Môi trường

Việt Nam sẵn sàng chia sẻ lợi ích và nghĩa vụ

Minh Thư (thực hiện) 21/12/2023 - 08:47

(TN&MT) - Đoàn Việt Nam tham gia sự kiện bao gồm 16 thành viên là đại diện của các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Ngoại giao, Công Thương, Tư pháp, Công an, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đoàn đàm phán của Việt Nam đã tích cực tham gia thảo luận các nội dung, đạt mục tiêu đề ra, phù hợp với chỉ đạo và phân công nhiệm vụ của Trưởng ban công tác đàm phán. Để hiểu hơn các nội dung này, phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trao đổi với ông Lê Ngọc Tuấn - Vụ trưởng Hợp tác quốc tế (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Trưởng đoàn đàm phán của Việt Nam.

small_mr-le-ngoc-tuan.jpg
Ông Lê Ngọc Tuấn - Vụ trưởng Hợp tác quốc tế (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Trưởng đoàn đàm phán của Việt Nam.

PV: Xin ông cho biết những nội dung mà Việt Nam đã chia sẻ với đối tác các nước tại Phiên họp lần thứ 3 này?

Ông Lê Ngọc Tuấn: Tham gia vào INC-3 lần này, Đoàn đã đề xuất lời văn gửi Ủy ban đàm phán để đưa vào Dự thảo nhằm bảo vệ quyền lợi của Việt Nam, đồng thời chủ động phát biểu nêu ý kiến. Các thành viên đoàn chủ động, có trách nhiệm trong việc tham gia thảo luận xây dựng dự thảo Thỏa thuận trên tinh thần bám sát quan điểm, chủ trương, chính sách, pháp luật Việt Nam, các điều ước quốc tế về môi trường mà Việt Nam là thành viên, phù hợp với điều kiện và trình độ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tăng cường vận động, thu hút nguồn lực về tài chính và công nghệ để thực hiện Thỏa thuận.

Các phát biểu của đoàn tập trung vào quan điểm của Việt Nam đã được phê duyệt tại Đề án tham gia đàm phán, trong đó nêu các nội dung liên quan đến việc ủng hộ cách tiếp cận vòng đời của nhựa trên cơ sở hợp tác và chia sẻ lợi ích cũng như nghĩa vụ giữa các nước thành viên, đặt lợi ích kinh tế song song với mục tiêu bảo vệ môi trường và giảm thiểu tiến tới chấm dứt ô nhiễm nhựa. Đoàn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xem xét các nghĩa vụ bắt buộc phải tính đến điều kiện và hoàn cảnh của từng quốc gia, ủng hộ nguyên tắc và quan điểm của các nước có điều kiện tương đương trong khu vực, đề xuất hỗ trợ về công nghệ, tài chính và ưu tiên việc triển khai giảm thiểu tiến tới chấm dứt ô nhiễm nhựa theo lộ trình cho các nước đang phát triển để không làm ảnh hưởng đến phát triển kinh tế của các nước này.

PV: Trên cơ sở kết quả của Hội nghị INC-3, chúng ta cần chuẩn bị gì cho quá trình đàm phán tiếp theo, thưa ông?

Ông Lê Ngọc Tuấn: Nhìn chung, Hội nghị INC-3 mặc dù còn nhiều quan điểm khác biệt và không thống nhất được nội dung về các Phiên họp giữa kỳ nhưng cũng đã được các kết quả trong quá trình thảo luận với việc các nước đưa ra đề xuất để Ủy ban đàm phán đưa vào Dự thảo số 0 sửa đổi. Theo đó, các cuộc đàm phán trực tiếp và cụ thể sẽ chủ yếu diễn ra từ Hội nghị INC-4 ở Canada trước khi bước vào Hội nghị đàm phán cuối cùng INC-5 tại Hàn Quốc.

Với việc các nội dung đàm phán lời văn cụ thể của Dự thảo Thỏa thuận sẽ bắt đầu tại Canada vào tháng 4 năm 2024, do đó, các thành viên của Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, ngành liên quan cần khẩn trương tiến hành nghiên cứu, rà soát, đề xuất phương án đàm phán đưa vào Phương án đàm phán khung của Việt Nam để có cơ sở tham gia các Hội nghị INC-4 và INC-5 trong năm 2024, cụ thể là:

Về quan điểm và mục tiêu: Việt Nam tham gia tích cực, chủ động và trách nhiệm vào quá trình đàm phán xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa nhằm giải quyết một trong những thách thức nghiêm trọng đối với môi trường và sức khỏe con người. Đồng thời bảo vệ lợi ích hợp pháp của Việt Nam với tư cách là một quốc gia đang phát triển; tận dụng được các cơ hội hợp tác quốc tế từ Thỏa thuận, đóng góp cho việc giải quyết ô nhiễm nhựa, bảo vệ môi trường trong nước, nâng cao năng lực và chuyển giao công nghệ để giảm thiểu, tiến tới chấm dứt ô nhiễm nhựa; đề xuất hài hòa hóa các nội dung của Thỏa thuận đối với việc xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật trong nước về quản lý ô nhiễm nhựa theo toàn vòng đời của nhựa.

