Vận hành điện gặp khó do thừa năng lượng tái tạo

Khánh Ly| 29/06/2021 11:51

(TN&MT) - Chỉ trong 6 ngày diễn ra đợt nắng nóng (từ ngày 16/6 - 22/6), công suất tiêu thụ điện toàn quốc liên tiếp ghi nhận con số kỷ lục và thiết lập đỉnh vào trưa ngày 21/6 với 42.146MW. Việc đảm bảo cung cấp điện dự kiến gặp nhiều khó khăn khi mùa hè chỉ vừa mới bắt đầu, nhưng nghịch lý là trong năm 2021, nguồn điện từ năng lượng tái tạo dồi dào, thậm chí đang thừa thãi sẽ buộc phải cắt giảm công suất. Nguyên nhân do đâu?

Quá tải điện từ năng lượng tái tạo

Theo số liệu từ Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia, mức đỉnh công suất tiêu thụ năm 2019, 2020 chỉ vượt trên 38.000MW, còn năm nay tăng đột biến. Chỉ tính riêng khu vực miền Bắc và TP. Hà Nội cũng đã lập kỷ lục mới, lần lượt là 18.700MW và 4.700MW. Điều này được lý giải là do đợt nắng nóng cực đoan diện rộng những ngày qua khiến nhu cầu sử dụng điện đi lên nhanh chóng.

Theo ông Ngô Sơn Hải - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tương tự các năm, cứ bước vào mùa cao điểm nắng nóng, EVN đều phải đối mặt với nhiều khó khăn trong việc đảm bảo cung cấp điện. Tuy nhiên, năm nay có một số khác biệt.

Việc tỷ lệ tăng nhanh nguồn năng lượng tái tạo trong hệ thống điện quốc gia đã tạo ra thách thức không nhỏ. Tính đến thời điểm hiện tại, tổng công công suất đặt của các nguồn điện năng lượng tái tạo khoảng 22.250 MW (bao gồm cả thủy điện nhỏ), chiếm khoảng 31,2% tổng công suất đặt của toàn hệ thống, so với năm 2020 thì quy mô nguồn năng lượng tái tạo đã tăng gấp 2 lần.

Với đặc điểm công suất phát hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn năng lượng sơ cấp và được ưu tiên cung cấp vào hệ thống điện, công tác điều độ hệ thống điện, công tác vận hành hệ thống lưới điện, vận hành tại các nhà máy điện để đáp ứng nhu cầu phụ tải khó khăn hơn rất nhiều so với các năm trước đây, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho an ninh cung ứng điện cũng như ảnh hưởng đến chi phí chung của toàn hệ thống.

Bên cạnh đó, những ngày qua, diễn biến dịch bệnh Covid-19 rất phức tạp đã và đang gây ảnh hưởng đến công tác đảm bảo cung cấp điện trong mùa nắng nóng của EVN. Cụ thể, nhu cầu tiêu thụ điện thay đổi bất thường, ngoài quy luật, khó dự báo để đảm bảo vận hành tối ưu. Một số nhà máy phải dịch chuyển kế hoạch bảo dưỡng, sửa chữa do không có chuyên gia hoặc khó khăn trong việc mua sắm thiết bị.

Ông Phạm Nguyên Hùng - Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết, việc đưa vào vận hành các dự án điện mặt trời, điện gió trong giai đoạn qua là cần thiết, kịp thời bù đắp lượng công suất thiếu hụt do các nguồn nhiệt điện than, điện khí chậm tiến độ trong giai đoạn 2021 - 2024, góp phần giảm lượng điện phát dầu (có giá thành cao) trong những tháng phụ tải cao điểm mùa khô. Tuy nhiên, thực tế vẫn phát sinh một số điểm hạn chế như phải đầu tư thêm lưới điện để đấu nối và truyền tải, vận hành lưới điện khó khăn và phức tạp hơn; tăng chi phí chung của hệ thống điện.

Theo EVN, dự kiến trong năm 2021, khoảng 1,3 tỷ kWh điện năng lượng tái tạo sẽ bị cắt giảm, trong đó có hơn 500 triệu kWh nguồn điện mặt trời do quá tải đường dây 500 kV.

Nhà máy điện gió Trung Nam tại Ninh Thuận. Ảnh: MH

Nâng cao khả năng hấp thụ

Theo ông Phạm Nguyên Hùng, vào đầu năm 2021, khi tỷ trọng năng lượng tái tạo trong hệ thống tăng cao, có ảnh hưởng đến vận hành hệ thống điện, Cục Điều tiết Điện lực đã tham mưu cho Bộ Công Thương có chỉ đạo kịp thời cho EVN, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia áp dụng nhiều giải pháp để đảm bảo hệ thống điện vận hành an toàn. Cụ thể, EVN và các tổng công ty điện lực đã thực hiện dịch chuyển giờ cao điểm của tất cả các nhà máy thủy điện nhỏ khu vực miền Trung, miền Nam, nâng cao khả năng hấp thụ thêm khoảng 1.000 MW công suất điện mặt trời trong khoảng thời gian từ 9h30 - 11h30 hàng ngày. Khu vực miền Bắc sẽ có điều chỉnh phù hợp với tình hình hệ thống trong giai đoạn nắng nóng sắp tới.

Trong bối cảnh nhiệt điện than khó tìm được nguồn vốn quốc tế do cam kết chống biến đổi khí hậu toàn cầu, điện khí giá cao và phụ thuộc nguồn nhiên liệu thế giới… định hướng của Việt Nam là tiếp tục gia tăng tỷ trọng điện năng lượng tái tạo trong tổng nguồn cung điện Việt Nam nhằm đưa ngành điện phát triển bền vững hơn, tham gia thực hiện các cam kết bảo vệ môi trường toàn cầu. “Tuy nhiên, để có thể phát triển năng lượng tái tạo mạnh mẽ, bền vững thì cần tập trung vào các nội dung chính sách, hạ tầng truyền tải và điều độ vận hành hệ thống điện” - ông Hùng nhấn mạnh.

Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục nghiên cứu ban hành các chính sách thu hút đầu tư phát triển năng lượng tái tạo phù hợp với từng thời kỳ phát triển kinh tế - xã hội, phù hợp với sự phát triển của thị trường điện, phù hợp với từng loại hình công nghệ năng lượng tái tạo như cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA), cơ chế chứng chỉ năng lượng tái tạo (REC). Bên cạnh đó, cần thúc đẩy phát triển các hệ thống năng lượng tái tạo phân tán phục vụ nhu cầu tiêu thụ tại chỗ như các hộ tiêu thụ như các khu công nghiệp, hộ tiêu thụ thương mại, dịch vụ, nhà dân... lắp đặt điện mặt trời mái nhà để cung cấp cho chính nhu cầu của mình cùng kết hợp với điện mua từ lưới điện.

Đồng thời, tăng cường đầu tư nâng cấp, mở rộng hạ tầng truyền tải kết hợp với các hệ thống lưu trữ (như thủy điện tích năng, hệ thống ắc quy BESS...) và tăng cường khả năng điều độ vận hành hệ thống điện, tăng cường kết nối lưới điện khu vực. Điều này sẽ giúp nâng cao khả năng hấp thụ nguồn điện năng lượng tái tạo, đảm bảo vận hành an toàn, hiệu quả hệ thống điện điện.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vận hành điện gặp khó do thừa năng lượng tái tạo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO