Xây dựng cơ chế, chính sách ứng phó với BĐKH
Qua 5 năm kể từ khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 24 về ứng phó với BĐKH, sử dụng hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, Nghị quyết đã mở đường cho triển khai xây dựng và thực hiện hàng loạt các chủ trương, chính sách lớn như: Chiến lược quốc gia về BĐKH, Chiến lược tăng trưởng xanh, Chiến lược phòng chống thiên tai, Chiến lược về sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả… Với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước về BĐKH, Cục Biến đổi khí hậu (khi đó là Cục KTTV&BĐKH) đã tham mưu cho Bộ TN&MT giúp Chính phủ hoàn thành Chương trình Mục tiêu quốc gia về BĐKH giai đoạn 2011 – 2015; dành một phần ngân sách hằng năm thực hiện các dự án, chương trình ứng phó với BĐKH, nâng cao nhận thức của các cấp ngành, cơ quan quản lý và cộng đồng dân cư.
Trước tình hình BĐKH và thiên tai khí tượng thủy văn có xu hướng ngày càng nghiêm trọng, Chiến lược phát triển ngành KTTV đến năm 2020, Luật Phòng chống thiên tai, Luật Bảo vệ môi trường hay Luật Khí tượng thủy văn mới được thông qua đều xác định nhiệm vụ nâng cao năng lực phòng chống thiên tai là đặc biệt quan trọng. Trong đó, phải nâng cao năng lực dự báo thời tiết nói chung và dự báo, cảnh báo thiên tai nói riêng.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà chủ trì Hội thảo Tham vấn Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris |
Trong những năm qua, Cục BĐKH đã tham mưu cho Bộ TN&MT hướng dẫn Sở TN&MT các tỉnh, thành phố thành lập tổ chức bộ máy chuyên trách về KTTV, BĐKH tại địa phương. Hiện tại, Cục đang phối hợp với các cơ quan, đơn vị ở địa phương tuyên truyền, phổ biến thi hành Luật Khí tượng thủy văn; triển khai các hoạt động giảm nhẹ phát thải KNK, thích ứng với BĐKH tại địa phương; tham mưu để Bộ chỉ đạo hướng dẫn, tạo cơ chế khuyến khích địa phương tham gia quản lý hiệu quả và tuân thủ các quy định đối với dự án theo cơ chế phát triển sạch, thực hiện một số dự án, mô hình thí điểm thích ứng BĐKH; xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về thích ứng BĐKH.
Thông qua Chương trình Hỗ trợ ứng phó với BĐKH (SP-RCC) đã hình thành diễn đàn đối thoại chính sách với sự tham gia của các Bộ, ngành liên quan và các đối tác phát triển quốc tế nhằm xây dựng khung chính sách hàng năm để Chính phủ ban hành, từng bước hoàn thiện cơ chế, chính sách trong ứng phó với BĐKH.
Để thực hiện các nghĩa vụ của Việt Nam đối với Công ước khung của Liên Hợp Quốc về BĐKH, Nghị định thư Kyoto, Công ước Vienna về bảo vệ tầng ô-zôn, Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ô-zôn và các điều ước quốc tế khác, Cục BĐKH là đơn vị chủ trì xây dựng và triển khai hệ thống theo dõi, thẩm định và báo cáo các hoạt động giảm nhẹ phát thải KNK, tổ chức kiểm kê quốc gia KNK định kỳ theo quy định, xây dựng các Thông báo quốc gia, Báo cáo cập nhật 2 năm 1 lần lần thứ nhất; hướng dẫn, kiểm tra và quản lý các hoạt động kinh doanh tín chỉ các-bon theo quy định của pháp luật và các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia; cấp thư xác nhận hoặc thư phê duyệt 254 dự án đầu tư theo cơ chế phát triển sạch…
Thông qua các hoạt động này, từ 2009 đến nay, Việt Nam đã huy động được khoảng hơn 1 tỷ USD từ các đối tác phát triển cùng ngân sách Nhà nước để triển khai các dự án cấp bách, trọng điểm. Ngoài ra, các hoạt động trao đổi hợp tác, các dự án hỗ trợ kỹ thuật, dự án chuyên ngành cũng thu hút những khoản tài trợ đáng kể từ các quốc gia và các tổ chức quốc tế về chuyển giao công nghệ, tăng cường năng lực. Đây là nguồn lực quan trọng để Việt Nam thực hiện cam kết quốc tế, thể hiện trách nhiệm chung trong cuộc chiến ứng phó với BĐKH và phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai.
Sẵn sàng thực hiện Thỏa thuận Paris
Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về BĐKH lần thứ 21 đã thông qua Thỏa thuận Paris về BĐKH. Ký kết tham gia Thỏa thuận Paris cũng đánh dấu bước chuyển đối với Việt Nam, từ ứng phó mang tính tự nguyện là chủ yếu sang ứng phó với nhiều hành động bắt buộc, có sự giám sát, kiểm tra, đánh giá của quốc tế.
Việc sớm xây dựng và ban hành Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận này thể hiện quyết tâm của Việt Nam cùng cộng đồng quốc tế bảo vệ khí hậu Trái đất. Trước khi Thỏa thuận Paris chính thức có lực (ngày 4/11/2016), Cục BĐKH đã hoàn thành và trình Thủ tướng ban hành Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về BĐKH (ký ngày 28/10/2016), xác định 68 nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến 2030, để các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện. Trong đó, giai đoạn từ nay đến 2020, tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách để Việt Nam thực hiện đầy đủ các cam kết do Thỏa thuận Paris quy định đối với Việt Nam.
Tại cuộc họp Đối tác thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) tại Ma rốc ngày 17/3/2017, Việt Nam là nước đang phát triển đầu tiên có kế hoạch cụ thể triển khai thực hiện Thỏa thuận Paris. Cộng đồng quốc tế đánh giá rất cao và sẵn sàng ủng hộ Việt Nam triển khai Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris và NDC.
Từ nay đến năm 2030, Việt Nam sẽ hiện thực hóa các cam kết giảm 8% lượng phát thải KNK vào năm 2030 và có thể giảm đến 25% nếu nhận được hỗ trợ hiệu quả từ cộng đồng quốc tế. Vươn tới mục tiêu này và bước đầu triển khai Chương trình Mục tiêu ứng phó với BĐKH và Tăng trưởng xanh giai đoạn 2016 -2020, Bộ TN&MT đã ban hành hướng dẫn các địa phương đề xuất dự án trọng điểm, ưu tiên, cấp bách đưa vào đầu tư trong giai đoạn này. Chương trình SP-RCC giai đoạn 2016 - 2020 cũng xác định 3 hợp phần: chính sách, đầu tư và tăng cường năng lực cho ứng phó với BĐKH tại Việt Nam. Thủ tướng đã phê duyệt Khung chính sách 2016 (bổ sung); Khung chính sách 2017, định hướng chính sách cho giai đoạn 2018 - 2020 thuộc Chương trình SP-RCC để các Bộ, ngành thực hiện. Trong đó, ưu tiên hoàn thành những chính sách phục vụ triển khai Thỏa thuận Paris về BĐKH tại Việt Nam.
Đáp ứng yêu cầu tiếp tục rà soát, hoàn thiện dần quy định pháp luật, cơ chế, chính sách về ứng phó với BĐKH, theo Cục trưởng Cục BĐKH Nguyễn Văn Tuệ, thời gian tới, Cục sẽ xây dựng Nghị định quy định về lộ trình phương thức cắt giảm phát thải KNK (dự kiến trình Chính phủ năm 2018); Kế hoạch quốc gia về thích ứng BĐKH (NAP), dự kiến trình vào 2019. Hoàn thành và công bố Báo cáo cập nhật 2 năm một lần lần thứ hai của Việt Nam cho Công ước Khí hậu và ra Thông báo quốc gia lần thứ 3…
Cục sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính trong việc xem xét, bố trí, phân bổ nguồn vốn triển khai các hoạt động ứng phó BĐKH, gồm cả các giải pháp công trình và phi công trình. Tăng cường sự phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan trong thực hiện các Chiến lược quốc gia về BĐKH, Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh, Chương trình SP-RCC, Chương trình Mục tiêu ứng phó với BĐKH và Tăng trưởng xanh 2016 - 2020, Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về BĐKH...
Vy Huyền