Việt Nam chuyển động tổng thể vì mục tiêu cam kết tại COP26: Giải bài toán nguồn lực

Trung Nguyên| 18/08/2022 14:33

(TN&MT) - Cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050 mang đến cơ hội để Việt Nam tận dụng sự dịch chuyển của nguồn tài chính toàn cầu cho phát triển ít phát thải, tăng cường sự tham gia của khối tư nhân. Thách thức hiện nay là cần đổi mới phương thức tiếp cận các nguồn tài trợ BĐKH, cũng như lồng ghép vấn đề môi trường và khí hậu vào các chiến lược tài chính doanh nghiệp.

473 tỷ USD cho ứng phó BĐKH đến 2050

Tại Hội nghị “Thu hút nguồn lực hỗ trợ thực hiện các mục tiêu phát triển xanh và phát triển bền vững” vừa diễn ra, ông Phạm Văn Tấn - Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT) cho biết, để thực hiện các cam kết, đến năm 2050, Việt Nam cần thêm khoảng 100 tỷ USD cho thích ứng BĐKH, 373 tỷ USD để đưa mức phát thải về “0”. Trong đó, phần cam kết không điều kiện đến từ các biện pháp chính sách và ngân sách Nhà nước, đầu tư của doanh nghiệp trong và ngoài nước, vốn vay thương mại và sự đóng góp, đầu tư của người dân. Phần cam kết có điều kiện nếu được cung cấp tài chính quốc tế thích hợp và đầy đủ thông qua các khoản tài chính viện trợ không hoàn lại, phần ưu đãi trong vốn vay, các nguồn tài chính, công nghệ và tăng cường năng lực theo các cơ chế trong khuôn khổ Công ước khung của Liên hợp quốc và Thỏa thuận Paris.

a1(1).jpg
Các dự án vì mục tiêu canh, bền vững sẽ rộng cửa đón nguồn vốn đầu tư

Theo bà Phạm Thị Thanh Tùng - Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước), Việt Nam được đánh giá là một trong 38 thị trường đang phát triển có những bước tiến đáng kể trong nỗ lực thúc đẩy ngành tài chính ngân hàng hướng tới phát triển bền vững. Thứ hạng của Việt Nam khá cao so với các nước châu Á và toàn cầu trong các chính sách liên quan đến Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) về thực hiện Thỏa thuận Paris.

Qua thu thập thông tin nhanh từ 21 tổ chức quốc tế có hoạt động tài trợ xanh tại Việt Nam, số lượng các tổ chức đầu tư vào lĩnh vực xanh từ sau năm 2020 đến nay tăng nhanh, gấp 2,5 lần so với các giai đoạn trước. Họ mong muốn đóng góp cho các vấn đề về môi trường của Việt Nam, qua đó nâng cao thương hiệu của tổ chức và mở rộng kế hoạch kinh doanh.

Hầu hết các tổ chức đều quan tâm tài trợ cho các dự án liên quan đến năng lượng xanh tại Việt Nam, một số thậm chí đã có kế hoạch cụ thể về số vốn cung cấp. Tiêu chí đánh giá, lựa chọn phê duyệt cấp tín dụng xanh hàng đầu của các tổ chức là tính khả thi và an toàn, tiếp theo là hồ sơ doanh nghiệp, tác động đến môi trường của dự án và lịch sử tuân thủ các quy định về môi trường của chủ đầu tư.

Giảm rủi ro trong đầu tư xanh

Mặc dù thị trường có nhu cầu và các nhà đầu tư sẵn sàng xuống vốn, nhưng khung pháp lý thiếu sự đảm bảo vẫn gây trở ngại lớn. Việc cấp tín dụng xanh đòi hỏi yếu tố kỹ thuật về môi trường chuyên sâu, khó khăn cho cán bộ tín dụng trong việc thẩm định, đánh giá hiệu quả của dự án, khả năng trả nợ của khách hàng. Công tác giám sát và quản lý rủi ro khi cấp tín dụng hiện cũng thiếu quy định tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá công cụ đo lường tác động đến môi trường.

Các tổ chức tín dụng cũng gặp khó khi thời gian đầu tư vào các ngành/lĩnh vực xanh, nhất là lĩnh vực năng lượng tái tạo, công trình xanh thường đòi hỏi thời gian hoàn vốn dài, chi phí đầu tư lớn, trong khi nguồn vốn cho vay thường là vốn huy động ngắn hạn. Bên cạnh đó, ý thức bảo vệ môi trường của người dân, doanh nghiệp nhìn chung chưa cao, dẫn đến bị xử phạt vi phạm pháp luật về môi trường và ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án, tiềm ẩn rủi ro thu hồi nợ.

