Văn Lãng - Lạng Sơn: Biến hàng chục hecta đất nông nghiệp thành dự án “chui”

Phạm Duy - Nguyễn Giang| 25/07/2021 12:46

(TN&MT) - Ông Trần Văn Tưởng - Giám đốc Công ty Cổ phần Sản xuất và Xuất nhập khẩu Đạt Phát đã tự ý san lấp, chuyển mục đích hàng chục hécta đất nông nghiệp để Công ty này xây dựng các dự án không phép. Ông Tưởng thực hiện hành vi khi chủ trương đầu tư chưa được phê duyệt, đất chưa được phép chuyển mục đích sử dụng, chưa có các thủ tục về môi trường…

Theo tài liệu của PV Báo TN&MT, từ thời điểm năm 2009, ông Trần Văn Tưởng - Giám đốc Công ty Cổ phần Sản xuất và Xuất nhập khẩu Đạt Phát (Công ty Đạt Phát) đã ồ ạt mua gom hàng chục ha đất nông nghiệp của các hộ dân tại thôn Khơ Đa, xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn.

Sau đó, mặc dù chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất, nhiều diện tích đất chưa đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chưa làm thủ tục góp vốn bằng quyền sử dụng đất hoặc cho thuê, nhưng vị Giám đốc này đã san gạt, tự ý chuyển hơn 157.400m2 đất lúa, đất trồng rừng, đất trồng cây hàng năm sang đất phi nông nghiệp để thực hiện các dự án của Công ty Đạt Phát.

Hàng chục héc ta đất nông nghiệp được ông Trần Văn Tưởng và Công ty Đạt Phát biến thành các dự án không phép.

Theo biên bản số 04/BB-MX xác minh tình tiết của vụ việc vi phạm hành chính lĩnh vực đất đai đối với ông Trần Văn Tưởng do UBND xã Tân Mỹ lập ngày 18/6/2021 thì ông này đã có 3 hành vi vi phạm hành chính.

Hành vi thứ nhất, chuyển đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp tại khu vực nông thôn không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép theo quy định. Cụ thể, để cho Công ty Đạt Phát xây dựng Bến xe hàng hóa xuất nhập khẩu, Kho ngoại quan, Khu chế biến gia công hàng hóa xuất nhập khẩu Đạt Phát từ năm 2015, với diện tích hơn 2.011,1m2.

Hành vi thứ hai, chuyển đất rừng sản xuất là rừng trồng sang đất phi nông nghiệp không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép theo quy định. Cụ thể, để cho Công ty Đạt Phát sử dụng diện tích hơn 21.726,3m2 đất rừng sản xuất là rừng trồng để xây dựng nhà máy sản xuất Ván MDF từ năm 2012; sử dụng diện tích đất hơn 129.416,7m2 xây dựng Bến xe hàng hóa xuất nhập khẩu, Kho ngoại quan, Khu chế biến gia công hàng hóa xuất nhập khẩu Đạt Phát từ năm 2015.

Hành vi thứ ba, chuyển đất trồng cây hàng năm khác sang đất phi nông nghiệp tại khu vực nông thôn không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép theo quy định. Cụ thể, để cho Công ty Đạt Phát sử dụng diện tích 4.292,2m2 xây dựng Bến xe hàng hóa xuất nhập khẩu, Kho ngoại quan, Khu chế biến gia công hàng hóa xuất nhập khẩu Đạt Phát từ năm 2015.

Nhiều hạng mục đã được Công ty Đạt Phát xây dựng hoàn thiện bất chấp các quy định của pháp luật về đầu tư, đất đai, môi trường, xây dựng.

Đối với lĩnh vực môi trường, tại biên bản số 05/BB-XM xác minh tình tiết của vụ việc vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường đối với Công ty Đạt Phát do UBND xã Tân Mỹ lập vào ngày 18/6/2021 nêu rõ, Công ty đã có hành vi vi phạm hành chính “Không có báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt theo quy định. Cụ thể: tại thời điểm kiểm tra, Công ty chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định (Bến xe hàng hóa xuất nhập khẩu, Kho ngoại quan, Khu chế biến gia công hàng hóa xuất nhập khẩu Đạt Phát)”. Theo các biên bản số 04 và 05 do UBND xã Tân Mỹ lập, ông Tưởng đều công nhận các hành vi vi phạm pháp luật về đất đai, môi trường.

Mặt khác, theo ngành chức năng tỉnh Lạng Sơn, các dự án: Bến xe hàng hóa xuất nhập khẩu, Kho ngoại quan, Khu chế biến gia công hàng hóa xuất nhập khẩu Đạt Phát đều chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư trong khi các dự án này đều đã hoàn thành và đi vào hoạt động từ nhiều năm nay.

Một góc bên trong dự án không phép của Công ty Đạt Phát.

Hành vi coi thường pháp luật của ông Tưởng và Công ty Đạt Phát diễn ra đã rất nhiều năm qua, nhưng không hiểu vì sao đến tháng 6/2021 chính quyền mới vào cuộc lập biên bản vi phạm? 

Báo điện tử TN&MT sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Văn Lãng - Lạng Sơn: Biến hàng chục hecta đất nông nghiệp thành dự án “chui”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO