Gắn bó vì không còn con đường nào khác - đó là mưu sinh. Nhưng khi công việc thừa vất vả, đủ thiệt thòi, lại có nhiều lựa chọn đặt ra trước mắt nhưng vẫn gắn bó - điều này chỉ có thể lý giải bằng trách nhiệm và tình yêu.
Hành trình 61 năm của Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội (Urenco) là hành trình được xây nên bằng trách nhiệm và tình yêu như thế.
Tổng Giám đốc Nguyễn Hữu Tiến đã 27 năm đón Giao thừa với công nhân. Ảnh: Phạm Hòa |
Phóng viên: Đã nhiều năm gắn bó với nghề ở các cương vị khác nhau, ông có cảm nhận gì về những người công nhân - đồng nghiệp của mình từ những ngày đầu ông mới vào nghề?
Ông Nguyễn Hữu Tiến: Những năm 1990 về trước, xuất phát điểm của công nhân trong Công ty rất thấp, chỉ những người không thể kiếm việc làm, người nghèo từ các tỉnh lân cận hoặc những người làm nghề thu gom phế liệu tự do… thì mới vào đây. Có thể nói, Công ty là nơi đến của những người ít học, nhận thức hạn chế, thành phần xã hội phức tạp, thậm chí có nhiều người không biết chữ.
Thế nhưng trong họ thường trực một phẩm chất cần cù, chịu khó chịu thương. Những người công nhân không quản khó khăn thấp hèn, cứ có việc là mải miết làm. Lao động đã rèn cho họ đức nhẫn nại thủy chung, gắn bó với nghề bất kể lúc trời đông giá buốt hay ngày hè nóng nực; thậm chí nín nhịn trước cái nhìn thiếu tôn trọng từ một số người.
Phóng viên: Vậy Ban lãnh đạo đã làm gì để thay đổi về bản chất quan niệm “Công ty Vệ sinh là dọn rác, móc cống” trong tư duy, cách nhìn của xã hội và công nhân Công ty?
Ông Nguyễn Hữu Tiến: Trước tiên là thay đổi cái nhìn trực quan như trang phục bảo hộ lao động, đảm bảo an toàn nhưng phải gọn, đẹp; rồi thay đổi tên gọi từ công nhân vệ sinh thành công nhân môi trường. Từ chỗ chỉ làm công việc đơn thuần, đến nay, một số bộ phận đã làm công việc của nhân viên phục vụ xã hội và hướng đến các lĩnh vực phục vụ văn minh như vệ sinh công nghiệp hay các sự kiện lớn của thành phố và đất nước. Cái nhìn của xã hội cũng đã chuyển biến khi xem họ là những người phục vụ, nâng cao môi trường sống cho con người. Từ xuất phát điểm thấp, sau rất nhiều cố gắng, hiện Công ty có gần 500 cán bộ, kỹ sư, nhiều người thành đạt, đi lên từ công nhân như nguyên Chủ tịch HĐTV Phạm Ngọc Hải; đội ngũ công nhân cơ bản tốt nghiệp 12/12 trở lên, nhiều công nhân có trình độ đại học, cao đẳng.
Công ty cũng đã khơi dậy các giá trị tiềm ẩn trong mỗi người công nhân qua các hoạt động văn hóa để họ được tự tin thể hiện bản thân. Ngoài đời họ là những công nhân chuyên cần, khi lên sân khấu, họ tỏa sáng như những diễn viên thực thụ; thậm chí nhiều người có kỹ năng viết rất tốt, nhiều bài viết khá chất lượng, xúc động và có nghề. Có thể nói ngắn gọn lại thế này, thay đổi cái nhìn của xã hội và của chính công nhân đã khơi dậy những khả năng tiềm ẩn, nâng giá trị công nhân và công việc lên một nấc ngang bằng xã hội.
Công nhân Urenco đang lao vào những "điểm nóng" thu gom, vận chuyển xử lý rác thải nguy hại - một trong những công việc khó khăn nhất của cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19. Ảnh: Việt Hùng |
Phóng viên: Tức là theo ông, muốn đổi thay và nâng tầm Công ty, việc đầu tiên phải xuất phát từ thay đổi con người cụ thể?
Ông Nguyễn Hữu Tiến: Trong bất cứ hoàn cảnh nào, con người phải luôn là chủ thể chính. Từ hình ảnh “Quần thâm áo vá chổi tre và chiếc xe bò” xưa kia, với sự chung tay của các thế hệ, Công ty đã chuyển mình qua 4 cuộc cách mạng nội tại gắn với phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô và đất nước và theo kịp cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0. Cụ thể 4 cuộc cách mạng đó là: (1) Thay đổi cái nhìn trực quan; (2) Thay đổi cách làm: tự thay đổi mình để thay đổi ý thức của xã hội (3) Thay đổi tên gọi, nhận diện thương hiệu; (4) Thay đổi hành vi ứng xử của xã hội.
Phóng viên: Điều ông tâm huyết nhất trong 4 cuộc cách mạng của Công ty là gì?
Ông Nguyễn Hữu Tiến: Chúng tôi luôn giữ quan điểm, con người là chủ thể trân quý nhất. Tuy nhiên, để nâng giá trị con người lên phải đồng thời gắn với những điều kiện ràng buộc song hành với sự phát triển của xã hội và phải được thực hiện trong một bối cảnh chuyển mình mang tính chất đại tổng thể mà ở đây tôi muốn đề cập đến cuộc cách mạng Thay đổi tên gọi, nhận diện thương hiệu.
Trải qua 61 năm, từ tên gọi Công ty Vệ sinh thành Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội. Rõ ràng, tên gọi mới đã mang hàm ý rộng hơn, không chỉ bó hẹp trong khuôn khổ mặc định là dọn vệ sinh. Từ thay đổi tên gọi sẽ kéo theo thay đổi về nhận diện thương hiệu. Tôi cho rằng, thay đổi nhận diện thương hiệu là cuộc cách mạng mang tính quyết định dựa trên các giá trị kinh tế, văn hóa, xã hội. Cuộc cách mạng này chúng tôi đã theo đuổi và có sự điều chỉnh qua từng thời kỳ.
NHỮNG PHẦN THƯỞNG CAO QUÝ
Trong 61 năm xây dựng và trưởng thành (6/8/1960-6/8/2021), Urenco đã vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng:
3 Huân chương Lao động hạng Nhất, 3 Huân chương Lao động hạng Ba, 1 Huân chương Độc lập hạng Nhì, 1 Huân chương Độc lập hạng Ba, 1 Huân chương kháng chiến hạng Nhất, 1 Huân chương Chiến công hạng Ba;
Đơn vị Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới, Cờ Thi đua xuất sắc của Chính phủ (1998, 2000, 2003, 2019); Bằng khen của Chính phủ 2019... cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.
Phóng viên: Ông có thể nói cụ thể hơn về quá trình thay đổi nhận diện thương hiệu và các giá trị gắn với sự thay đổi ấy?
Ông Nguyễn Hữu Tiến: Thay đổi nhận diện thương hiệu đã manh nha từ 1991, khi Công ty Vệ sinh được đổi thành Công ty Môi trường, đồng thời chúng tôi thay ký hiệu VS (vệ sinh) bằng ký hiệu M (môi trường). Năm 2008, với 3 bàn tay biểu trưng cho 3 lực lượng (chính quyền, người dân và Công ty) cùng vào cuộc đã làm đổi thay nhận thức về trách nhiệm chung, trong đó nhấn mạnh vào yếu tố giải pháp. Từ 1/6/2021, bộ nhận diện thương hiệu mới với biểu tượng là bông hoa sen xanh kết hợp Khuê Văn Các và vòng tròn tuần hoàn.
Khuê Văn Các là biểu trưng của Hà Nội. Còn nói đến sen, người ta nghĩ ngay đến phẩm giá “Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Sen không chỉ là biểu tượng cho phẩm giá của người Urenco mà xuất phát từ thực tế, nước quanh cụm sen bao giờ cũng trong, biểu trưng bông sen còn khẳng định vai trò làm đổi thay môi trường từ xấu thành tốt.
Sen là một thực thể tận dụng được tất cả các bộ phận. Sự liên tưởng này nhắm đến một giá trị như: Rác không phải là thứ bỏ đi mà rác là tài nguyên, phải biến rác thành tài nguyên.
Sen còn là loài hoa gắn với Phật giáo. Trong quan niệm của nhà Phật, công việc của môi trường có phúc lớn nhất là biến xấu thành đẹp, biến bẩn thành sạch, biến vô dụng thành có ích. Mục tiêu kỹ thuật là phát triển kinh tế tuần hoàn; mục tiêu văn hóa là tiến tới các giá trị nhân văn, văn minh. Nhận diện thương hiệu mới của Công ty vừa thể hiện phẩm chất con người, tâm nguyện nghề, vừa thể hiện chiến lược mới: Biến rác thành tài nguyên theo quy luật vận hành kinh tế tuần hoàn.
Phóng viên: Vậy thông điệp mà ông muốn gửi tới thông qua nhận diện thương hiệu là gì?
Ông Nguyễn Hữu Tiến: Muốn biến rác thành tài nguyên thì rác phải được phân loại. Rác được phân loại - rác là tài nguyên, rác không được phân loại - rác mãi mãi là rác. Khi được phân loại, rác sẽ được thực hiện được sứ mệnh của nó trong chu trình kinh tế tuần hoàn, nhưng trước hết phải có được sự chung tay trách nhiệm của những người vứt rác (chủ nguồn thải), tôi nêu đích danh những người vứt rác, bởi nếu chỉ đề cập khái niệm trách nhiệm xã hội, cộng đồng thì nó quá rộng và chung chung, không ai nhìn thấy trách nhiệm của mình.
Mặt khác, truyền thông phải làm sao thay đổi nhận thức của xã hội, hướng đến nhận ra chân giá trị của cuộc sống rằng đây là hoạt động chăm lo sức khỏe cho mọi người và xã hội, sẽ không thực hiện thành công nếu thiếu đi một trong ba bàn tay. Vậy nên: “Chúng tôi dọn rác vì các bạn, các bạn hãy vì chúng tôi”.
Phải để người dân ý thức được mối nguy hại đến từ rác. Phải làm sao để dân biết sợ rác và sợ chế tài pháp luật áp dụng đúng cách. Mấu chốt của vấn đề để thay đổi nhận thức, hành vi đó là ý thức tuân thủ pháp luật và giáo dục ý thức tuân thủ pháp luật, cao hơn là giáo dục tuân thủ đạo đức xã hội và môi trường. Yêu môi trường thì phải thể hiện bằng hành động, đừng chỉ dừng lại ở lời nói.
Tổng giám đốc Nguyễn Hữu Tiến chia sẻ với phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường về những ấp ủ cho tương lai của Urenco. Ảnh: Việt Hùng |
Phóng viên: Quay trở lại câu chuyện tình yêu. Phải chăng, cuộc đại cách mạng về nhận diện thương hiệu luôn song hành với sự nghiệp chăm sóc con người và truyền lửa cho thế hệ mai sau của Công ty, thưa ông?
Ông Nguyễn Hữu Tiến: Bên cạnh các yếu tố xã hội thì một trong những yếu tố nội tại làm nên thành công là sự gắn bó huyết mạch giữa người lao động với Công ty. Nâng lên giá trị con người và truyền vào đó tình yêu, ngọn lửa nhiệt thành, năng lượng tích cực là câu chuyện bồi đắp cho hôm nay và gìn giữ cho muôn đời sau.
Chúng tôi đã triển khai hàng loạt giải pháp về chính sách đời sống và làm công tác thiện nguyện. Quan điểm của tôi là thiện nguyện phải xuất phát từ ngôi nhà nhỏ rồi mới lan rộng ra ngôi nhà to. Có như vậy, công nhân mới thật sự cảm nhận ý nghĩa thiết thực từ sự chăm lo và giá trị mà mái ấm gia đình Công ty mang lại. Công ty có thực sự là mái ấm gia đình thì chiến lược con người mới sâu rễ bền gốc được.
Cùng với đó là truyền lửa cho thế hệ trẻ, chuyển hóa năng lượng tích cực cho công nhân, xây dựng truyền thống gia đình từ việc ưu tiên tuyển dụng con em trong ngành để bồi dưỡng các thế hệ kế tiếp yêu nghề. Và, phải đặt niềm tin, trách nhiệm vào thế hệ trẻ bằng cách “truyền máu”, “thử lửa”, giao trọng trách, bổ nhiệm cán bộ trẻ… có những đồng chí sinh năm 1995 giờ đã giữ cương vị Phó Trưởng phòng.
Công việc môi trường, không yêu không gắn bó được đâu, không có nhiệt thành thì lửa nghề cũng không cháy được. Phải có lửa. Mà lửa đó phải truyền từ trái tim, không vay mượn được.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!
Việt Hùng - Việt Hải (thực hiện)