Để giải quyết những thách thức này, theo ông Muthukuramara Mani - Trưởng nhóm kinh tế Môi trường và BĐKH (Ngân hàng Thế giới), Việt Nam cần kết hợp cải cách quy định pháp lý và các biện pháp khuyến khích cho cả đơn vị cung cấp tín dụng và bên đi vay. Để tăng dòng tài chính xanh, Nhà nước phải ban hành các hướng dẫn rõ ràng về định nghĩa xanh, tiêu chí đánh giá và tiêu chuẩn báo cáo; cơ chế giám sát tài chính xanh nhằm tạo ra một sân chơi bình đẳng giữa các tổ chức tín dụng. Chính phủ có thể khuyến khích cung cấp tín dụng xanh bằng cách cung cấp nguồn vốn hạt giống dài hạn để bổ sung nguồn tài chính của các ngân hàng dành cho các dự án xanh. Ông Darryl James Dong, chuyên gia tài chính cao cấp của IFC cho biết, ngoài lĩnh vực chuyển đổi năng lượng, nhu cầu nguồn lực cho thích ứng và chống chịu với tác động của BĐKH tại Việt Nam cũng rất lớn. Trong tương lai không xa, việc doanh nghiệp hay chủ một công trình quyết định đầu tư chống ngập cho tài sản của mình là hoàn toàn bình thường. Bởi vậy, cơ chế chính sách hoàn thiện sẽ giúp người có nhu cầu thực sự tiếp cận nguồn vốn nhanh chóng, đúng đối tượng và tăng tính minh bạch. Từ đó, thúc đẩy nguồn vốn xanh của Việt Nam phát triển hơn.

anh-mt-01.jpg

Ông Trần Như Long - Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Quảng Ninh:

Đề nghị không quy hoạch thêm nhà máy nhiệt điện trên địa bàn

Là một trong những tỉnh, thành của Việt Nam chịu nhiều tác động của BĐKH, Quảng Ninh đang thực hiện nhiều giải pháp ứng phó thông qua việc triển khai thực hiện Chiến lược Quốc gia về BĐKH và Chiến lược Quốc gia về Tăng trưởng xanh.

Hiện Quảng Ninh đang xây dựng và hoàn thiện Báo cáo Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã cập nhật và đưa vào Quy hoạch tỉnh phương án ứng phó với BĐKH theo mục tiêu COP26 đề ra. Cụ thể, triển khai nhóm phương án thích ứng với BĐKH, trong đó có các phương án riêng đối với từng lĩnh vực; đặc biệt, chú trọng thúc đẩy việc thay thế các nhà máy nhiệt điện chạy bằng than và khí bằng năng lượng tái tạo, hướng tới phát thải ròng bằng “0” đến năm 2050.

Tuy nhiên, hiện nay, tổng công suất 7 nhà máy điện trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đạt 5.640MW, chiếm 16% tổng công suất các nhà máy điện than của cả nước. Trong vòng 10 năm tới, vòng đời hoạt động của các nhà máy vẫn trong thời gian hoạt động theo Giấy chứng nhận đầu tư dự án. Trong trường hợp ngừng vận hành sẽ ảnh hưởng đến an ninh năng lượng quốc gia (riêng năm 2022, tổng nhu cầu hệ thống điện quốc gia đạt 275,510 tỷ kWh, trong đó, nhiệt điện than chiếm 124,624 tỷ kWh, sản lượng điện của 7 nhà máy nhiệt điện than tại Quảng Ninh chiếm 38,1 tỷ, khoảng 30,5% sản lượng điện quốc gia).

Nếu các nhà máy nhiệt điện trên địa bàn tỉnh dừng hoạt động sẽ ảnh hưởng nguồn thu ngân sách hàng nghìn tỷ đồng, cũng như ảnh hưởng việc làm đến hàng nghìn lao động ngành than.

Vì vậy, đề nghị Bộ Công Thương xem xét không quy hoạch thêm một số nhà máy nhiệt điện (Nhà máy nhiệt điện than Quảng Ninh III công suất 3.200MW, Nhà máy nhiệt điện Mạo Khê II công suất 600MW) và thay vào đó là quy hoạch phát triển các nhà máy điện khí tại khu vực Cẩm Phả, Quảng Yên, Hải Hà.

Cùng với đó, các bộ, ngành, cơ quan Trung ương cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ các địa phương nói chung và Quảng Ninh nói riêng trong việc triển khai thực hiện đảm bảo cam kết của Việt Nam tại COP26, đồng thời vẫn đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

PHẠM HOẠCH

a-bay-pgd-so-cong-thuong-tt-hue.jpg

Ông Nguyễn Lương Bảy - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Thừa Thiên - Huế:

Phát triển công nghiệp đi đôi với kiểm soát tốt các tiêu chuẩn về môi trường

Thừa Thiên - Huế đang nỗ lực trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh; du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, công nghệ thông tin và truyền thông là đột phá, công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao là nền tảng... góp phần thực hiện mục tiêu cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26.

Với những kế hoạch và chính sách cụ thể đã và đang triển khai, tỉnh Thừa Thiên - Huế sẽ từng bước đa dạng hóa nguồn cung năng lượng tái tạo, đặc biệt là các nguồn sinh khối, năng lượng mặt trời, điện khí, điện gió... từ đó có cơ sở để đầu tư, bổ sung vào nguồn năng lượng quốc gia; xây dựng trung tâm điện khí tại khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô. Thúc đẩy chuyển dịch mô hình kinh tế đô thị theo hướng tăng trưởng xanh. Thúc đẩy quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên, nhiên liệu, nguyên vật liệu, khuyến khích phát triển các nguồn tài nguyên, nhiên liệu, nguyên vật liệu và sản phẩm thân thiện môi trường, có thể tái tạo, tái sử dụng và tái chế; thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững trên nền tảng đổi mới, sáng tạo, thực hành và phát triển các mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững, đẩy mạnh sản xuất và tiêu dùng nội địa bền vững, tạo việc làm ổn định và việc làm xanh, thúc đẩy lối sống bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, hướng đến phát triển nền kinh tế tuần hoàn.

Thời gian tới, tỉnh tiếp tục tập trung cơ cấu lại các ngành kinh tế, trong đó, tập trung ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp, phát triển công nghiệp đi đôi với kiểm soát tốt các tiêu chuẩn về môi trường. Ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, năng lượng sạch, các ngành chế biến sâu, công nghệ thông tin và phần mềm nhằm góp phần đạt được mục tiêu chung của quốc gia cam kết tại Hội nghị COP26....

VĂN DINH

ong-dat-pgd-so-kon-tum.jpg

Ông Trương Đạt - Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Kon Tum:

Đồng tâm thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26

Để triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26, UBND tỉnh Kon Tum đã có nhiều văn bản chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai thực hiện, trong đó, tập trung vào 3 nội dung chính có liên quan trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, tỉnh Kon Tum lồng ghép mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp triển khai kết quả Hội nghị COP26 vào nội dung quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; đồng thời, huy động nguồn lực tổ chức triển khai các nhiệm vụ, giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH), giảm phát thải khí nhà kính và tham gia các chương trình, dự án theo cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon dựa trên tiềm năng, lợi thế của địa phương; xây dựng và triển khai thực hiện các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức, tập huấn ứng phó với BĐKH.

Sở TN&MT tỉnh Kon Tum cũng đã dự thảo văn bản tham mưu UBND tỉnh phân công triển khai thực hiện Quyết định số 888/QĐ-TTg ngày 25/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị COP26 trên địa bàn tỉnh; triển khai xây dựng Đề cương Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí theo quy định Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, góp phần thực hiện thành công mục tiêu giảm phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Thời gian tới, Kon Tum sẽ tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt về các cam kết của Việt Nam tại COP26. Tỉnh Kon Tum rất mong Trung ương sớm có các cơ chế, chính sách hỗ trợ địa phương trong công tác tập huấn, tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng; tăng cường đào tạo, tập huấn nâng cao chất lượng và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong công tác ứng phó với BĐKH tại địa phương. Đồng thời, đề xuất các bộ, ban, ngành Trung ương hỗ trợ địa phương về kinh phí, trang thiết bị để đáp ứng thực hiện các nhiệm vụ, dự án thuộc danh mục ưu tiên cần thực hiện của Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH của tỉnh Kon Tum và các dự án khác thuộc chương trình nhằm đạt được hiệu quả cao nhất.

QUẾ MAI

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam chuyển động tổng thể vì mục tiêu cam kết tại COP26: Giải bài toán nguồn lực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO