Một số khu vực trên thế giới có nhiều hoạt động do Liên minh tăng cường làm mát hỗ trợ |
Sáng kiến quản lý vòng đời các chất Fluorocarbon do Nhật Bản phát động tại Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP25) cuối năm 2019. Sáng kiến này ra đời với mục tiêu giảm thiểu phát thải và đóng góp cho việc giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu cũng như suy giảm tầng ô-dôn thông qua việc giới thiệu những chính sách và công nghệ phù hợp, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững và tạo thêm việc làm chất lượng.
Fluorocarbons là một chất làm lạnh phổ biến trong thế kỷ 20, nhưng hiện đã bị loại bỏ vì gây suy giảm tầng ô-dôn. Tuy nhiên, đối với các thiết bị cũ vẫn còn tồn lưu Fluorocarbons thì cần một cơ chế quản lý hiệu quả. Việc hạn chế phát thải các chất Fluorocarbon trong suốt vòng đời của nó bao gồm chống rò rỉ trong sử dụng và xả thải không qua xử lý.
Sáng kiến quản lý vòng đời các chất Fluorocarbon do Nhật Bản đề xướng tập trung vào hợp tác xây dựng và thực hiện kế hoạch giảm phát thải các chất Fluorocarbons; thúc đẩy kiểm kê các chất Fluorocarbons; tăng dòng tài chính cho việc quản lý vòng đời các chất Fluorocarbons.
Ngoài ra, các quốc gia tham gia Sáng kiến sẽ chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn, tăng cường quan hệ đối tác với khu vực tư nhân và thúc đẩy nghiên cứu khả thi và các dự án trình diễn công nghệ…
Cuối năm 2019, Bộ TN&MT Việt Nam cũng nhận được thư của Văn phòng Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UN Environment) khu vực châu Á, Thái Bình Dương về việc đề nghị Việt Nam xem xét, tham gia Liên minh tăng cường hiệu quả làm mát (Cool Coalition). Bộ TN&MT đang báo cáo Chính phủ và xin ý kiến từ các Bộ, ngành liên quan để xem xét khả năng tham gia Liên minh này.
Liên minh được chính thức thành lập tại Hội nghị Thượng đỉnh Liên Hợp Quốc Cùng hành động vì khí hậu (UN Climate Action Submit) diễn ra tại Hoa Kỳ vào tháng 9/2019.
Mục tiêu cơ bản là hỗ trợ các quốc gia thành viên thực hiện những hành động toàn diện về làm mát hiệu quả và thân thiện với khí hậu, được đề ra trong Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của mỗi quốc gia, đồng thời phù hợp với Thỏa thuận Paris, Bản sửa đổi, bổ sung Kigali và các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc.
Các hành động chính bao gồm: Nâng cao nhận thức về làm mát hiệu quả và thân thiện với khí hậu. Tăng cường hợp tác hiệu quả với các bên liên quan thực hiện các hành động liên ngành, xuyên suốt để làm mát hiệu quả và thân thiện với khí hậu. Hỗ trợ thực hiện các cam kết về làm mát hiệu quả và thân thiện với khí hậu.
Liên minh được xây dựng theo cơ chế tham gia tự nguyện, không quy định nghĩa vụ và trách nhiệm pháp lý của các quốc gia và các tổ chức. Đến tháng 2/2020, theo thống kê của của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc, Liên minh đã có hơn 80 thành viên, bao gồm hơn 20 quốc gia.