Tham dự buổi họp báo có lãnh đạo, đại diện các Bộ, Ngành Trung ương. Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành tham dự buổi họp báo.
Tại buổi họp báo, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đã thông tin với các phóng viên cơ quan báo chí về một số nội dung chính của Phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 7/2019 do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cùng ngày 1/8 và thông tin tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng năm 2019.
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, tại Phiên họp thường kỳ Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu ra nhiều việc làm đáng khen ngợi như: các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các bộ, ban, ngành, địa phương; các tổ chức chính trị, xã hội,… đã chuẩn bị và tổ chức chu đáo nhiều hoạt động đền ơn đáp nghĩa nhân ngày Thương binh liệt sĩ (27/7); Chúng ta đã hoàn thành tốt đẹp kỳ thi THPT quốc gia; 4 ngân hàng lớn đều tuyên bố hạ lãi suất để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp; Việt Nam đạt giải cao tại các kỳ thi Olympic quốc tế...
Đối với tình hình kinh tế - xã hội thời gian tới, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhắc lại những nội dung chỉ đạo của Thủ tướng về một số vấn đề cần lưu ý như: Tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp; tăng trưởng kinh tế, thương mại toàn cầu tiếp tục sụt giảm; tiếp tục kiểm soát dịch tả lợn châu Phi và nỗi lo thiếu thịt lợn dịp Tết sắp tới; lo ngại tình trạng cháy rừng trong cả nước …
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng cho biết, từ những thực tế trong nước và quốc tế như vậy, Thủ tướng lưu ý tất cả các bộ, ngành, địa phương phải tỉnh táo trong điều hành và nêu cao tinh thần trách nhiệm, quyết liệt hơn, kịp thời hơn để hoàn thành tốt nhiệm vụ những tháng cuối năm 2019. Và trước nhiều khó khăn, thách thức như vậy nhưng các tổ chức quốc tế vẫn có đánh giá tích cực tình hình, triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2019. IMF dự báo tăng trưởng của Việt Nam khoảng 6,5% năm 2019; WB dự báo tăng trưởng ở mức 6,6%; ADB lạc quan hơn với dự báo tăng trưởng 6,8%.
Tại buổi họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ thông báo một số kết quả nổi bật về tình hình kinh tế - xã hội 7 tháng như: Kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn luôn luôn được bảo đảm. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 7/2019 tăng 0,18% so với tháng trước, bình quân 7 tháng năm 2019 tăng 2,61% so với cùng kỳ, đây là mức tăng bình quân 7 tháng thấp nhất trong 3 năm gần đây.
Tổng thu ngân sách nhà nước tăng khá, cả ngân sách Trung ương và địa phương đều tăng (thu ngân sách 7 tháng đạt 891.700 tỷ đồng, bằng 63,2% dự toán); chi ngân sách nhà nước đang được siết chặt, giảm chi thường xuyên, tăng chi đầu tư phát triển và quản lý chặt bội chi ngân sách nhà nước.
Kim ngạch xuất khẩu đạt trên 145 tỷ USD, tăng 7,5%; đặc biệt tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu của khu vực trong nước tăng 12,2%, cao hơn tốc độ tăng của khu vực FDI là 5,6%; tỷ trọng của khu vực trong nước có xu hướng tăng lên, chiếm 30,3% (cùng kỳ là 29%). Xuất siêu 1,8 tỷ USD.
Sản xuất nông nghiệp còn nhiều khó khăn, nhưng ngành nông nghiệp tiếp tục có những chuyển biến tốt về chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, khơi thông các nguồn lực cho phát triển sản xuất, chế biến (đàn gia cầm tăng 7,9%; đàn bò tăng 2,6%; sản lượng thủy sản nuôi trồng tăng 6,3%; sản lượng thủy sản khai thác 4,9%; xuất khẩu một số nông sản tiếp tục tăng khá). Do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi nên đàn lợn cả nước tháng 7/2019 giảm khoảng 16% so với thời điểm năm 2018.
Sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng khá 9,4%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng cao 10,7%; ngành khai khoáng tăng nhẹ; sản xuất và phân phối điện bảo đảm cung cấp đủ điện cho sản xuất và tiêu dùng của người dân.
Khách quốc tế tháng 7/2019 đã tăng trở lại, đạt hơn 1,3 triệu lượt, tính chung 7 tháng đạt 9,8 triệu lượt, tăng 7,9%. Nhiều điểm du lịch trong nước được bình chọn là địa điểm du lịch hàng đầu châu Á, thế giới (Hà Nội là điểm ẩm thực hấp dẫn nhất thế giới, Cao Bằng top 50 điểm tham quan tốt nhất thế giới, Hội An là thành phố quyến rũ nhất thế giới năm 2019...).
Vốn FDI thực hiện đạt 10,6 tỷ USD, tăng 7,1%. Tổng giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 8,52 tỷ USD, tăng 77,8%. Có 79,3 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 4,6% về số doanh nghiệp và tăng 29,6% về vốn đăng ký. Có 24,3 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 29,9%.
Công tác an sinh xã hội, việc làm, giảm nghèo, y tế, giáo dục được chú trọng; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, đời sống người dân tiếp tục cải thiện (số hộ phát sinh thiếu đói giảm 31,7% so với cùng kỳ; hỗ trợ thiếu đói gần 3,9 nghìn tấn gạo). Việc vận động doanh nghiệp, người dân giảm sử dụng đồ nhựa một lần đang đạt kết quả tích cực.
Bên cạnh những kết quả tích cực, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng nêu ra một số khó khăn như: tình hình nắng nóng kéo dài gây hạn hán ở một số địa phương, ảnh hưởng đến tiến độ gieo trồng lúa và trồng rừng tập trung, gây ra hàng loạt vụ cháy rừng ở khu vực bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung … làm ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân; Dịch tả lợn châu Phi chưa được khống chế, lây lan trên diện rộng; Xuất khẩu một số mặt hàng nông sản giảm; Vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước vẫn chưa cải thiện nhiều khi tiếp tục đạt mức tăng thấp; Thời gian qua phát sinh nhiều vấn đề về văn hóa, xã hội, an ninh trật tự đòi hỏi các cấp, các ngành cần quan tâm nhiều hơn nữa trong thời gian tới.
Tại buổi họp báo, lãnh đạo các Bộ, Ngành đã trả lời nhiều câu hỏi mà phóng viên các cơ quan báo chí quan tâm.