Biến đổi khí hậu

Vấn đề sạt lở tại Đắk Nông:Chuyên gia PCTT “hiến kế” tìm giải pháp

Phạm Hoài 08/08/2023 - 10:11

(TN&MT) - Sau khi Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Quốc gia về PCTT do Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp làm Trưởng đoàn đi kiểm tra thực địa tại một số điểm sạt lở. Chiều 7/8. Đoàn công tác đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Đắk Nông. Tại đây các chuyên gia, nhà khoa học đã thẳng thắn chỉ ra những nguyên nhân chính cũng như tìm ra một số giải pháp giúp hạn chế những thiệt hại do mưa lũ gây ra.

Sau khi nghe báo cáo từ lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Nông về những thiệt hại cũng như khó khăn đang gặp phải do mưa lũ gây ra trên địa bàn tỉnh trong hơn 1 tuần qua. Các chuyên gia, nhà khoa học trong đoàn công tác đã lần lượt có những ý kiến và nêu quan điểm.

00.jpeg
Toàn cảnh buổi làm việc

Theo PGS.TS Nguyễn Châu Lân, Giảng viên Trường Đại học GTVT (Hà Nội), quá trình kiểm tra công trình chứa nước Đắk N’ting cho thấy địa hình sạt trượt cao khoảng 30m, đất đỏ ba zan, chủ yếu sạt trượt phần trên mái đất; vị trí nứt hình thành vòng cung. Theo đó, giải pháp trước mắt, sử dụng tấm HDPE để ngăn nước không cho ngấm xuống phía dưới. Có thể, khoan sâu vào quả đồi nhằm tạo dòng chảy nước thoát ra, để hạn chế lớp đất sạt trượt xuống dưới. Về lâu dài, cần phải gắn các mốc quan trắc để theo dõi tốc độ sạt trượt; sử dụng biện pháp hạ tải, sử dụng kè bằng công nghệ mới…


111.jpg
PGS.TS Nguyễn Châu Lân, Giảng viên Đại học GTVT (Hà Nội)

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Châu Lân, đối với vị trí sụt lún ở đường Hồ Chí Minh, đoạn qua phường Nghĩa Thành, TP Gia Nghĩa cũng có yếu tố liên quan đến thoát nước. Vì vậy, cần thiết phải bóc bỏ và làm lại từ dưới lên, nhớ chú ý phần thoát nước, có gắn các rọ đá. Quá trình thực hiện các hồ đập, tôi có cảm giác chúng ta mới chỉ khảo sát ở khu vực làm công trình, chưa quan tâm đến vị trí hai mái đập.

Trong hoàn cảnh mưa lũ bất thường như hiện nay, cần thiết phải khảo sát tổng thể cả khu vực rộng lớn hơn. Đặc biệt, khi đào vào mái dốc phải có biện pháp bảo vệ mái dốc đó. Nếu mất chân mái, sẽ kéo theo hiện tượng tạo ra vết nứt để tích lũy nước cục bộ. Về lâu dài, vết nứt sẽ rộng hơn. Bên cạnh đó, cần thiết phải có biện pháp bảo vệ kè, gia cố bề mặt, hoặc biện pháp thoát nước sâu.

PGS.TS Lê Văn Hùng - chuyên gia trong đoàn công tác của Bộ NN&PTNT cho rằng, đoàn chuyên gia mới chỉ khảo sát sơ bộ và tìm ra được một phần nguyên nhân. Để đánh giá một cách đầy đủ về hiện tượng sạt trượt đất cần phải có khảo sát kĩ, đánh giá tổng thể mới xác định được chính xác nguyên nhân.

555.jpg
PGS.TS Lê Văn Hùng - chuyên gia trong đoàn công tác của Bộ NN&PTNT

Theo PGS.TS Lê Văn Hùng, hiện nay công trình thuỷ lợi Đắk N’ting mới chỉ di chuyển đập tràn, do bị xô đẩy tách khỏi móng. Phần đập và cống hiện an toàn. Biện pháp an toàn cho đập nhanh nhất, an toàn nhất là phải hạ mức nước chứa. Nếu đập này chỉ xả nước bình thường, sẽ an toàn cho đập phía dưới. Nếu hồ vỡ, mới hệ trọng. Cần thiết phải xả đúng thiết kế, không được vượt quá. Vị này cũng kiến nghị, cần thiết kiểm tra các công trình còn lại ở địa bàn tỉnh để có đánh giá, biện pháp ngăn chặn sớm.

Ngoài ra, việc dùng tôn vây kín mép đường Hồ Chí Minh (đoạn bị sụt lún) sẽ tạo nên hiện tượng bị tụ thủy sẽ rất nguy hiểm. Khi nước mưa chảy xuống, toàn bộ đường này như một cái đập và chịu dòng thấm xuyên từ đó sang mái trượt. Nếu chúng ta sửa chữa phần này, muốn không hỏng đường đang còn thì phải xử lý ngay tụ thủy. Nếu không làm được, trong mùa mưa năm nay sẽ hỏng hết những đoạn đường còn lại. PGS.TS Lê Văn Hùng cũng thẳng thắn chỉ ra vấn đề ngày trước các đơn vị khảo sát, thi công đã không làm đến nơi, đến chốn không xử lý hết các vấn đề tồn đọng.

