Phát triển Xanh

Việt Nam thúc đẩy chuyển dịch năng lượng hướng tới mục tiêu Net Zezo

Nguyễn Quỳnh 21/10/2024 - 18:21

(TN&MT) - Việt Nam có tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

thao-luan.jpg
Các khách mời trao đổi tại Hội thảo "Năng lượng tái tạo và Hiệu suất năng lượng" tại khuôn khổ Diễn đàn và Triển lãm kinh tế xanh 2024

Chiều 21/10, trong khuôn khổ Diễn đàn và Triển lãm Kinh tế Xanh GEFE năm 2024 đã diễn ra Hội thảo “Năng lượng tái tạo và Hiệu suất năng lượng”. Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận về tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam cũng như các cơ chế, chính sách, pháp luật, quy định, tiêu chuẩn hướng đến mục tiêu về chuyển đổi năng lượng bền vững trong thời gian tới.

Ông Tăng Thế Hùng, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết: Chuyển dịch năng lượng hiện đang là một xu thế của toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. Theo đó, hướng tới phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong thực hiện chuyển dịch năng lượng. Điều đó ĐÃ được thể hiện rất rõ trong những chính sách ban hành gần đây, đặc biệt là trong quy hoạch, phát triển tổng thể năng lượng quốc gia và quy hoạch phát triển điện VIII.

mr-tang-the-hung.jpg
Ông Tăng Thế Hùng, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) phát biểu

Ông Tăng Thế Hùng cũng thông tin: Hiện tại, Bộ Công Thương cũng đang tham mưu cho Chính phủ thực hiện xây dựng một loạt khung chính sách và pháp luật để thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo nói riêng và toàn bộ ngành điện nói chung; trong đó có Luật Điện lực sửa đổi, Luật Đầu tư công, Luật Quy hoạch…

Ông Ananth Chikkatur, Giám đốc Chương trình Năng lượng phát thải thấp II (V-LEEP II) - USAID Việt Nam cũng cho rằng: Quy hoạch điện VIII tạo ra nhiều cơ hội để phát triển năng lượng tái tạo, từ đó có thể tạo ra những chuyển đổi lớn về chuyển dịch năng lượng tái tạo trong vài năm tới. Song, ngoài những chính sách về năng lượng thì Chính phủ Việt Nam cần có thêm những cơ chế trao đổi tín chỉ carbon.

dai-bieu.jpg
Hội thảo "Năng lượng tái tạo và Hiệu suất năng lượng" tại khuôn khổ Diễn đàn và Triển lãm kinh tế xanh 2024 thu hút nhiều sự quan tâm của các khách mời quốc tế và trong nước

Ông Stuart Livesey, đại diện COP, đơn vị phát triển dự án, quản lý xây dựng và vận hành các dự án điện gió ngoài khơi chia sẻ: Chính phủ Việt Nam đặt ra mục tiêu về Net zero vào năm 2050, nhiều doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam cũng cam kết theo mô hình phát triển xanh bằng cách sử dụng năng lượng xanh. Vì vậy, điện gió ngoài khơi là một trong những giải pháp quan trọng để chuyển dịch năng lượng xanh tại Việt Nam. Tuy vậy, nhu cầu về vốn cho năng lượng tái tạo ngày càng lớn và Việt Nam cần có giải pháp về vấn đề này.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Hải, đối tác tại Công ty TNHH Baker & McKenzie cho biết: Quy định thỏa thuận mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn theo Nghị định 80/2024 là một trong những điều mà nhà đầu tư năng lượng tái tạo và khách hàng đặc biệt quan tâm. Vì vậy, Việt Nam cần sớm hiện thực hóa quy định này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam thúc đẩy chuyển dịch năng lượng hướng tới mục tiêu Net Zezo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO