Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Lê Công Thành cho biết, thực hiện Chương trình công tác của Chính phủ năm 2022, Bộ TN&MT được giao chủ trì xây dựng Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Trên cơ sở kết quả rà soát, Bộ đã trình Chính phủ hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật, Chính phủ đã trình Quốc hội và được Quốc hội đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 tại Nghị quyết số 50/2022/QH15 ngày 13/6/2022 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.
Đồng thời, Bộ TN&MT đã khẩn trương xây dựng dự thảo Luật tập trung vào 4 nhóm chính sách mà Chính phủ đã trình Quốc hội và được Quốc hội thông qua, bao gồm: Bảo đảm an ninh nguồn nước; Xã hội hoá ngành nước; Kinh tế tài nguyên nước; Bảo vệ tài nguyên nước, phòng chống tác hại do nước gây ra và đề xuất sửa đổi bổ sung một số chính sách khác.
Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ TN&MT đã chỉ đạo cơ quan xây dựng học hỏi kinh nghiệm các nước trên thế giới thông qua sự hỗ trợ của quốc tế như: chuyên gia Úc về khan hiếm và điều hoà, phân bổ tài nguyên nước; chuyên gia Hà Lan về trữ nước, hành lang bảo vệ nguồn nước và nước ngầm; chuyên gia WB về kinh tế nước; chuyên gia Pháp về quản lý tổng hợp lưu vực sông; chuyên gia Hàn Quốc về cải tạo, phục hồi dòng sông, cơ sở thông tin, số liệu; chuyên gia Mỹ liên quan đến nội dung về bảo vệ lòng, bờ, bãi sông; chuyên gia Ý liên quan đến điều hành, vận hành hồ chứa nước... để phân tích, lựa chọn các chính sách phù hợp với điều kiện của Việt Nam.
Phần Lan với thế mạnh là công nghệ bổ cập nước ngầm, các cố vấn cấp cao, chuyên gia về tài nguyên nước. Vì vậy, Thứ trưởng Lê Công Thành đề nghị phía Phần Lan thúc đẩy kết nối xây dựng Dự án về tài nguyên nước để chia sẻ kinh nghiệp về chính sách quản lý, công nghệ; các giải pháp phục hồi, bảo vệ các khu vực, tầng chứa nước dưới đất bị suy giảm mực nước, ô nhiễm, nhiễm mặn thông qua các biện pháp quản lý, công nghệ bổ sung nhân tạo nước dưới đất.
“Đặc biệt, việc chia sẻ kinh nghiệm quốc tế và tri thức, công nghệ trong quản lý nguồn nước là rất cần thiết và quan trọng nhằm giúp Bộ TN&MT xây dựng được dự thảo Luật tài nguyên nước (sửa đổi) hoàn chỉnh, tiếp cận những kinh nghiệm quản lý tiên tiến của Thế giới và phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam” – Thứ trưởng Lê Công Thành nhấn mạnh.
Theo ông Antti Kurvinen, Bộ trưởng Bộ Nông lâm Phần Lan, quản lý hiệu quả việc cung cấp và sử dụng nguồn nước ở Phần Lan là nền tảng cho những thành công vượt trội mà ngành công nghiệp nước của quốc gia này đạt được. Không phức tạp rườm rà, không dựa trên những ưu đãi của thiên nhiên, tối ưu hoá công nghệ và quản lý một cách logic, các chuyên gia Phần Lan đã tạo ra một “bản sắc” trong lĩnh vực này.
Theo đó, ở Phần Lan, các chu trình sử dụng và quản lý nguồn nước không phải lúc nào cũng đòi hỏi công nghệ tiên tiến và những khoản đầu tư lớn. Thông thường, người ta áp dụng các giải pháp khác nhau đối với đặc điểm và điều kiện của từng địa phương. Bộ trưởng Bộ Nông lâm Phần Lan cho rằng quan trọng là phải tăng cường năng lực quản lý của chính quyền địa phương và các bên liên quan khác như huy động khối doanh nghiệp tư nhân cùng tham gia quản trị tài nguyên nước. Đặc biệt, Phần Lan luôn nhận thức được tầm quan trọng của việc phát triển khoa học kỹ thuật. Trong đó, Phần Lan đã tập trung vào việc phát triển những giải pháp linh hoạt nhằm đáp ứng các nhu cầu về nước trong tương lai cũng như đáp ứng những thay đổi về điều kiện tự nhiên một cách thích hợp nhất bằng việc ứng dụng các công nghệ tiên tiến vào từng hộ gia đình, như công nghệ vòi nước và toilet tiết kiệm nước.
Chia sẻ tại Hội thảo, đại diện Hiệp hội nước Phần Lan cũng cho biết, sử dụng nước hiệu quả không chỉ giúp tiết kiệm nguồn nước mà còn tiết kiệm năng lượng và các tài nguyên khác. Mặc dù Phần Lan nằm trong nhóm các nước có mật độ dân số thưa thớt nhất thế giới và điều kiện khí hậu khắc nghiệt với mùa đông lạnh và dài, nhưng việc đưa nước sạch tới từng hộ dân luôn được bảo đảm với chi phí thấp nhất.
Cùng với đó, mặc dù ở Phần Lan, nguồn nước vô cùng dồi dào, nhưng mọi người dân đều phải trả phí để sử dụng nước sạch. Hoá đơn tiền nước hàng tháng bao gồm chi phí cho việc cung cấp nước cũng như xử lý nước thải sinh hoạt sau khi sử dụng. Để tính toán chính xác, Phần Lan đã nghiên cứu và phát triển công nghệ quản lý nguồn nước để theo dõi kỹ lưỡng nước sinh hoạt. Đó cũng chính là chìa khoá mang lại sự tối ưu cho nhà nước trong quản lý cũng như nâng cao ý thức của người dân trong việc sử dụng nước sạch.
Tại Hội thảo, đại diện Hiệp hội nước Phần Lan, các công ty, doanh nghiệp của Phần Lan đã chia sẻ kinh nghiệm quản lý tài nguyên nước trong đó tập trung vào các nội dung như: công nghệ, trí thức và kinh nghiệm toàn cầu trong quản lý nguồn nước của Phần Lan; giải pháp bổ cập nước ngầm – kinh nghiệm đến từ vùng Turku của Phần Lan; kỹ thuật kiên tạo giải pháp trong ngành nước và môi trường từ Phần Lan; các giải pháp bảo tồn hợp lý nguồn nước sạch dùng trong đời sống hàng ngày tại Phần Lan và trên thế giới.
Bên cạnh đó, Hội thảo cũng là cơ hội để kết nối các doanh nghiệp Phần Lan và Việt Nam thúc đẩy hợp tác tìm giải pháp để sử dụng hợp lý, quản lý bền vững nguồn tài nguyên nước tại 2 quốc gia.