Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
Sáng 16/11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến một số nội dung lớn tiếp thu, giải trình, chỉnh lý và phương án thông qua dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao tinh thần làm việc nghiêm túc, trách nhiệm của Ủy ban Kinh tế và Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp hiệu quả trong việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý những vấn đề đại biểu nêu trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến.
Tham dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh, đại diện lãnh đạo Bộ Công an, Ban Kinh tế Trung ương, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Ủy ban Dân tộc, Kiểm toán Nhà nước, Tòa án Nhân dân tối cao cùng một số bộ, ngành hữu quan.
Đề xuất điều chỉnh thời gian thông qua dự án Luật
Báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, qua thảo luận tại kỳ họp thứ 6, ý kiến đại biểu Quốc hội về nhiều nội dung chính sách lớn có nhiều ý kiến hoặc cách thiết kế chính sách khác nhau còn chưa tập trung, khó xác định xu hướng, chưa thống nhất về nhiều vấn đề phức tạp. Còn 14 nhóm nội dung chính sách quan trọng chưa thiết kế được phương án tối ưu.
Ông Vũ Hồng Thanh cho biết, qua thảo luận tại hội trường cho thấy, có 5/22 ý kiến đại biểu đề nghị thông qua dự án Luật tại kỳ họp thứ 6; trong khi đó, 6/22 ý kiến nhận định rõ tính chất cần thiết sớm thông qua dự thảo Luật nhưng phải bảo đảm chất lượng; 11/22 ý kiến đề nghị rà soát kỹ lưỡng, dành thêm thời gian tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật một cách thấu đáo nhất, cân nhắc cẩn trọng việc thông qua dự án Luật khi còn quá nhiều ý kiến khác trong dự thảo Luật, vì vậy, đề nghị chưa thông qua dự án Luật tại kỳ họp này...
“Với vai trò hết sức quan trọng của Luật Đất đai, chất lượng của dự án Luật là vấn đề phải được đặt lên hàng đầu, tránh trường hợp Luật sau khi ban hành lại gây nhiều tác động và hệ lụy đối với các hoạt động kinh tế - xã hội và đời sống của người dân”, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh nêu rõ.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết, trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về các nội dung dự thảo Luật, Thường trực Ủy ban Kinh tế sẽ phối hợp với các cơ quan tiếp tục nâng cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo Luật để báo cáo Quốc hội tiếp tục thảo luận, cho ý kiến theo chương trình kỳ họp thứ 6, làm cơ sở tiếp tục chỉnh lý dự thảo Luật. Sau kỳ họp thứ 6 sẽ báo cáo một số nội dung của dự thảo Luật xin ý kiến cơ quan có thẩm quyền để có định hướng tiếp tục hoàn thiện các nội dung chính sách lớn, phức tạp cũng như tổng thể dự thảo Luật.
Ông Vũ Hồng Thanh đề nghị Chính phủ cho ý kiến chính thức về dự thảo Luật sau khi được hoàn thiện, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến và gửi Ủy ban Pháp luật thực hiện rà soát để bảo đảm tính hợp hiến, tính hợp pháp và tính thống nhất của dự thảo Luật với hệ thống pháp luật theo quy định, bảo đảm chất lượng trước khi trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Tại phiên họp các đại biểu đã tập trung cho ý kiến vào các nội dung còn phương án khác nhau. Cho ý kiến về giải quyết trong trường hợp chưa thống nhất về địa giới đơn vị hành chính (Điều 14, Điều 49, Điều 254), Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân, cho biết, trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã quy định: Quốc hội quyết định về địa giới hành chính cấp tỉnh, do vậy bỏ nội dung này tại Điều 49. Nghĩa là Chính phủ và các cơ quan thực hiện giải quyết vướng mắc và lập hồ sơ trình Quốc hội phê duyệt địa giới hành chính cấp tỉnh. Nếu bỏ Điều 254 và bỏ Điều 49 sẽ không hợp lý.
Thứ trưởng cho rằng, việc bỏ hai điều trên sẽ không hợp lý bởi thực tế tranh chấp đất đai trên thực tế vẫn diễn ra, có những vụ việc vẫn phức tạp kéo dài, đến bây giờ vẫn chưa xong, mà hiện tại không có một luật nào điều chỉnh về địa giới hành chính. Vì vậy, đề nghị thống nhất với quan điểm của Ủy ban Kinh tế là bỏ phần giải quyết của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc giải quyết tranh chấp đất đai, nhưng cấp cơ sở vẫn trình hồ sơ lên để thống nhất.
Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, qua lấy ý kiến của nhân dân, các phát biểu của đại biểu Quốc hội tại hội trường và tổ đã lọc ra được những vấn đề này. Tuy nhiên, do thời gian phát biểu ở hội trường và tổ cũng không nhiều, nhiều nội dung chưa được phát biểu, đề cập đến. Do vậy, cần phải tổng hợp thêm các nội dung để đảm bảo được tính toàn diện.
Liên quan đến nội dung về quỹ phát triển đất, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng, không nên đưa vào quy định bởi sẽ liên quan đến Luật Đầu tư công. Chính phủ đang trình Phương án 2: Quỹ phát triển đất của địa phương là Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập để tiếp nhận và ứng vốn phục vụ công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án đầu tư… Do đó, quy định này cần nghiên cứu để tránh trái với quy định của Luật Đầu tư công.
Phát biểu tiếp thu giải trình, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà thống nhất với cách đặt vấn đề, cho ý kiến tại Phiên họp, Chính phủ sẽ chỉ đạo cơ quan liên quan phối hợp với cơ quan thẩm tra tiếp thu, chỉnh lý hoàn thiện dự thảo luật.
Sau phiên họp này, Chính phủ sẽ họp và thống nhất quan điểm đối với những nội dung còn 2 ý kiến và giải trình rõ. Phó Thủ tướng đề nghị cân nhắc thêm quy định về các dự án đầu tư công. Hiện nay đang thí điểm cho một số loại dự án tách dự án giải phóng mặt bằng, thực tế chứng minh với cách làm này rất tốt. Vì vậy, cân nhắc xem xét không chỉ các dự án loại A, loại B mà tất cả các dự án đầu tư công đều có thể bố trí vốn để triển khai đảm bảo hiệu quả đầu tư trên đất. Qua làm việc với 63 tỉnh, thành phố, đánh giá các dự án cho thấy thực tiễn kiểm nghiệm đã chín, đã rõ.
Ưu tiên chất lượng lên hàng đầu
Phát biểu kết luận nội dung thảo luận Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao tinh thần làm việc nghiêm túc, trách nhiệm của Ủy ban Kinh tế và Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp hiệu quả trong việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý những vấn đề đại biểu nêu trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, đối với các nội dung đã được trình xin ý kiến các cơ quan chức năng có thẩm quyền đã đạt được tinh thần đồng thuận, thống nhất cao, cơ bản Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng thống nhất như báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý đã nêu; đề nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra rà soát, biên tập hoàn thiện dự thảo.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng thống nhất đối với 6 nội dung đã tiếp thu gọn lại còn 1 phương án. Đối với những nội dung có hai phương án, trong đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội chọn phương án 1 như trong báo cáo giải trình do Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề xuất. Chủ tịch Quốc hội đề nghị rà soát lập luận kỹ hơn, xin ý kiến Chính phủ bằng văn bản, sau khi có ý kiến đồng thuận của Chính phủ sẽ trình một phương án để trình Quốc hội tiếp tục nghiên cứu, thảo luận.
Đối với 5 nội dung: (1) Về quyền và nghĩa vụ về sử dụng đất ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài; (2) Về bổ sung quy định dự phòng, Quốc hội sửa đổi, bổ sung các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng theo trình tự, thủ tục rút gọn; (3) Về điều kiện về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng liên quan; (4) Về các trường hợp cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần và hằng năm; (5) Về các loại đất thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất, Chủ tịch Quốc hội cho biết vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn từ phía cơ quan thẩm tra. Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan thẩm tra tiếp tục phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan của Quốc hội nghiên cứu làm rõ. Những nội dung này có thể nghiên cứu thiết kế thành 2 phương án nhưng nêu rõ từng phương án như thế nào.
Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu cơ quan thẩm tra tiếp tục tiếp thu nghiêm túc, giải trình đầy đủ các ý kiến góp ý của các cơ quan liên quan để hoàn thiện dự thảo luật, trong đó có ý kiến góp ý của Ban Kinh tế Trung ương về việc khắc phục tình trạng đất lãng phí, đất suy thoái, về những hành vi bị nghiêm cấm, quyền chung của người sử dụng đất, điều tra đánh giá đất đai, bảo vệ cải tạo phục hồi đất…
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là dự án luật quan trọng, hệ trọng nên cần đặt sự ưu tiên chất lượng lên hàng đầu; Ủy ban Kinh tế hoàn thiện báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo luật; Ủy ban Kinh tế tham mưu Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin ý kiến Chính phủ đối với những nội dung đã được thảo luận tại Phiên họp này.