Vương quốc Anh hợp tác cùng Việt Nam trong chuyển đổi năng lượng xanh
(TN&MT) - Hiện tại, Vương quốc Anh đang có nhiều hỗ trợ, hợp tác mạnh mẽ cùng Việt Nam trong quá trình chuyển đổi năng lượng xanh, hướng tới mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Bên lề Diễn đàn và Triển lãm Kinh tế xanh 2024 (GEFE 2024) vừa diễn ra thành công tại TP.HCM, phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã phỏng vấn bà Rhiannon Harries, Phó Cao uỷ Thương mại Anh tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương về quá trình hợp tác, hỗ trợ của Vương quốc Anh đối với quá trình chuyển đổi năng lượng, phát triển kinh tế xanh tại Việt Nam.
Thưa bà, Vương quốc Anh đang phát triển và thúc đẩy những chương trình hợp tác cụ thể nào tại Đông Nam Á để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng?
Bà Rhiannon: Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam là khu vực thiết yếu đối với tăng trưởng và an ninh toàn cầu, đồng thời cũng đang phải đối mặt với những thách thức của tình trạng biến đổi khí hậu. Đây cũng là khu vực đang có quá trình chuyển đổi năng lượng sạch, phát triển kinh tế xanh diễn ra mạnh mẽ.
Theo dự báo, nền kinh tế xanh có thể mang lại cho ASEAN giá trị 229 tỷ bảng Anh (300 tỷ đô la Mỹ) hàng năm vào năm 2030, tương đương với 5% GDP của khu vực này.
Vương quốc Anh hiện đang hợp tác với ASEAN để thúc đẩy hợp tác về năng lượng và cơ sở hạ tầng: từ việc cung cấp hỗ trợ tài chính và hỗ trợ kỹ thuật, đến việc các doanh nghiệp tư nhân Anh tham gia đầu tư các dự án liên quan.
Về cơ sở hạ tầng, thông qua các định chế tài chính, Vương quốc Anh sẽ hỗ trợ nguồn tài chính mới, dài hạn cho cơ sở hạ tầng sạch tại Đông Nam Á. Điều này bao gồm khoản đầu tư lên tới 110 triệu bảng Anh của Vương quốc Anh vào Quỹ Tài chính Xanh Xúc tác ASEAN (ASEAN’s Green Catalytic Finance Facility).
Về năng lượng, Anh Quốc là quốc gia đi đầu thế giới về năng lượng sạch, có thị trường điện gió ngoài khơi lớn nhất châu Âu, và lớn thứ 2 trên thế giới. Chúng tôi sẵn sàng hợp tác với các quốc gia Đông Nam Á trong quá trình chuyển đổi năng lượng sạch.
Trong tháng 7 vừa qua tại Viên Chăn (Lào), Bộ trưởng Ngoại giao Anh, David Lammy, đã công bố Quỹ Chuyển đổi Xanh ASEAN – Vương quốc Anh (ASEAN-UK Green Transition Fund) có giá trị lên tới 40 triệu bảng Anh. Mục tiêu của Quỹ nhằm giúp ASEAN giảm phát thải trong các lĩnh vực chính, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế xanh và cải thiện cuộc sống cũng như sinh kế của những người dễ bị tổn thương.
Theo tôi, việc hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng sạch và khí hậu của Đông Nam Á cũng sẽ thúc đẩy các cơ hội hợp tác giữa doanh nghiệp Anh và ASEAN khi nền kinh tế xanh của chúng ta cùng phát triển.
PV: Còn đối với Việt Nam, Vương quốc Anh cũng đang có những đóng góp quan trọng trong quá trình chuyển đổi năng lượng sạch. Bà có thể nói rõ hơn về các hoạt động hợp tác năng lượng hiện tại giữa chính phủ Anh và Việt Nam?
Bà Rhiannon: Biến đổi khí hậu là một thách thức toàn cầu đòi hỏi các giải pháp toàn cầu và quan hệ đối tác là chìa khóa trong nỗ lực nhằm chế ngự thách thức này.
Với vị thế là nền kinh tế lớn đầu tiên đưa vào luật cam kết đạt phát thải carbon ròng bằng 0 vào vào năm 2050, Vương quốc Anh luôn nhận thức được trách nhiệm và đảm bảo tiềm lực để hỗ trợ Việt Nam trong quá trình chuyển đổi năng lượng.
Điển hình nhất cho hỗ trợ của Vương quốc Anh đối với nỗ lực chuyển đổi xanh của Việt Nam là thông qua sự đồng lãnh đạo của Vương quốc Anh trong Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) của Việt Nam.
JETP là sáng kiến lớn hợp tác với Chính phủ Việt Nam, cam kết lên tới 15,5 tỷ đô la Mỹ từ các đối tác quốc tế và khu vực tư nhân để huy động đầu tư vào năng lượng tái tạo nhằm giảm dần sự phụ thuộc vào than. Đây là một trong những giải pháp trọng tâm để Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng 0 của chính phủ vào năm 2050.
Bên cạnh JETP, Vương quốc Anh đang hỗ trợ quá trình chuyển đổi xanh của Việt Nam thông qua chương trình Đối tác chuyển đổi khí hậu tăng tốc (UK PACT). Chương trình này cung cấp hỗ trợ kỹ thuật tập trung vào giảm thiểu khí hậu trên nhiều lĩnh vực.
Trong đó, Dự án tài chính xanh của UK PACT, do EY và The Asia Foundation thực hiện đang hợp tác với Chính phủ Việt Nam để giúp các doanh nghiệp địa phương đưa các rủi ro và cơ hội về khí hậu vào chiến lược kinh doanh của họ nhằm cải thiện khả năng tiếp cận nguồn tài chính bền vững.
Ngoài ra, Dự án trái phiếu xanh do Quỹ Carbon Trust triển khai đang hợp tác với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước để hoàn thiện hướng dẫn về phát hành trái phiếu xanh và xây dựng nhận thức và năng lực cần thiết cho các bên tham gia thị trường nhằm tăng cường phát hành trái phiếu xanh tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, chúng tôi đang hợp tác với Việt Nam để hỗ trợ phát triển một trung tâm tài chính khu vực/quốc tế, trong đó định vị tài chính xanh đóng vai trò chủ chốt.
Ngoài các chương trình trọng điểm, Đại sứ quán và Lãnh sự quán Anh tại Việt Nam đã hợp tác chặt chẽ với các bộ, ngành và các bên liên quan để cung cấp các hoạt động xây dựng năng lực trong một số lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực năng lượng.
Đặc biệt, theo định hướng của Chính phủ Anh, các định chế tài chính, doanh nghiệp Anh đã và đang có nhiều cơ chế tài chính hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng, phát triển kinh tế xanh tại Việt Nam.
Bà có thể chia sẻ về cách các công ty Anh đang hỗ trợ nền kinh tế xanh của Việt Nam?
Bà Rhiannon: Vào tháng 5 năm 2024, Ngân hàng HSBC đã sắp xếp Khoản vay liên kết bền vững (SLL) đầu tiên cho Gemadept – một doanh nghiệp vận tải hàng hải tại Việt Nam. Gemadept hiện đang và sẽ tiếp tục đo lường và báo cáo 3 phạm vi phát thải khí nhà kính tại các cảng của mình, đồng thời hướng tới mục tiêu đáp ứng các tiêu chuẩn cảng xanh tại Việt Nam do Cục Hàng hải Việt Nam ban hành.
HSBC và Leader Energy của Malaysia, một công ty con do HNG Capital sở hữu hoàn toàn, đã ký thỏa thuận tài trợ xanh cho khoản vay 7 năm để hỗ trợ tái cấp vốn cho Vĩnh Hảo 6 (VH6), một dự án điện mặt trời 50MW mới được mua lại.
Vào tháng 7 /2024, HSBC đã cung cấp cho Tập đoàn Mavin khoản vay liên kết phát triển bền vững đầu tiên để hỗ trợ các hoạt động bền vững và nỗ lực cải thiện các chỉ số phát triển bền vững cốt lõi so với các mục tiêu năm 2023, bao gồm giảm tiêu thụ năng lượng, giảm thiểu chất thải và đảm bảo an toàn và vệ sinh
Ngoài ra, Công ty InfraCo Asia của Tập đoàn phát triển cơ sở hạ tầng tư nhân (PIDG) đã cung cấp khoản vay chuyển đổi trị giá 4 triệu đô la Mỹ cho Dat Bike, nhà sản xuất xe máy điện phát triển nhanh nhất tại Việt Nam. Khoản vay sẽ cho phép Dat Bike tăng gấp đôi năng lực sản xuất thông qua việc mở rộng cơ sở, tối ưu hóa công cụ và tăng cường tự động hóa.
Chúng tôi tin tưởng rằng, với những hỗ trợ, hợp tác cả về cấp Chính phủ và cấp doanh nghiệp, quá trình chuyển đổi năng lượng sạch của Việt Nam sẽ diễn ra đúng kế hoạch.
Xin cảm ơn bà !