Tham gia đóng góp trách nhiệm vào quá trình đàm phán xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa; Thúc đẩy các hoạt động hợp tác, vận động và thu hút nguồn lực tài chính, công nghệ, tri thức, quản trị phục vụ công tác quản lý, xử lý ô nhiễm nhựa tại Việt Nam; tạo khuôn khổ cho các cơ quan của Việt Nam tham gia các dự án, chương trình hợp tác quốc tế và khu vực về ô nhiễm nhựa; Bảo đảm quá trình tham gia đàm phán xây dựng Thỏa thuận phù hợp với các quy định, điều ước quốc tế, các công cụ pháp lý toàn cầu liên quan đến môi trường mà Việt Nam là thành viên.

Về phương án đàm phán: Các bộ, ngành tham gia Ban công tác đàm phán căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ nghiên cứu, rà soát, đánh giá và đề xuất phương án đàm phán gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường tổng hợp thành Phương án đàm phán khung trên cơ sở tuân thủ các nguyên tắc của Luật Điều ước quốc tế năm 2016, đảm bảo lợi ích của nước và phù hợp với điều kiện phát triển của đất nước, trên cơ sở tham khảo các quan điểm của nhóm các nước có cùng điều kiện và trình độ phát triển. Các thành viên Ban công tác đàm phán theo phân công của Trưởng Ban công tác đàm phán chịu trách nhiệm đề xuất và tham gia đàm phán các nội dung trong Dự thảo số 0 sửa đổi. Đối với những vấn đề phát sinh ngoài thẩm quyền quyết định, các thành viên Ban công tác đàm phán báo cáo Trưởng ban công tác đàm phán trình Thủ tướng Chính phủ xin chỉ đạo.

Về phân công chuẩn bị nội dung đàm phán: Các bộ, ngành liên quan tập trung triển khai một số nội dung: Chủ động thu thập tổng hợp thông tin, xây dựng báo cáo đánh giá hiện trạng sản xuất, sử dụng, thải bỏ, tái chế và xử lý sản phẩm nhựa về những nội dung liên quan thuộc trách nhiệm quản lý để phục vụ xây dựng phương án đàm phán và đàm phán.

Tổ chức nghiên cứu đánh giá các tác động về chính sách và kinh tế - xã hội đối với ngành, lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý trên cơ sở các nghĩa vụ được đưa ra đàm phán trong quá trình đàm phán Thỏa thuận.

PV: Sau Hội nghị INC-3, ông có đánh giá như thế nào về thuận lợi và khó khăn khi tham gia đàm phán xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa?

Ông Lê Ngọc Tuấn: Trong quá trình tham gia đàm phán xây dựng Thỏa thuận, chúng ta có nhiều thuận lợi, đó là việc Đảng, Nhà nước đã ban hành chủ trương, chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế tuần hoàn, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, Luật Bảo vệ môi trường 2020, các chiến lược, kế hoạch hành động quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn, chất thải nhựa đại dương. Trong đó, nhiều chủ trương, chính sách pháp luật của Việt Nam được các đối tác quốc tế đánh giá phù hợp với xu thế toàn cầu về giải quyết ô nhiễm nhựa, đặc biệt là Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa trong tương lai.

Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận, quá trình đàm phán xây dựng Thỏa thuận với sự tham gia của nhiều bên liên quan, gồm các đối tượng là nhà quản lý, ban hành chính sách, các đối tượng hưởng lợi và chịu tác động được dự báo sẽ là quá trình phức tạp, nhiều vấn đề khó có thể sẽ nảy sinh. Mức độ phức tạp và căng thẳng sẽ tăng dần trong quá trình đàm phán khi càng đi sâu vào thảo luận nội dung các điều khoản, đặc biệt là các điều khoản về nghĩa vụ bắt buộc cũng như các điều khoản về giải quyết tranh chấp (sử dụng công cụ kinh tế hoặc chế tài đối với việc vi phạm nghĩa vụ đã cam kết). Cũng như quá trình đàm phán các công ước, thỏa thuận toàn cầu khác về môi trường, quá trình đàm phán Thỏa thuận được dự báo sẽ diễn ra nhanh, có tính động lớn. Do đó, xây dựng được phương án đàm phán đối với Thỏa thuận này vừa phải đảm bảo có độ mở và tính linh hoạt dựa trên các quan điểm, mục tiêu và khung đàm phán vừa có thể bảo vệ được quyền và lợi ích chính đáng của quốc gia đang phát triển như Việt Nam là một thách thức không nhỏ trong thời gian tới.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam sẵn sàng chia sẻ lợi ích và nghĩa vụ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO