Việt Nam bước đầu vượt thách thức, nỗ lực đạt mức cao nhất các chỉ tiêu năm 2020

Tuyết Chinh – Khương Trung| 16/06/2020 10:17

(TN&MT) - Các đại biểu Quốc hội thống nhất đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần khai thác tối đa thị trường trong nước, đồng thời phải phòng ngừa, ứng phó với bất ổn từ bên ngoài.

Trong 2 ngày thảo luận tại hội trường về kinh tế - xã hội và quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, đã có 82 đại biểu Quốc hội phát biểu và có 16 đại biểu tham gia tranh luận về một số vấn đề mà các đại biểu quan tâm.

Đa số các đại biểu Quốc hội đều cơ bản thống nhất với nội dung Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính Ngân sách và Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước.

Nội dung ý kiến rất phong phú, đa dạng, sâu sắc và bao quát mọi lĩnh vực, vấn đề, vụ việc được cử tri và nhân dân quan tâm đặc biệt là những ảnh hưởng to lớn của đại dịch COVID-19 đến mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội nước ta.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu kết luận chiều 15/6. Ảnh: Quốc Khánh

Nước ta đã bước đầu vượt qua khó khăn, thách thức

Về kết quả thực hiện kế hoạch năm 2019. Các đại biểu đều đánh giá, năm 2019 mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, nhưng là năm thành công khá toàn diện trên mọi lĩnh vực mục tiêu đề ra. Các chỉ tiêu đánh giá, bổ sung đều cao hơn số đã báo cáo Quốc hội nhất là về tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách nhà nước.

Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện, sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, tinh giản biên chế, phòng, chống tham nhũng, lãng phí đạt kết quả tích cực. Quốc phòng an ninh được giữ vững, hoạt động đối ngoại diễn ra sôi động. Các lĩnh vực giáo dục, đào tạo, y tế, khoa học và công nghệ, lao động, việc làm có những chuyển biến tích cực.

Các đại biểu Quốc hội cũng đồng tình với đánh giá của Chính phủ về những tồn tại, hạn chế và phân tích sâu sắc thêm, đồng thời mong muốn Chính phủ có những giải pháp tích cực để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thời gian tới như vấn đề đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tê, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, chất lượng, tiến độ triển khai các dự án trọng điểm quốc gia và các dự án đầu tư công còn chậm.

Các đại biểu đề nghị phải nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý điều hành của Chính phủ và chính quyền các cấp.

Về kết quả thực hiện kế hoạch những tháng đầu năm 2020, các đại biểu cho rằng, 6 tháng qua, cả nước đã căng mình ra chống dịch, đồng thời do nền kinh tế nước ta có độ mở lớn, hội nhập quốc tế sâu rộng đã và đang chịu nhiều tác động ảnh hưởng nghiêm trọng do gián đoạn chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại dẫn đến đình trệ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đã tác động trực tiếp đến các ngành như xuất khẩu, nhập khẩu hàng không, du lịch, dịch vụ y tế, giáo dục, lao động, việc làm.

Mặc dù khó khăn, thử thách diễn ra rất lớn, phức tạp, rất nhanh và chưa từng thấy. Song đất nước ta đã bước đầu vượt qua những khó khăn, thách thức đó một cách vững vàng, kiên cường và hiệu quả.

Quốc hội ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao công tác phòng, chống đại dịch, giữ ổn định kinh tế - xã hội như thời gian vừa qua.

Kết quả đạt được là do sự đồng tình, hưởng ứng, chấp hành nghiêm túc của cả hệ thống chính trị và tầng lớp nhân dân trước lời kêu gọi của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng, sự lãnh đạo kịp thời, chủ động của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội.

Đặc biệt là sự chỉ đạo quyết liệt, hành động kịp thời của Chính phủ và chính quyền các cấp, nhiều sự hy sinh thầm lặng, vượt khó của đội ngũ cán bộ y tế, quân đội, công an, nhà báo, các tập thể, cá nhân, nhất là trên tuyến đầu chống dịch được trân trọng và vinh danh.

Đến nay, dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát, tỷ lệ người mắc trên quy mô dân số rất thấp, chưa có trường hợp tử vong do dịch bệnh.

Đồng thời, Đảng và Nhà nước đã có những chính sách kịp thời để từng bước hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn của đại dịch.

Nhờ đó mà các hoạt động kinh tế - xã hội để khôi phục tình hình kinh tế - xã hội đang có xu hướng chuyển biến tích cực. Nhân dân ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và sự chỉ đạo của Chính phủ, được cộng đồng quốc tế hoan nghênh, đánh giá cao, nâng cao vai trò, khẳng định vị thế và hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế, càng khẳng định tính ưu việt của chế độ ta.

Nhiều ĐBQH quan tâm vấn đề an ninh nguồn nước, tình hình biến đổi khí hậu

Các đại biểu cơ bản thống nhất với đánh giá của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch những tháng đầu năm 2020 của Chính phủ và cho rằng năm 2020 là năm cuối cùng của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 diễn ra trong bối cảnh hết sức đặc biệt, vừa thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch, đồng thời nhanh chóng khởi động, phục hồi lại nền kinh tế, bảo đảm an sinh và ổn định xã hội.

Một số ý kiến đại biểu đề nghị tiếp tục triển khai hiệu quả các gói hỗ trợ đảm bảo khả thi, đúng đối tượng, xử lý nghiêm các tổ chức và cá nhân cố tình làm trái và trục lợi chính sách.

Nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm vấn đề biến đổi khí hậu. Ảnh: Quốc Khánh

Các đại biểu cũng quan tâm đến vấn đề phát triển cơ sở hạ tầng, nâng cao đời sống vật chất, văn hóa của đồng bào các dân tộc, công tác xóa đói, giảm nghèo ở vùng sâu, vùng xa, nhất là khu vực Tây Nguyên, Tây Bắc, Tây Nam Bộ.

Có ý kiến đề nghị cần có các giải pháp để phấn đấu hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020. Nghiên cứu đề xuất các chính sách cho giai đoạn tiếp theo…

Nhiều đại biểu quan tâm về vấn đề phát triển nông nghiệp, cơ cấu lại ngành chăn nuôi, tổ chức tái đàn lợn, khoanh nuôi, bảo vệ, phát triển rừng, kiến nghị tăng mức hỗ trợ khoán bảo vệ rừng cho phù hợp với tình hình thực tế.

Các ý kiến đề nghị Chính phủ tiếp tục các giải pháp đảm bảo nguồn cung thịt lợn trong ngắn hạn và sớm có kế hoạch bài bản, dài hạn, tổ chức tái đàn, tăng đàn lợn như đã báo cáo trước Quốc hội.

Nhiều ý kiến quan tâm, phân tích sâu sắc về vấn đề an ninh nguồn nước, tình hình biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp đã gây ra hạn hán, sạt lở, lũ quét, mưa đá, giông lốc ở nhiều tỉnh, xâm nhập mặn nghiêm trọng tại vùng đồng bằng sông Cửu Long, thiếu nước ngọt làm ảnh hưởng tới trồng trọt, nuôi trồng thủy sản và đời sống của người dân.

Về vấn đề này, các đại biểu đề nghị Chính phủ cần tập trung để đưa ra các giải pháp cụ thể, khả thi, hỗ trợ phát triển bền vững, toàn diện và mang tính lâu dài.

Một số ý kiến quan tâm đến các vấn đề quản lý, điều tiết điện lực, việc thực hiện quy hoạch phát triển điện lực, nhất là cần quy hoạch phát triển năng lượng mới, tái tạo, vấn đề xuất khẩu các sản phẩm thuộc lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, trong đó có vấn đề xuất khẩu gạo.

Đẩy mạnh các giải pháp phục hồi

Nhiều ý kiến đại biểu cơ bản nhất trí cho rằng trong bối cảnh đại dịch COVID-19 có thể kéo dài, kinh tế thế giới còn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất định khó lường, các đại biểu đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần khai thác tối đa thị trường trong nước, đồng thời phải phòng ngừa, ứng phó với bất ổn từ bên ngoài. Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội về sinh kế, về việc làm, đời sống đối với người lao động, người nghèo và người yếu thế.

Đồng thời, tiếp tục tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, hấp dẫn, tận dụng thời cơ có các giải pháp phù hợp với tình hình và xu thế mới, có khả năng cạnh tranh khu vực và quốc tế. Khắc phục, tháo gỡ khó khăn về sản xuất kinh doanh, chuẩn bị nguồn lực, xây dựng các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, thu hút đầu tư, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.

Một số ý kiến đề nghị đẩy mạnh hơn nữa các giải pháp phục hồi, phát triển ngành du lịch nhằm khai thác có hiệu quả các lợi thế về điều kiện tự nhiên, văn hóa, lịch sử truyền thống và sự ổn định xã hội sau đại dịch.

Với các kiến nghị, giải pháp cụ thể của Chính phủ, nhiều đại biểu thống nhất với đề nghị của Chính phủ và kiến nghị đưa các nội dung vào Nghị quyết chung của kỳ họp.

Trong đó, chưa điều chỉnh các chỉ tiêu về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2020 theo các Nghị quyết của Quốc hội. Nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức đạt mức cao nhất các chỉ tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020.

Chính phủ cần chủ động điều hành trên nguyên tắc của Luật Ngân sách nhà nước, giảm thu đồng thời với giảm chi tương ứng. Cho phép kéo dài thời kỳ ổn định ngân sách nhà nước giai đoạn 2017-2020 sang năm 2021 và lùi thời gian ban hành định mức phân bổ dự toán chi ngân sách nhà nước để áp dụng cho thời kỳ ổn định ngân sách mới.

Bên cạnh đó, chưa thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng theo quy định và trợ cấp ưu đãi cho người có công từ 1.7.2020 nhằm chia sẻ những khó khăn chung của người dân và doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên cũng có ý kiến đề nghị nên điều chỉnh lương hưu, trợ cấp cho người có công.

Đối với các kiến nghị về dự án tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông; chương trình mục tiêu đầu tư vùng dân tộc thiểu số và miền núi, về ưu đãi thuế để thu hút đầu tư, về nội dung liên quan đến Luật Xây dựng đã được Quốc hội xem xét quyết định tại kỳ họp này khi thông qua các luật và nghị quyết. Đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đề nghị Chính phủ khẩn trương báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định, bảo đảm đúng quy định của pháp luật, kịp thời tháo gỡ khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam bước đầu vượt thách thức, nỗ lực đạt mức cao nhất các chỉ tiêu năm 2020
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO