Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản: Nâng cao ứng dụng khoa học công nghệ

Mai Đan – Thu Trang| 20/05/2020 12:04

(TN&MT) - Là một trong những tập thể điển hình tiên tiến ngành tài nguyên và môi trường giai đoạn 2016-2018, Phòng Kiến tạo và Địa mạo của Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản đã góp phần giúp cho Bộ Tài nguyên và Môi trường có những nghiên cứu khoa học, đạt được nhiều thành tích, tạo dựng niềm tin của nhân dân đối với Bộ trong việc ứng dụng khoa học địa chất trong phát triển kinh tế xã hội và phòng chống thiên tai, lũ lụt, sạt lở… trong những năm qua.

Ông Hồ Tiến Chung – Trưởng Phòng Kiến tạo và Địa mạo, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản trao đổi với phóng viên Báo TN&MT

Đam mê “lấn át” khó khăn

Phòng Kiến tạo và Địa mạo là một đơn vị trực thuộc Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản được thành lập từ năm 1965 thuộc Đoàn nghiên cứu 45 (tiền thân của Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản). Hiện tại, phòng có 9 viên chức, trong đó có 2 nghiên cứu sinh (1 NCS trong nước và 1 NCS tại Đức), 3 thạc sĩ, 1 kỹ sư và 3 cử nhân. Phòng có đội ngũ nghiên cứu có kinh nghiệm nhiều năm trong nghiên cứu về cấu trúc - kiến tạo, địa mạo - tân kiến tạo, trầm tích đệ tứ, địa chất karst, di sản địa chất và công viên địa chất. Phòng được trang bị nhiều trang thiết bị như: các thiết bị khảo sát hang động, quan trắc thủy văn karst, phân tích ảnh hàng không... để phục vụ công tác nghiên cứu.

Phòng Kiến tạo và Địa mạo là một trong những phòng chuyên môn đóng vai trò rất quan trọng trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản của Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản nói riêng cũng như của ngành địa chất nói chung. Để có những định hướng nghiên cứu thích hợp với tình hình phát triển khoa học công nghệ trên thế giới trong giai đoạn hiện nay, đồng thời đáp ứng được nhu cầu cấp thiết của công cuộc hội nhập và phát triển kinh tế của nước ta và nhất là để tồn tại và phát triển trong quá trình cải cách cơ cấu quản lý nhà nước đối với khối nghiên cứu khoa học, trong giai đoạn từ năm 2016 – 2018, Phòng Kiến tạo và Địa mạo đã góp một phần không nhỏ trong việc thực hiện các nhiệm vụ trọng yếu được Bộ TN&MT giao.

Cụ thể, Phòng đã hoàn thành các nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng hàng năm bên cạnh đó, triển khai và thực hiện tốt nhiệm vụ khoa học công nghệ theo Nghị định thư: “Nghiên cứu triển khai công nghệ khai thác bền vững tài nguyên nước ở các vùng đá vôi Việt Nam, áp dụng thử nghiệm ở một số khu vực thuộc công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang” (2012-2018). “Đóng góp vào công tác xây dựng hồ sơ Công viên địa chất non nước Cao Bằng”, “Điều tra, cập nhật bổ sung thông tin hiện trạng và khoanh vùng nguy cơ trượt lở đất đá khu vực 05 xã trọng điểm thuộc huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình”, … Ngoài ra, trong năm 2017-2018, Phòng Kiến tạo và Địa mạo đã tích cực tham gia xây dựng, bảo vệ thành công và hiện đang triển khai đề tài khoa học công nghệ cấp Nhà nước (thực hiện 2018-2020): “Nghiên cứu kiến thức bản địa về di sản địa chất, góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng, thúc đẩy du lịch ở một số công viên địa chất Việt Nam”.

Được vinh dự là tập thể điển hình tiên tiến ngành Tài nguyên và Môi trường (giai đoạn 2016-2018), Phòng Kiến tạo và Địa mạo đã có những cố gắng nỗ lực lớn trong thời gian vừa qua.

Cán bộ nghiên cứu của Phòng Kiến tạo và Địa mạo đang khảo sát trượt lở ngoài hiện trường

Ông Hồ Tiến Chung – Trưởng phòng Kiến tạo và Địa mạo chia sẻ, địa chất là ngành vất vả, mức độ khó khăn cao, đòi hỏi phải kiên trì và có lòng đam mê nghề nghiệp.

“Khó khăn là vậy, thế nhưng các thành viên của phòng vẫn hết mình nỗ lực thực hiện những nhiệm vụ được giao, giúp đỡ các đồng bào, cư dân, hộ dân đang phải ứng phó với những biến đổi do thiên tai gây ra” – ông Hồ Tiến Chung chia sẻ thêm.

Kể về một nhiệm vụ đáng nhớ nhất, ông Hồ Tiến Chung cho biết: Phòng đã tham gia nhiều nhiệm vụ được giao, nhưng đáng nhớ nhất là nhiệm vụ khắc phục hậu quả thiên tai ở Hoà Bình năm 2017. Đợt đó, tỉnh Hoà Bình đang chịu hậu quả của các trận lũ lụt rất lớn, Bộ TN&MT đã nhanh tay chung sức khắc phục hậu quả thiên tai. Vào thời điểm đó, Phòng cũng tham gia vào dự án, nhận nhiệm vụ của Bộ giao và xuống địa phương ở tỉnh Hoà Bình.

"Nhiệm vụ của Phòng là làm công tác ổn định lòng dân, đánh giá tình hình thiện tai và tìm các địa điểm tái định cư bị ảnh hưởng bởi thiên tai, đồng thời thực hiện điều tra khảo sát một số xã trọng điểm. Nhờ sự vào cuộc quyết liệt và kịp thời, dự báo và cảnh báo đúng và trúng, Phòng đã được tỉnh Hòa Bình đánh giá rất cao và người dân cũng tin tưởng ở Bộ nhiều hơn về khả năng cảnh báo thiên tai” - ông Hồ Tiến Chung cho biết thêm.

"Vất và là vậy nhưng những lời động viên và sự công nhận của nhân dân đối với công việc mà Phòng thực hiện đã giúp cho Phòng có động lực hơn trong công việc" - ông Hồ Tiến Chung nhấn mạnh.

“Dở khóc, dở cười” với những tình huống khó khăn

Chia sẻ với phóng viên về những khó khăn trong khi nhận nhiệm vụ trong việc cảnh báo người dân về việc sụt lún đất ở ven Sông Đà, ông Hồ Tiến Chung cho biết, nhiều lúc khó khăn cũng từ sự phản ứng của chính người dân.

“Phòng đã gặp không ít trở ngại trong một lần thực hiện công tác nghiên cứu nhằm giải phóng và di dời sớm với các hộ dân ven sông Đà ở Hòa Bình cũng trong năm 2018. Đó là thời điểm mùa lũ, thủy điện Hòa Bình xả nước, ven sông có nguy cơ sạt lở, vì thế Phòng Kiến tạo và Địa mạo đã giúp tỉnh Hòa Bình đánh giá lại tình hình nguy cơ sạt lở trong đó kiến nghị ngay lập tức phải di dời 29 hộ dân. Tuy nhiên, lúc đó một số hộ dân đã phản ứng rất dữ dội vì việc di dời này ảnh hưởng rất lớn đến kế sinh nhai của họ”.

Cán bộ Phòng Kiến tạo và Địa mạo tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của người dân bản địa về mức độ nguy hiểm của tai biến địa chất và cách phòng tránh, đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão

“Trước những vướng mắc gặp phải với người dân, nhóm làm việc của Phòng Kiến tạo và Địa mạo đã báo cáo lại với chính quyền địa phương vào cuộc giải quyết và địa phương cũng đã cử công an xuống hỗ trợ nhóm. Thế nhưng công việc lại càng khó khăn hơn khi người dân lại cự tuyệt và phản kháng lại bằng cách đóng cửa không cho nhóm vào để thực hiện nhiệm vụ. Sau đó một năm, hiện tượng sạt lở thực sự xảy ra. Khi nhà nghiêng, người dân mới bắt đầu lo và yêu cầu chính quyền giúp đỡ” – ông Hồ Tiến Chung chia sẻ.

Khó khăn trên chỉ là một trong rất nhiều nhiệm vụ gian nan mà nhóm đã gặp phải. Tuy nhiên, theo ông Hồ Tiến Chung, dù trong hoàn cảnh nào đi chăng nữa, Phòng Kiến tạo và Địa mạo cũng nỗ lực vượt qua và góp phần đưa Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản ngày càng phát triển.

Đặc biệt, trong thời gian tới, để góp phần hơn nữa vào công cuộc xây dựng và phát triển ngành tài nguyên và môi trường, ông Hồ Tiến Chung nhấn mạnh: “Trong thời gian tới, Phòng sẽ tham mưu cho Viện kiến nghị đến Bộ TN&MT, để Bộ giúp đơn vị thực hiện và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Ngoài ra, Viện cũng sẽ nâng cao việc ứng dụng khoa học công nghệ vào công việc, nhằm “bắt kịp”, hoà nhập với thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, đồng thời khắc phục những khó khăn, vướng mắc mà Viện đang gặp phải”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản: Nâng cao ứng dụng khoa học công nghệ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO