt, xanh và hòa nhập với các lộ trình đào tạo lại và đào tạo nâng cao kỹ năng. Hệ thống Giáo dục nghề nghiệp cần phải được dễ dàng tiếp cận với với thanh niên, các nhóm yếu thế và người lao động ở các khu vực bị ảnh hưởng. Hơn nữa, chúng tôi tư vấn việc mô-đun hóa các chương trình đào tạo và điều chỉnh các cấp độ đào tạo nghề khác nhau để thúc đẩy tinh thần học tập suốt đời.
Cuối cùng, thúc đẩy tính hòa nhập trong đào tạo nghề là một ưu tiên đối với chúng tôi, thúc đẩy các cơ hội bình đẳng, nguồn lực, tiếng nói và quyền của các nhóm và khu vực yếu thế trước tác động của quá trình chuyển đổi năng lượng. Một hệ thống giáo dục nghề nghiệp mạnh mẽ cần được bổ sung bởi các hệ thống thông tin thị trường lao động cập nhật, các dịch vụ tư vấn nghề nghiệp và mạng lưới kết nối việc làm, môi trường kinh doanh hòa nhập, thúc đẩy tinh thần kinh doanh và các cơ chế bảo trợ xã hội hiệu quả. Đây chính là cơ sở để Việt Nam xây dựng một lực lượng lao động đa dạng, được chuẩn bị tốt để đáp ứng nhu cầu năng lượng thay đổi trong tương lai và vượt trội trong nền kinh tế toàn cầu xanh đang không ngừng phát triển.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!