Phát biểu thêm về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Cảnh Thái - thành viên đoàn công tác nhận định, nguyên nhân xuất hiện các vết nứt và các khối dịch chuyển, chủ yếu vẫn là do mưa nhiều và mưa kéo dài. Sạt trượt trên mái dốc thì nguyên nhân chủ yếu là mưa. Các số liệu thống kê cho thấy, lượng mưa lớn nhất của tháng 7 hàng năm chỉ khoảng 400mm, nhưng tháng 7 năm nay, lượng mưa đã hơn 700mm. Mưa nhiều đã làm tăng mực nước ngầm và làm giảm chỉ tiêu cường độ của đất, đặc biệt là giai đoạn cuối mùa khô, đầu mùa mưa.

999.jpeg
PGS.TS Nguyễn Cảnh Thái - thành viên đoàn công tác

PGS.TS Nguyễn Cảnh Thái kiến nghị bên cạnh việc sửa chữa trước mắt, tỉnh Đắk Nông cần khảo sát kỹ lưỡng phạm vi khối trượt để có đánh giá chính xác chiều sâu của mực nước ngầm. Bên cạnh đó, tỉnh Đắk Nông cần có giải pháp xử lý tổng thể, hạ mực nước ngầm xuống; hạ mái dốc phần mái đào; xây dựng các rãnh thoát nước để tránh nước mưa thấm vào khối trượt đặc biệt dùng các biện pháp để gia tăng sự ổn định của khối trượt.

Tại buổi làm việc, các chuyên gia, cơ quan các bộ khác còn ý kiến liên quan đến khắc phục hiện tượng sạt lở, sụt lún đất ở Đắk Nông. Ngoài ra, các chuyên gia cũng nói thêm về nguy cơ vỡ đập hồ thuỷ lợi Đắk N’ting ở xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong.

Cụ thể, khi các vết nứt kèm theo tiếng nổ thì nguy cơ vỡ đập là rất cao. Nguyên nhân của tiếng nổ là khi đất đá bị nén quá chặt, áp lực kẽ rỗng lớn khiến khí bung ra, gây ra những tiếng nổ bụp bụp. Nếu vết nứt không dừng lại và kèm theo cả tiếng nổ thì nguy rồi, khả năng vỡ đập sẽ rất lớn. Về lý thuyết, khi nước về quá nhiều thì phải mở cửa xả.

GS.TS Vũ Trọng Hồng cảnh báo, việc xả nước phải được thực hiện đúng quy trình, không được mở cấp tập. Về nguyên tắc, mực nước hồ giảm 1m/ngày là an toàn. Nếu mở quá nhiều cửa xả, mực nước hạ đến 2-3m/ngày thì nguy cơ vỡ đập cũn rất cao.

Do đó, các hồ chứa không được phép rút nước quá nhanh vì sẽ sinh ra áp lực kẽ rỗng. Có thể hiểu khi tích nước thì đất thân đập cũng chứa nước. Nếu nước rút từ từ, nước từ trong đất cũng thoát ra từ từ tạo ổn định của đập, không gây xáo trộn. Nhưng nếu nước rút nhanh, nước trong thân đập chưa kịp thoát ra sẽ tạo thành các cột áp lực mà trong chuyên môn gọi là áp lực kẽ rỗng. Áp lực này có thể làm vỡ đập.

99.jpg
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cùng các chuyên gia trong đoàn công tác kiểm tra công trình hồ thuỷ lợi bị sạt lở

Các chuyên gia đề nghị các cơ quan chức năng của tỉnh Đắk Nông cần phải lập bản đồ ngập lụt cho khu vực hồ Đắk N'Ting, có thể vẽ bằng tay hoặc bằng mô hình máy tính, với thời gian khá nhanh gọn. Bản đồ này sẽ chỉ ra ngay được các kịch bản khi vỡ đập thì vùng ảnh hưởng như thế nào, khu vực nào bị nhấn chìm, khu vực nào sẽ an toàn.

Nhìn vào bản đồ đó, có thể nhận ra ngay các cao trình an toàn, từ đó cắm các biển thông báo để người dân có thể tránh trú nếu không may đập vỡ. Cần đưa các cán bộ trắc địa, thủy lợi đến hiện trường làm việc ngay lập tức và đánh dấu đỏ vào các điểm có khả năng cao ngập lụt. Làm càng nhanh thì càng ngăn chặn được nguy cơ thảm kịch xảy ra.

.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vấn đề sạt lở tại Đắk Nông: Chuyên gia PCTT “hiến kế” tìm giải pháp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO