Qua thị sát tình hình, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đánh giá cao Cà Mau đã có các giải pháp tích cực thích ứng với biến đổi khí hậu trong phát triển kinh tế biển phù hợp với tình hình cụ thể của địa phương; song đề nghị tỉnh phải đổi mới tư duy trong phát triển vì biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng khốc liệt và Cà Mau là một trong những địa phương bị ảnh hưởng nặng nhất.
Tình hình sạt lở diễn biến phức tạp
Tỉnh Cà Mau đang phải đối mặt với biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân cũng như việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Hải cho biết, tình hình sạt lở ven biển diễn biến phức tạp, làm mất đai rừng phòng hộ ở nhiều đoạn bình quân trên 800ha/năm từ năm 2007 đến nay. Bờ biển Tây bị xói lở có chiều dài khoảng 57km, nhiều đoạn xói lở sâu, gây nguy cơ phá vỡ đê biển, trong đó, có khoảng 7,8km xói lở rất nguy hiểm. Bờ biển Đông xói lở trên chiều dài khoảng 48km, trong đó, sạt lở rất nguy hiểm có tổng chiều dài 24,5km, vào sâu trong đất liền từ 80 - 100m.
Tình hình sạt lở bờ sông cũng diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là tại địa bàn các huyện ven biển Đông như Năm Căn, Đầm Dơi và Ngọc Hiển. Riêng từ đầu năm 2018 đến nay, đã sạt lở trên 3km đất ven sông, nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng của người dân rất cao, cần phải sớm di dời để bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân.
Để khắc phục tình trạng nói trên, tỉnh Cà Mau đã và đang nỗ lực cùng các cơ quan của Bộ NN - PTNT áp dụng nhiều biện pháp phòng, chống sạt lở có hiệu quả, đã xử lý khắc phục xói lở nhiều vị trí xung yếu ven biển với có tổng chiều dài trên 23.000m với tổng mức đầu tư hơn 652 tỷ đồng, tạo được bãi bồi phía trong và một phần bên ngoài kè; khôi phục lại được hàng trăm héc ta rừng phòng hộ, bảo vệ đê biển. Để giải quyết những khó khăn, thách thức, hạn chế tối đa tác động của biến đổi khí hậu đe dọa đến mục tiêu phát triển bền vững, Cà Mau đề nghị Trung ương hỗ trợ đầu tư các dự án kè chống sạt lở ven biển, tạo bãi khôi phục rừng phòng hộ ven biển, các dự án tái định cư cho những hộ dân ở những vùng ven biển, cửa sông có nguy cơ bị sạt lở cao.
Thích ứng với biến đổi khí hậu
Ngày 4.12, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cùng Đoàn công tác chuyên đề về ứng phó với biến đổi khí hậu của Quốc hội đã trực tiếp khảo sát tình trạng ngập nước cục bộ một số đoạn tuyến đường Hồ Chí Minh từ Năm Căn đi Đất Mũi, một số vị trí sạt lở bờ biển nghiêm trọng ở cửa biển Vàm Xoáy, Đất Mũi, Khai Long.
Đoàn công tác đã thị sát một số giải pháp công trình đang được thực hiện với công nghệ mới như hệ thống kè cứng cọc ly tâm đóng thành 2 hàng hay kè trụ rỗng bằng các cấu kiện bê tông đúc sẵn để giảm sóng, bảo vệ tuyến đê biển, giữ phù sa tạo bãi trồng rừng phòng hộ, chứng kiến phù sa bồi lắng tạo bãi và rừng đước đã dần phục hồi sau khi hoàn thành kè biển Đất Mũi vào năm 2014 đến nay.
Thứ trưởng Bộ NN - PTNT Hoàng Văn Thắng cho biết, để có những giải pháp hiệu quả, bền vững như hiện nay, địa phương và các cơ quan khoa học trong nước và quốc tế đã thực hiện nhiều giải pháp, bao gồm cả giải pháp công trình và phi công trình. Hiện nay, Bộ NN - PTNT cơ bản đã xác định được giải pháp, quy mô công trình cho từng vùng, từng vị trí cụ thể và có số liệu tổng hợp cho cả đồng bằng sông Cửu Long. Bộ đang khẩn trương hoàn chỉnh để trình Chính phủ. Chính phủ đang xem xét việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch hệ thống đê biển từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang.
Qua thực tế thị sát tình hình, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển yêu cầu Bộ NN - PTNT phải có phương án tổng thể, danh mục dự án các tuyến đê, kè sông, biển, di dân khu vực thiên tai khẩn cấp, có phân kỳ đầu tư, trật tự ưu tiên báo cáo Chính phủ bố trí vốn để hoàn thành dứt điểm từng dự án, phát huy hiệu quả đầu tư, chú ý tới các dự án mang tính liên vùng, đa mục tiêu. Phó Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao Cà Mau đã có các giải pháp tích cực thích ứng với biến đổi khí hậu trong phát triển kinh tế biển phù hợp với tình hình cụ thể của địa phương, sống chung với biến đổi khí hậu, biến khó khăn, thách thức thành cơ hội.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Cà Mau phải đổi mới tư duy trong phát triển vì biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng khốc liệt và Cà Mau là một trong những địa phương bị ảnh hưởng nặng nhất. Cà Mau cần khẩn trương hoàn thành thủ tục đầu tư các dự án cấp bách chống sạt lở kết hợp giải pháp phá sóng từ xa, di dân, ổn định đời sống dân cư khu vực sạt lở nguy hiểm, đề xuất cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư phong điện kết hợp kè chắn sóng, khắc phục vấn đề giao thông bị ngập úng, đưa nước ngọt từ cống sông Hậu về vùng bán đảo Cà Mau,...
Trong xu thế kinh tế - xã hội địa phương đang trên đà phát triển nhanh chóng, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện, song với 254km đường bờ biển, 85 cửa biển, trên 10.000km sông ngòi, kênh rạch, công tác phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng được xác định là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài ở Cà Mau. Việc thường xuyên khảo sát, đánh giá mức độ an toàn các tuyến đê sông, đê và kè biển để kịp thời gia cố, khắc phục sạt lở cũng như tổ chức thực hiện tốt các kế hoạch, phương án phòng, chống thiên tai là nhiệm vụ vô cùng quan trọng để bảo đảm phát triển bền vững, giảm thiểu các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu cả giai đoạn hiện nay cũng như trong tương lai.