Vì sao Đề án giao đất, giao rừng tại Quảng Ninh chậm tiến độ?

Phạm Hoạch| 29/01/2021 12:22

(TN&MT) - Đề án giao đất, giao rừng được tỉnh Quảng Ninh triển khai hơn 10 năm qua, nhưng đến thời điểm hiện tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh vẫn chưa hoàn thành Đề án theo chỉ đạo của tỉnh. Trong khi đó, hàng trăm hộ dân trên địa bàn tỉnh rất cần đất để sản xuất, tạo sinh kế lâu dài, phát triển kinh tế, ổn định đời sống, đây là thực trạng đang tồn tại ở Quảng Ninh.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hiện Quảng Ninh có trên 422.000 ha rừng, trong đó 70% diện tích là rừng và đất lâm nghiệp, được phân bố tại 13 huyện, thị xã và thành phố trên địa bàn tỉnh.

Người dân xã Bằng Cả, TP.Hạ Long chăm sóc rừng keo lấy gỗ

Ngay khi Đề án giao đất, giao rừng theo Quyết định 3079 ngày 8/10/2009 do UBND tỉnh Quảng Ninh ban hành, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã triển khai với nhiều giải pháp cụ thể như: Thuê đơn vị tư vấn xây dựng đề án tổng thể làm cơ sở xây dựng phương án cụ thể đối với từng xã; thành lập ban chỉ đạo thực hiện Đề án giao đất, giao rừng của địa phương. Ban chỉ đạo giao các xã phối hợp với đơn vị tư vấn để triển khai việc giao đất, giao rừng, thuê đất, thuê rừng cho các hộ gia đình và cộng đồng dân cư thôn.

Cụ thể, các xã đã tổ chức họp dân, hướng dẫn các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn, bản thực hiện các thủ tục cần thiết để giao đất, giao rừng; các quy định về sản xuất kinh doanh, bảo vệ rừng. Tính đến thời điểm này, đã có 8/13 địa phương đã hoàn thành Đề án giao đất, giao rừng. Tuy nhiên, vẫn còn 5 địa phương chưa xây dựng xong Đề án giao đất, giao rừng gồm: Uông Bí, Hạ Long, Vân Đồn, Quảng Yên và Cô Tô.

Vẫn còn nhiều diện tích rừng trên các đảo thuộc huyện Vân Đồn rơi vào tình trạng chồng lấn, tranh chấp

Theo kết quả rà soát của Sở TN&MT tỉnh Quảng Ninh, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã tiến hành giao đất, cho thuê đất đối với trên 34.000 hộ gia đình cá nhân với tổng diện tích trên 138.000 ha đất rừng, đất nuôi trồng thủy sản.

Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh vẫn còn trên 6.000 hộ dân đang quản lý, khai thác, sử dụng trên 21.000 ha đất rừng nhưng vẫn chưa đủ thủ tục để được giao và cho thuê theo quy định của pháp luật. Tình trạng này đang tồn tại nhiều năm qua ở các địa phương như: TP.Uông Bí có trên 1.300 hộ dân đang sử dụng trên 12.000 ha,TP.Hạ Long có trên 900 hộ dân đang sử dụng trên 2.400 ha; huyện Vân Đồn có trên 1.600 hộ đang sử dụng hơn 9.700ha; TX.Quảng Yên có trên 900 hộ dân đang sử dụng trên 700 ha...

Một số diện tích rừng tại Khu du lịch hồ Yên Trung, tại TP.Uông Bí xảy ra sai sót trong quá trình giao đất

Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến nảy sinh những phức tạp trong công tác quản lý và bảo vệ rừng, nhất là trong bối cảnh nhiều hộ dân đang thiếu đất rừng để sản xuất, cũng như nuôi trồng thủy sản. Điều này dẫn đến hệ lụy, nhiều hộ dân đã tự ý lấn chiếm, chặt phá rừng, đắp ao đầm vào diện tích rừng ngập mặn để nuôi trồng, sản xuất, dẫn đến diện tích rừng giảm dần.

Bên cạnh đó, một nguyên nhân khác là trong quá trình khảo sát, số liệu do đơn vị tư vấn khảo sát có sự chênh lệch với số liệu khi triển khai đề án, do khi khảo sát lập Đề án chủ yếu cập nhật trên hồ sơ, tài liệu và chỉ phúc tra tại một số điểm mà không thực hiện việc đo đạc đánh giá trữ lượng 100% diện tích tại thực địa, chưa xác minh được chính xác nguồn gốc đất, nguồn gốc rừng.

Nhiều hộ dân vùng cao huyện Bình Liêu nhờ trồng keo gỗ cho thu nhập khá, đời sống ổn định

Điều đáng nói nhiều dự án, đề án trước đây trồng rừng nhưng không còn hồ sơ để xác định chính xác đâu là diện tích rừng trồng có nguồn vốn ngân sách, đâu là rừng do dân trồng. Thêm vào đó, một số địa phương đưa diện tích đất các hộ dân sử dụng ổn định, rừng do các hộ dân tự trồng đủ điều kiện công nhận quyền sử dụng đất vào quỹ đất để giao đất, giao rừng là không phù hợp; hoặc đưa trùng diện tích đã giao cho dân, diện tích không có rừng mà là đất trồng cây lâu năm dân sử dụng ổn định vào đất Đề án...

Có thể thấy, trong quá trình triển khai thực hiện Đề án giao đất, giao rừng của tỉnh Quảng Ninh đang bị chậm tiến độ nhiều năm do gặp phải khó khăn, vướng mắc cần tập trung giải quyết, tháo gỡ. Để tháo gỡ khó khăn này, chính quyền các cấp, nhất là các địa phương và các ngành NN&PTNT và TN&MT cần vào cuộc tích cực hơn nữa để đẩy nhanh tiến độ triển khai Đề án, đáp ứng nhu cầu có đất để sản xuất, kinh doanh, góp phần ổn định cuộc sống của người dân trên địa bàn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vì sao Đề án giao đất, giao rừng tại Quảng Ninh chậm tiến độ?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO