Xã hội

Về miền cao nguyên trắng

Ghi chép của Lê Hữu Tỉnh 29/06/2023 - 10:30

(TN&MT) - Trập trùng núi, bồng bềnh mây. Chúng tôi ngược Bắc Hà (Lào Cai) vào một ngày mướt xanh cây cỏ, núi đồi, làng bản bình yên, tươi đẹp…

Bắc Hà! Giữa vùng núi non xa khuất, lại có một địa danh hao hao dưới đồng bằng? Trong trùng điệp các địa danh bản địa như: Si Ma Cai, Bát Xát, Mường Khương, Ngải Thầu, Cán Cấu, Lùng Phình, Tà Chải, Lử Thẩn, Na Hối, Na Cồ, Bản Liền, Thải Giàng Phố, Tả Củ Tỷ, Lầu Thí Ngài, Tả Van Chư…, cái địa danh pha chút Hán Việt Bắc Hà dường như có gì lạc hệ điệu? Hỏi ra mới biết, vùng đất này vốn có tên gọi là Pạc Ha, trong tiếng Tày nghĩa là “trăm bó gianh” (gianh: cỏ tranh). Thời thuộc Pháp, người Pháp ghi địa danh này bằng chữ La tinh là Pak-ha. Người Việt đọc trại thành Bắc Hà cho thuận miệng, dễ nghe, dễ viết. Thế rồi thành tên chính thức.

Còn biệt danh “Cao nguyên trắng” của Bắc Hà được hiểu mỗi khi Tết đến xuân về, núi đồi, làng bản, các nẻo đường xuôi ngược Bắc Hà được phủ một màu trắng ngút ngàn của hoa lê, hoa mận. Màu trắng tinh khôi của hai loài hoa này nhuộm trắng đất trời nơi đây. Mĩ danh “Cao nguyên trắng” ra đời từ đó.

cho-phien-bac-ha.jpg
Chợ phiên Bắc Hà

Bắc Hà nằm ở độ cao trung bình khoảng 1.200 mét so với mực nước biển. Khí hậu ôn hòa, thời tiết mát mẻ, dân cư thưa thớt, đất đai thuận lợi cho trồng trọt… đã tạo cho vùng đất này xanh mướt cỏ cây, trong sạch môi trường, yên ả, yên bình cảnh vật. Bắc Hà là cái nôi sinh thành của 14 dân tộc anh em chung sống tự bao đời, bản sắc văn hóa đa dạng sắc màu. Người Bắc Hà chân chất, mộc mạc, ấm áp nghĩa tình. “Rồi đến chị rất thương / Rồi đến em rất thảo / Ông lành như hạt gạo / Bà hiền như suối trong”. Mảnh đất, con người nơi đây ẩn chứa nhiều điều thú vị, cuốn hút những du khách ưa khám phá, trải nghiệm.

Đến Bắc Hà, hồn ta rộng mở cùng thiên nhiên đất trời mênh mang. Mận ở Bắc Hà chủ yếu là giống mận tam hoa. Vùng mận đẹp như mơ Bắc Hà nổi tiếng ở Tây Bắc, song hành cùng vùng mận Mộc Châu quen thuộc. Vào mùa xuân, sắc trắng ngần, trắng muốt của hoa mận mang lại cho mùa xuân Bắc Hà một vẻ đẹp riêng, vừa thi vị vừa mộng mơ, quyến rũ. Hết xuân, hoa mận vừa tàn, quả non lấp ló… là lúc hoa lê khoe sắc. Vào hạ, cả một vạt rừng chuyển sang tím lịm, đẹp đến ngẩn ngơ.

Chúng tôi thả bộ dạo chợ Bắc Hà. Tinh mơ, từ khắp các ngả đường, những tốp người nhấp nhô gùi hàng dập dìu xuống chợ. Mấy cô gái, mấy em nhỏ xúng xính váy áo sặc sỡ sắc màu, đôi chân rảo bước. Người miền núi dù nghèo khó khi xuống chợ vẫn dành bộ váy áo tươm tất để đi chơi chợ. Chợ phiên mà tấp nập, nhộn nhịp như chợ Tết. Từ xa, thấy thấp thoáng dòng chữ trên cổng chợ: “Chợ văn hóa Bắc Hà”. Một phần của bức tranh văn hoá các dân tộc huyện Bắc Hà là đây!

man-tam-hoa-bac-ha.jpg

Từ cổng chợ, đã náo nhiệt, ồn ã bán mua. Tiếng chào mời ngọt ngào, mộc mạc như muốn kéo người mua xích lại.

Một dãy dài cây cảnh đủ loại. Tiếp theo là những sạp hàng bày bán các loại thảo dược quý hiếm. Những cây thuốc này từ bao đời đã giúp người dân miền núi vượt qua bệnh tật, duy trì cuộc sống qua thời gian, năm tháng. Đó là quà tặng quý giá của thiên nhiên dành cho con người, nhất là người dân vùng cao xa khuất.

Chiếm một không gian rộng lớn trong chợ là mặt hàng thổ cẩm rực rỡ sắc màu, nét đặc trưng của chợ vùng cao. Vải thổ cẩm Bắc Hà giàu màu sắc, được đan dệt khéo léo, công phu, thể hiện tài nghệ, tâm hồn của người thợ thủ công cần mẫn. Nhộn nhịp bán mua còn thấy ở khu vực bán nông sản, nông cụ, gia cầm, và thú vị hơn là nơi bán gia súc như: chó, lợn, ngựa. Eng éc lợn kêu, ăng ẳng chó sủa, the thé ngựa hí… ồn ã, huyên náo một góc chợ.

Ấn tượng nhất ở chợ phiên Bắc Hà là khu ẩm thực. Ràn rạt người ăn, dấu hiệu đời sống người dân khởi sắc. Trật tự, gọn gàng, sạch sẽ, nền nếp…, đúng như dòng chữ đẹp tựa một câu thơ, được trang trọng ghi trên tấm biển: “Không gian văn hóa ẩm thực chợ phiên”. Đồ ăn thức uống ở đây mang đậm chất miền núi: thắng cố, lợn bản, gà nướng mắc khén, phở chua, bánh chưng đen, xôi bảy màu, mèn mén và các món nhậu vùng cao đa dạng.

Trong đó, được nhiều thực khách miền xuôi để mắt là món thắng cố vừa quen thuộc vừa lạ lẫm. Thắng cố có nghĩa là canh thịt. Ở chợ Bắc Hà, có đủ loại thắng cố… Thắng cố giờ không khó ăn như ngày trước mà ngọt mềm thơm ngon, có mùi vị đặc trưng lạ miệng. Một bát thắng cố nóng hổi vừa được múc ra bằng chiếc muôi gỗ từ chảo thắng cố sôi sục sục. Một bát rượu ngô Bản Phố cay nồng. Nhâm nhi nhấm nháp. Trần gian hóa thiên đường trong chốc lát, bước chân phiêu lãng, liêu xiêu.

Những sự lựa chọn khác ở khu ẩm thực này cũng không kém thú vị. Gà nướng mắc khén có mùi thơm của gia vị được tẩm ướp, có vị ngọt của thịt gà đồi cỡ nhỏ. Gia vị gồm hạt mắc khén giã mịn, cùng rau thơm, lá chanh, gừng, sả… Phở chua có bánh phở màu nâu lạ mắt, chan nước chua thơm ngon lạ miệng… Không phải ngẫu nhiên mà chợ văn hóa vùng cao Bắc Hà được nhiều du khách trong và ngoài nước tìm đến, để hòa mình, tắm mình trong không khí ồn ã, náo nhiệt nơi đây; để chiêm ngưỡng, thưởng thức, khám phá. Và cũng không phải ngẫu nhiên, chợ Bắc Hà được công nhận là một trong mười khu chợ văn hóa hấp dẫn nhất Đông Nam Á.

Hôm sau, chúng tôi dành hẳn một buổi đến xã Bản Phố - nơi khởi nguồn của danh tửu “Rượu ngô Bản Phố - Bắc Hà”. Chân khởi bước, tâm thế háo hức, chờ mong, đón đợi. Chủ nhân còn trẻ của lò rượu thủ công ở Bản Phố niềm nở tiếp đón chúng tôi. Thấy tôi hào hứng tìm hiểu về rượu ngô Bản Phố, anh chủ lò rượu sốt sắng rót mời tôi nếm thử một chén đầy. Anh chia sẻ đôi điều về thứ rượu ngô đặc sản này.

Rượu ngô Bản Phố được coi là “danh tửu” của đất Lào Cai, là rượu ngon đặc sản của người Mông ở Bản Phố, Bắc Hà. Rượu trong văn vắt, như nước suối đầu nguồn. Rượu kết tụ, hội đủ những gì tinh túy, thanh khiết, đặc trưng của mảnh đất này. Hạt ngô nấu rượu vàng ươm được trồng ở núi đá cao chót vót. Người Mông gọi là “hạt của Trời”. Men là linh hồn của rượu, được làm từ loài cỏ Hồng My trồng ở sườn đồi, ven suối. Hạt Hồng My nhỏ li ti, xay mịn như bột, rồi trộn với nước rượu đầu, nhào nhuyễn, nắm thành quả men tròn xinh, trắng ngà như chiếc bánh bao nhỏ. Phơi khô ở nơi thoáng gió, men dậy mùi thơm ngầy ngậy. Cùng với men này là nguồn nước mát lành, thanh sạch từ núi đá đầu bản và kĩ thuật chưng cất khéo léo của người dân nơi đây… Tất cả tạo nên rượu Bản Phố lừng danh khắp chốn.

Rót rượu ra từng chén nhỏ, hương rượu thoảng thơm. Nâng chén rượu lên, hương rượu càng tỏa ra nồng nàn. Nhấp một ngụm, rượu tan chảy nhẹ êm. Nhấp ngụm nữa, thấp thoáng cảm nhận hương vị kết tụ từ núi rừng, sông suối, cỏ cây. Lát sau, dư vị, dư âm của rượu vẫn nóng ấm, vẫn ran ran nơi cổ họng. Cảm giác chếnh choáng, lâng lâng. Rượu ngô Bản Phố có gì linh diệu, quyến rũ. Người Mông ở đây nói: Uống vào buổi sáng, làm việc đồng áng cả ngày không biết mệt. Uống với bạn, rượu như sợi dây vô hình kết nối tình cảm bạn bè sâu đậm, khó phai…

Chẳng thế mà nhìn gương mặt nào cũng thấy thân thương, chẳng thế mà cao hứng hát một câu phiêu du khắp một góc chợ Bắc Hà: “... Đất Bắc Hà núi non xanh biếc/ Người Bắc Hà nghĩa nặng tình sâu/ Mặt trời lên, treo ngược cành cây/ Đường lên đỉnh núi, bồng bềnh mây bay / Rượu chưa uống mà lòng ngây ngất / Phiên chợ tan mà anh chẳng muốn về / Đất Bắc Hà nhớ mong anh lắm / Người Bắc Hà như chén rượu nồng say / Ôi xao xuyến điệu khèn thương nhớ / Như tình yêu mênh mang đất trời…”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Về miền cao nguyên trắng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO